09/02/2022 14:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Trong những ngày gần đây, nhiều cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương đã phải treo biển nghỉ bán với lý do hết hàng, nguồn cung ứng không đủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình trạng này xảy ra chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và có thị phần rất nhỏ, trải dài trên các tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp lớn mà nhà nước chiếm thị phần chi phối đang thực hiện rất nghiêm túc, không những phục vụ cho hệ thống bán hàng của mình mà còn phục vụ các hệ thống phân phối khác.
"Chúng tôi đã có các biện pháp quyết liệt trong việc chỉ đạo các Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố, phối hợp cơ quan chức năng để xử lý các hành vi găm hàng trục lợi; trong đó có thu hồi giấy phép kinh doanh là biện pháp hết sức nghiêm khắc", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại khoảng 25% là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Sự việc này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. Phía Bộ Công Thương cho hay, hiện đã có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu như: quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…
Hiện nay, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước Tết, nhà máy này đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo nhanh về tình hình kinh doanh xăng, dầu tại các địa phương.
Cụ thể, trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phối hợp với lực lượng chức năng giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương.
Theo đó, từ ngày 28/1 đến 8/2, tại một số tỉnh, thành phố: Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang, Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân, như: không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng.
Trong những ngày tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị lực lượng phải tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Vụ Thị trường trong nước chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền và khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, báo cáo kịp thời.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất