Tình hình Nga - Ukraine ngày 19/3: Hành lang nhân đạo được mở ở vùng lãnh thổ Luhansk

19/03/2022 19:30 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Thống đốc vùng lãnh thổ Luhansk, miền Đông Ukraine, ông Serhiy Gaiday cho biết một hành lang nhân đạo để sơ tán người dân vùng này được mở vào sáng 19/3 (giờ địa phương). 

Tình hình Nga - Ukraine ngày 17/3: Chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine nằm trong tay Mỹ và NATO

Tình hình Nga - Ukraine ngày 17/3: Chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine nằm trong tay Mỹ và NATO

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

(Tiếp tục cập nhật)

Chia sẻ trên ứng dụng tin nhắn Telegram, ông Gaiday cho biết: “Một hành lang nhân đạo đã được thống nhất, chúng tôi sẽ cố gắng sơ tán mọi người và cung cấp lương thực ngay hôm nay (19/3)". Ông cho biết cơ chế ngừng bắn đã được nhất trí trong ngày 19/3, bắt đầu từ 9h sáng (tức 14h theo giờ Việt Nam).

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này hy vọng sơ tán người dân trong ngày 19/3 qua 10 hành lang nhân đạo từ các thành phố và thị trấn đang ở tuyến đầu của cuộc xung đột. 

Chú thích ảnh
Người dân sơ tán tránh xung đột tại Irpin, Ukraine, ngày 11/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Phó Thị trưởng thành phố Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, Anatoliy Kurtiev cho biết, quân đội nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài 38 giờ tại đây, bắt đầu từ 21h ngày 19/3 theo giờ Việt Nam. Trong thông báo trực tuyến, ông Kurtiev đề nghị người dân không đi ra ngoài vào thời gian này. 

Thủ phủ Zaporizhzhia của tỉnh cùng tên này đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng cho khoảng 35.000 người sơ tán khỏi thành phố Mariupol ở miền Đông Nam Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, ngày 19/3, Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cho biết các cơ quan cứu trợ đang cố gắng tiếp cận người dân trong các khu vực có chiến sự, đặc biệt là các thành phố Mariupol, Sumy và Kharkov. Theo điều phối viên khẩn cấp Jakob Kern, hai ngày trước, đoàn xe cứu trợ đã tới Sumy chuyển số thực phẩm đủ cho khoảng 3.000 người trong vài ngày, nhưng con số này ít hơn nhiều nhu cầu thực tế, và việc cứu trợ cho các thành phố lớn "cần thực hiện hàng ngày". Do đó, WFP kêu gọi cần mở hành lang nhân đạo thường trực, để hàng cứu trợ tới được các thành phố này.

Chú thích ảnh
Người dân Ukraine sơ tán tới khu vực biên giới Ukraine - Ba Lan ngày 14/3/2022. Ảnh: THX/ TTXV

* Sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo

Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 24. Trên cơ sở đồng thuận giữa Nga và Ukraine, nhiều hành lang nhân đạo tiếp tục được mở để sơ tán dân thường ra khỏi thành phố Mariupol. 

Phóng viên TTXVN tại Nga có mặt tại cửa khẩu Veselo-Voznesenka của tỉnh Rostov, cách thành phố Mariupol 57 km, đã chứng kiến những đoàn xe nhộn nhịp chở người dân sơ tán đi qua cửa khẩu này. Tại đây, hàng chục xe buýt khác cũng đang chờ sẵn để qua biên giới đón người dân. 

Từ cửa khẩu biên giới Veselo-Voznesenka, mất khoảng 30 phút đi xe để về đến Trung tâm Hỗ trợ ban đầu cho người dân sơ tán từ Mariupol. Tại đây, mọi người được ghi danh và bố trí chỗ ở tạm thời bên trong nhà thi đấu thể thao của thị trấn Taganrod, nơi có các khu nghỉ ngơi, nhà ăn, văn phòng hành chính, y tế và dịch vụ hỗ trợ người dân sơ tán. Trung tâm này có thể tiếp nhận cùng lúc 2.500 - 3.000 người dân sơ tán. Sau đó họ được phân loại và theo nguyện vọng được đưa đến các trung tâm hỗ trợ người lánh nạn ở trung tâm thành phố hoặc rời về nhà người thân ở Nga. 

Các trung tâm lưu trú tạm thời dành cho người dân sơ tán ở Ukraine được lập ra ở tỉnh Rostov từ giữa tháng 2/2022. Tổng cộng có khoảng 150 trung tâm ở các khu vực tiếp giáp với vùng Donbass và ở trung tâm thành phố Rostov. 

Chú thích ảnh
Do chiến sự ác liệt, nhiều người dân Mariupol buộc phải trốn trong các tầng hầm lạnh lẽo, thiếu nước, không có hệ thống sưởi và thiếu thức ăn trong nhiều tuần. Ảnh: Trần Hiếu - PV TTXVN tại Nga

Thượng tướng Mikhail Mizentsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát phòng thủ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho biết chỉ tính riêng ngày 18/3, có  42.992 người đã được sơ tán khỏi Mariupol và 134 tấn thuốc men, thực phẩm và nhu yếu phẩm đã được chuyển tới thành phố này. Theo ông, Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được gần 2,7 triệu yêu cầu từ người dân ở Ukraine muốn sơ tán tới Nga. Tướng Mizintsev nhấn mạnh rằng việc sơ tán công dân Ukraine và người nước ngoài đến các khu vực an toàn vẫn đang được thực hiện cùng các biện pháp khôi phục cuộc sống hòa bình tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Phía Ukraine cũng báo cáo về việc tổ chức sơ tán dân thường. Hành lang nhân đạo từ Mariupol về phía Tây trở thành tuyến đường chính cho người dân sơ tán và các đoàn xe chở hàng nhân đạo tới thành phố này. Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết gần 800 ô tô cá nhân rời Mariupol trong ngày 18/3 dọc theo hành lang nhân đạo. Trước đó, hơn 2.000 người từ Mariupol đã đến thành phố Zaporozhye, cách đó 200 km. Chính quyền Ukraine bố trí xe buýt đưa người dân sơ tán từ Zaporozhye đến các thành phố ở phía Tây.

* Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán toàn diện với Nga 

Ngày 19/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện với Nga.

Trong một video được công bố đầu giờ ngày 19/3, Tổng thống Zelensky khẳng định hiện là thời điểm để hai bên tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa về hòa bình và an ninh. Trong khi đó, đánh giá về tiến trình hòa đàm hiện nay, ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán Nga, cho biết các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine về quy chế trung lập của quốc gia Đông Âu này đang ghi nhận những tiến triển. Lập trường của cả Moskva và Kiev về vấn đề này đã "tiến gần ở mức có thể".

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volo tại Kiev, Ukraine, ngày 18/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các hãng tin của Nga, phát biểu ngày 18/3 tại Moskva, ông Medinsky nêu rõ vấn đề quy chế trung lập và việc Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những nội dung chính của cuộc hội đàm. Hiện hai bên đã đưa ra lập trường của mình tiệm cận nhau hơn. Ông Medinsky cho biết thêm các nhà đàm phán đã "nửa chặng đường" hướng tới một thỏa thuận về việc "phi quân sự hóa" Ukraine.

Trong khi đó, ông Mikhailo Podolyak, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Kiev bảo lưu lập trường về lệnh ngừng bắn và đảm bảo an ninh với các biện pháp cụ thể.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 10 phút. Theo Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva "làm tất cả mọi điều có thể" để tránh thương vong cho dân thường tại Ukraine, bao gồm mở các hành lang nhân đạo để sơ tán an toàn. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tiến trình hòa đàm hiện nay giữa Moskva và Kiev.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Ukraine sơ tán sang Przemysl, Đông Nam Ba Lan ngày 15/3/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

* Nhiều nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga

Cụ thể, Litva đã trục xuất 4 người, trong khi Latvia và Estonia mỗi nước trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga. Tương tự, Bulgaria cũng tuyên bố trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.

Trước quyết định này, hãng tin TASS của Nga dẫn lời Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova nhấn mạnh Moskva “coi đây là một hành động cực kỳ đối địch”, nhằm hạ bậc quan hệ song phương xuống mức tối thiểu, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.

* G7 sẽ nhóm họp về tình hình Ukraine trong tuần tới

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mời các lãnh đạo của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tới dự cuộc họp về Ukraine, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần tới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết các cuộc đàm phán tại Brussels trong ngày 24/3 tới sẽ tập trung "đặc biệt vào tình hình ở Ukraine" và được "tích hợp" vào các cuộc họp thượng đỉnh đã được lên lịch trước đó.

Đức hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G7 (gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ). Thủ tướng Scholz cũng đã chuẩn bị tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của NATO, nơi mà Berlin thông báo rằng chủ đề chính sẽ là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và những hệ lụy đối với liên minh này. Vấn đề củng cố khả năng phòng thủ của NATO cũng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh EU sẽ là dịp để thông qua một kế hoạch “đại tu chiến lược” mới cho 27 nước thành viên, hướng tới quyền tự chủ quân sự cao hơn, đồng thời thảo luận về giá và nguồn cung năng lượng.

Theo bà Christiane Hoffmann, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tham dự cả hai hội nghị quan trọng trên, với mục đích chứng minh “sự ủng hộ mạnh mẽ” của Washington dành cho các đồng minh.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm