12/04/2022 11:01 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Theo thống kê của Bộ Y tế, số bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị là 1.235 ca; giảm khoảng 70% so với cùng kỳ cao điểm tháng 3. Sở Y tế TP HCM đối thoại với người bệnh; Bố trí cấp cứu và đội phòng dịch tại các điạ điểm thi đấu, lưu trú của vận động viên tham gia SEA Games 31.
Hơn 8,55 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 11/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 23.184 ca mắc COVID-19 mới, giảm 5.126 ca so với ngày trước đó tại 61 tỉnh, thành phố (trong đó có 16.483 ca trong cộng đồng). Con số này tương đương với số mắc mới của khoảng thời gian 2 tháng trước đây.
Cả nước chỉ có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc mới trên 1.000 ca/ ngày gồm: Hà Nội (2.011), Nghệ An (1.470), Yên Bái (1.271), Phú Thọ (1.187), Bắc Giang (1.053). Con số này chỉ bằng 1/8-1/9 số địa phương ghi nhận ca mắc 1.000/ ngày ở giai đoạn cao điểm 3 tuần đầu tháng 3/2022. Thậm chí ở giai đoạn cao điểm đó có ngày riêng Hà Nội đã ghi nhận hơn 30.000 F0, cao hơn cả tổng số F0 ghi nhận trên cả nước hiện nay.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua giảm còn 39.280 ca/ngày, trong khi giai đoạn cao điểm đã lên đến hơn 150.000 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.250.160 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.661 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.242.413 ca,. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.524.273), TP. Hồ Chí Minh (602.470), Nghệ An (416.641), Bình Dương (381.716), Bắc Giang (375.584).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta: 8.554.923 ca.
Hiện thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.235 ca. Số bệnh nhân nặng như vậy đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ cao điểm tháng 3.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 27 ca.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.830 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bố trí cấp cứu và đội phòng dịch tại các điạ điểm thi đấu, lưu trú của vận động viên tham gia SEA Games 31
Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 cho biết có khoảng hơn 1.000 cán bộ y tế tham gia phục vụ SEA Games 31.
SEA Games 31 sẽ chính thức diễn ra trong 12 ngày, từ 12-23/5 với 40 môn thi đấu. Riêng với ngành Y tế, thời gian phục vụ là 15 ngày, từ 10-24/5. Cùng với Hà Nội, 11 tỉnh/thành lân cận gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ sẽ là những địa phương diễn ra các hoạt động và môn thi đấu.
Mỗi khách sạn có vận động viên ở Tiểu ban Y tế sẽ bố trí 3 đội gồm đội cấp cứu, đội phòng chống dịch và đội đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (riêng đội vệ sinh môi trường đã làm thực hiện trước khi sự kiện diễn ra).
Tại địa điểm thi đấu sẽ bố trí đội cấp cứu và đội phòng chống dịch. Mỗi tổ cấp cứu sẽ gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 lái xe.
Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 cũng đã họp Hội đồng chuyên môn xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về trang thiết bị và thuốc điều trị phục vụ SEA Games 31. Tại cuộc họp Hội đồng Chuyên môn sẽ rà soát Danh mục thuốc cấp cứu ngoại viện, Danh mục trang thiết bị cấp cứu… phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các môn thi đấu.
Sở Y tế TP HCM đối thoại hằng tuần để nghe góp ý của người bệnh
Sở Y tế TP HCM cho biết, hàng tuần, Sở sẽ tổ chức các buổi trao đổi và lắng nghe ý kiến đóng góp của những người từng nằm viện hoặc chăm sóc người thân ở các bệnh viện, ghi nhận những ý kiến góp ý của người dân về cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của các bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP HCM, đây hoạt động thiết thực, nhằm giúp lãnh đạo các bệnh viện có thêm nhiều thông tin do người dân phản ánh sau thời gian điều trị, chăm sóc người thân tại viện; từ đó giúp các bệnh viện chủ động hơn trong triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ bệnh nhân. Hoạt động này sẽ lần lượt được tổ chức luân phiên ở tất cả bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động khảo sát ý kiến về mức độ hài lòng của bệnh nhân trước đây như phát phiếu, các ki-ốt được đặt tại bệnh viện vẫn được duy trì thường xuyên. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các bệnh viện được chọn trong buổi trao đổi lắng nghe và ghi nhận những góp ý của bệnh nhân để chủ động điều chỉnh kịp thời, từ đó nâng cao chất lượng các dịch vụ mà bệnh viện cung cấp và tạo sự hài lòng cho người bệnh...
Trước đó, ngày 8/4, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức gặp gỡ trực tuyến lần đầu để trao đổi, lắng nghe và ghi nhận những góp ý của bệnh nhân sau thời gian nằm viện tại 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhi đồng 2. Những người được phỏng vấn là bệnh nhân hoặc thân nhân đã xuất viện về nhà, có thời gian nằm viện tối thiểu từ 5 ngày, thời gian xuất viện trong vòng 1-3 tuần tính đến lúc được phỏng vấn.
Theo Suckhoedoisong.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất