Trang trí không gian công cộng ở Hà Nội: Phải thay đổi và sẽ thay đổi!

15/01/2016 07:10 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nhân việc Sở VH-TT Hà Nội tháo dỡ đài hoa “lạ” ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vấn đề trang trí không gian công cộng bỗng chốc cũng trở thành tâm điểm tranh cãi. Để rộng đường dư luận, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với các chuyên gia, cơ quan quản lý về vấn đề trên.

Ông Tô Văn Động: Ra Tết, sẽ tổ chức thi trang trí Thủ đô

Với cương vị Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm trang trí Hà Nội trong đợt kỷ niệm lần này, ông Tô Văn Động chia sẻ: Hội đồng kiểm duyệt do Sở Văn hóa-Thể thao chịu trách nhiệm. Sau khi xem xét, Sở sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố. Hội đồng này không chỉ có các nhà quản lý mà có cả các chuyên gia về mỹ thuật, ánh sáng… Do năm nay thời gian thực hiện gấp gáp nên chúng tôi xin chủ trương vừa triển khai, vừa thi công, vừa chỉnh sửa. Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa.


Ông Tô Văn Động

Rút kinh nghiệm từ lần triển khai này, để phục vụ cho những lần trang trí sau, ra Tết nguyên đán, Sở Văn hóa sẽ tổ chức phát động cuộc thi trang trí chiếu sáng. Cụ thể, từ hình thức chiếu sáng, mỹ thuật, tổ chức thiết kế và cả tuyên truyền chính trị cũng đều được tuyển lựa qua các cuộc thi như này.

KTS Lê Văn Lân: Phải làm cho xứng tầm

KTS Lê Văn Lân là người đã từng thiết kế Cung văn hóa thiếu nhi. Ông cũng có nhiều đóng góp trong việc thay đổi diện mạo Thủ đô những năm trước đây. Hiện tại, với cương vị PCT Hội KTS HN, ông chia sẻ: Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa. Trong đó có nhiều người giỏi về thẩm mỹ nên các công trình liên quan tới kiến trúc công cộng ở Thủ đô phải làm cho xứng tầm. Theo tôi, xứng tầm không có nghĩa là tiêu tốn nhiều tiền mà là việc nghiên cứu, chọn lựa hình thức tốt... mới là căn cơ vấn đề.


KTS Lê Văn Lân

Trong việc trang trí nói riêng và xây dựng các công trình ở Thủ đô nói chung, điều quan trọng là phải tham khảo giới chuyên môn ngay từ đầu. Giới chuyên môn phải tiếp cận được phác thảo trước khi thực hiện và công bố các công trình. Còn, khi công trình đã hoàn thành rồi bị phản ứng mới kêu gọi ý kiến chuyên gia, e chừng đã muộn. Bởi việc chỉnh sửa công trình có sẵn khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều mà chất lượng khó được như ý.  

Bên cạnh đó, chúng ta có thói quen cứ ngày lễ ta làm ra rồi kéo dài mấy tháng sau có sự kiện khác mới gỡ. Làm cẩu thả như vậy mà ta cứ cho là trân trọng những ngày lễ. Nhưng thực ra không phải thế. Trân trọng những ngày lễ là phải qua ngày rồi dỡ ngay. Như vậy, cộng đồng mới cảm thấy những thời khắc trôi qua thiêng liêng và đáng nhớ.


Việc trang trí Hà Nội gần đây đang nhận nhiều chỉ trích từ phía dư luận

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Nên phát huy giá trị di sản

Nhà nghiên cứu, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, tác giả cuốn sách Song xưa phố cũ, người nhiều năm nghiên cứu về diện mạo đô thị chia sẻ: Chuyện trang trí thành phố, mỗi người một quan điểm và cách kiến giải riêng. Tôi chỉ đặt so sánh việc trang trí giữa Hà Nội và Huế, hai thành phố tôi đang nghiên cứu. Hà Nội và Huế có một số điểm tương đồng: Huế và Hà Nội cùng là đất kinh kỳ (quá khứ và hiện tại), cả hai thành phố đều đậm đặc những yếu tố di sản. Vùng lõi di sản của hai thành phố liên quan tới hoàng triều với nhiều vỉa tầng văn hóa, lịch sử. Tức là, bài toán trang trí của hai thành phố có phần giống nhau.


Nhà nghiên cứu, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế

Để giải bài toán, Huế đã dùng rất nhiều hoa văn cổ để trang trí. Đồng thời, các hình thức tổ chức khối ánh sáng của Huế rất hiệu quả trong việc tạo nhận diện văn hóa, bản sắc địa phương.  

Còn ở Hà Nội, lớp cổ kính bị bỏ qua, lớp cận đại nhiều yếu tố cách tân của thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20 cũng bị quên lãng. Hà Nội dường như không có chuẩn mực mang tính hàn lâm. Nên, Hà Nội không có nhận diện riêng cho mình dựa trên tích lũy và phát huy của thành phố ngàn năm tuổi qua ánh đèn trang trí.

Từ  trước tới nay, Hà Nội có nhiều cuộc thi ý tưởng trang trí Thành phố. Song rất nhiều ý tưởng bị ngủ quên, trao giải xong, các đồ án đều xếp tủ, không đi vào thực tế. Nên chúng tôi vẫn bảo nhau, chúng ta như đang yêu Hà Nội... đơn phương. Ý tưởng nhiều, giải thưởng nhiều song chẳng mấy ý tưởng làm đẹp Hà Nội được để ý. Nên, Sở VH-TT Hà Nội tuyên bố sẽ tổ chức kỳ thi ứng dụng trực tiếp vào trang trí Hà Nội, tôi nghĩ, đây là tín hiệu tích cực.

Phạm Mỹ (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm