Tạo 'lá chắn' ngăn sự tấn công của các biến thể

02/12/2021 19:34 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Một tuần sau khi các nhà khoa học Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và xếp vào danh sách "biến thể đáng quan ngại", ngoài châu Phi, các ca nhiễm biến thể này đã xuất hiện ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương, dù rất nhiều nước đã áp dụng quy định cấm người từ khu vực miền Nam châu Phi nhập cảnh.

Nhiều quốc gia trên thế giới siết chặt các biện pháp phòng chống biến thể mới Omicron

Nhiều quốc gia trên thế giới siết chặt các biện pháp phòng chống biến thể mới Omicron

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 2/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 263.708.529 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.241.454 ca tử vong.

Theo đánh giá của WHO, Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch.

Vì vậy, nguy cơ từ biến thể mới Omicron trên toàn cầu là rất cao, có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh. 

Chú thích ảnh
Biến thể mới Omicron. Ảnh TTXVN

Sự xuất hiện của biến thể Omicron ngay trước thời điểm Giáng sinh và Năm mới đang gây ra những tác động đáng kể. Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, công bố ngày 1/12, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cảnh báo biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Cả hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch và Moody đều cho rằng Omicron có thể "giáng một đòn mạnh" đối với tăng trưởng toàn cầu và lạm phát do biến thể này xuất hiện trong bối cảnh chuỗi cung ứng đã bị kéo căng, lạm phát gia tăng và thị trường lao động đang thiếu hụt nhân công.

Hàng loạt nước trên thế giới đã nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp hạn chế, siết chặt kiểm soát, cấm nhập cảnh đối với người từ khu vực châu Phi, hoãn các kế hoạch mở cửa.

Đơn cử như Malaysia vừa quyết định tạm cấm nhập cảnh đối với hành khách từ 8 nước châu Phi đã xuất hiện biến thể Omicron hoặc có nguy cơ cao, hoãn các kế hoạch thiết lập làn đi lại cho người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 với những nước nói trên, tái áp đặt quy định cách ly với công dân và người nước ngoài thường trú dài hạn trở về từ những nước có trong danh sách, đồng thời tạm dừng việc chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. 

Việc các nước tái áp đặt hạn chế hoặc hoãn mở cửa được ví như "một cú bồi", đánh thẳng vào ngành du lịch vốn đang kiệt quệ do tác động của đại dịch, với khoản thất thu lên tới 2.000 tỷ USD trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Tổ chức Du lịch thế giới thậm chí còn không đưa ra dự báo khả năng phục hồi của "ngành công nghiệp không khói" trong năm 2022, chỉ cho rằng triển vọng trong trung hạn là "không sáng sủa". Du lịch ảm đạm cũng đang kéo lùi triển vọng của các hãng hàng không, nguy cơ một mùa Đông thứ hai sụt giảm doanh thu khiến cổ phiếu của các hãng hàng không đồng loạt đi xuống. 

Tuy nhiên, WHO cho rằng “các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không thể ngăn chặn sự lây lan quốc tế, trong khi chỉ tạo thêm gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân". Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các biện pháp "thái quá" sẽ không mang lại hiệu quả thực sự khi không dựa trên căn cứ cụ thể, thậm chí có thể phản tác dụng, làm nhụt chí của các nước trong việc báo cáo và chia sẻ dữ liệu dịch tễ và trình tự gene, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Tổng Thư ký Liên hợp Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại khi nhiều nước áp đặt hạn chế đi lại với một số nước và khu vực, đồng thời kêu gọi đưa ra các biện pháp khác để ứng phó. 

Nhà khoa học Tulio de Oliveira - một trong những người phát hiện và công bố biến thể Omicron, đã bày tỏ sự hối tiếc vì quyết định của ông dẫn tới các phản ứng "cực đoan" đối với các nước khu vực miền Nam châu Phi. Ông chia sẻ khi quyết định nhanh chóng công bố biến thể mới, ông chỉ nghĩ rằng thế giới sẽ đoàn kết trước Omicron, song thực tế lại đang cho thấy câu chuyện ngược lại. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Nam Phi, bà Lindiwe Sisulu, bày tỏ: "Chúng tôi cảm thấy như đang bị trừng phạt vì công việc mà chúng tôi phải làm". Báo cáo của Hiệp hội dịch vụ du lịch Nam Phi và Hiệp hội khách sạn toàn quốc cho biết có ít nhất 500.000 giao dịch đặt chỗ du lịch đến Nam Phi đã bị hủy chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua sau khi hàng loạt quốc gia áp dụng lệnh cấm đi lại đối với một số nước miền Nam châu Phi trước lo ngại về biến thể Omicron.

Khảo sát nhanh với 600 đại lý dịch vụ lữ hành cho thấy thiệt hại từ việc hủy các giao dịch đặt chỗ gây thiệt hại gần 1 tỷ rand Nam Phi (khoảng 62 triệu USD). Ước tính rằng nếu lệnh cấm hiện tại được duy trì, ngành du lịch Nam Phi có thể mất gần 80% hoạt động kinh doanh dự kiến từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022.

Hiện vẫn còn quá sớm để có thể kết luận liệu Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không. Theo Tiến sĩ Angelique Coetzee, bác sĩ Nam Phi đã trực tiếp tham gia phát hiện biến thể mới, các ca nhiễm biến thể Omicron mà bà biết đều có những triệu chứng rất nhẹ, gồm mệt mỏi, đau đầu và đau họng, không có trường hợp nào bị mất khứu giác hay bị ho kéo dài như các ca nhiễm các biến thể trước đây.

Cũng chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo liên quan tới Omicron và phải mất nhiều tuần để xác định khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng khi nhiễm và hiệu quả của các biện pháp xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng đối với biến thể này.

Trong bối cảnh đó, WHO cho rằng tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ để ứng phó với những biến thể mới như Omicron. Trên thực tế, cơ chế hoạt động của nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay là tạo ra phản ứng tế bào T - một loại tế bào bộ nhớ có thể kích hoạt phản ứng của các tế bào khác để chống chọi với mầm bệnh.

Theo quan điểm của hầu hết các nhà khoa học, tế bào T có thể nhận ra sự khác biệt giữa các biến thể, qua đó, tạo ra sự bảo vệ nhất định, giúp bảo vệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 không trở nặng và hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra bất kỳ khác biệt nào. Đây cũng là nhận định chung của các hãng sản xuất vaccine lớn hiện nay, trong đó có Pfizer/BioNTech hay Đại học Oxford/AstraZeneca.

Giáo sư Paul Morgan, nhà miễn dịch học thuộc Đại học Cardiff (Anh), cho rằng virus sẽ không thể loại bỏ toàn bộ các biểu mô trên bề mặt, vì như vậy các gai protein sẽ không thể hoạt động được. Do đó, dù virus có biến đổi thế nào, thì hoạt động của tế bào T - vốn đóng vai trò là lớp bảo vệ thứ hai, chỉ có thể giảm đi, chứ không hoàn toàn mất tác dụng và cơ chế này cũng sẽ vẫn duy trì ngay cả với biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Đây cũng là lý do nhiều nước trên thế giới hiện đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho những nhóm dễ bị tổn thương, trẻ em và tiêm mũi tăng cường nhằm tạo thêm "lá chắn" trước sự thay đổi liên tục của virus. Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Ugur Sahin, khẳng định không có gì phải quá lo lắng đối với biến thể Omicron và điều duy nhất cần bận tâm lúc này là vẫn còn quá nhiều người cho tới giờ vẫn chưa tiêm vaccine.

WHO cũng nhấn mạnh  bất bình đẳng vaccine là nguyên nhân khiến COVID-19 lây lan không kiểm soát tại một số nơi, làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm hơn và đẩy toàn thế giới vào nguy cơ chung vì đại dịch.

Trong suốt cuộc chiến chống lại đại dịch kéo dài gần 2 năm qua, thế giới vẫn chưa thể giải "bài toán hóc búa" về việc phân phối công bằng vaccine, kéo theo tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước nghèo. Hiện mới chỉ có 6% trong tổng cộng 1,2 tỷ người dân châu Phi được tiêm chủng. Trong số 8 quốc gia miền Nam châu Phi có tên trong danh sách hạn chế đi lại mà ngày một nhiều nước áp đặt, chưa có nước nào hoàn thành tiêm chủng cho 1/3 dân số.

Hãng tin Bloomberg còn nêu lên một thực tế đáng buồn là các nước và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiêm chủng nhanh hơn 10 lần so với những quốc gia có thu nhập thấp nhất; và thay vì thực hiện lời hứa chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới vẫn đang tích trữ lượng vaccine nhiều hơn gấp vài lần dân số của mình.

Chú thích ảnh
WHO kêu gọi các nước bình tĩnh và cần có sự phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp hợp lý ứng phó với Omicron, tránh tình trạng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ảnh TTXVN

Bởi vậy, với sự biến đổi không ngừng của virus, độ bao phủ vaccine thấp và không đồng đều hiện nay chính là những "lỗ hổng" khiến những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 len lỏi và tấn công các nước, bắt đầu từ chính những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, như cách thức mà Omicron đã và đang tấn công các nước.

Kinh nghiệm chống dịch trong suốt gần 2 năm qua cho thấy ngoài đẩy mạnh việc tiếp cận vaccine, việc tiếp tục giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên cảnh giác để bảo vệ bản thân và gia đình vẫn đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Việc thực hiện đồng thời các biện pháp trên sẽ tạo ra lớp "lá chắn" đủ mạnh để bịt những "lỗ hổng" ngăn chặn sự tấn công của Omicron, cũng như các biến thể khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm