11/01/2022 09:47 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 11/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 310.644.475 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.511.621 người tử vong. Số ca hồi phục là 260.481.595.
Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với hơn 62,4 triệu ca nhiễm, trong đó 861.180 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới với lần lượt là 554.259 ca và 907 ca. Do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng 40 bang tại Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới ngưỡng đỉnh, nước này đã siết chặt quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo đó, tất cả các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1 và những người không tiêm vaccine phải xuất trình kết quả xét nghiệm hàng tuần. Hiện những chuyên gia y tế đầu ngành của Mỹ đang kêu gọi nước này cần có một chiến lược mới để sống chung với COVID-19 lâu dài và một số trong các giải pháp được khuyến nghị vẫn là đảm bảo cho người dân có thể xét nghiệm dễ dàng, thường xuyên, tiếp tục tiêm chủng rộng rãi đồng thời nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các loại vaccine cũng như những phác đồ điều trị ngày càng ưu việt hơn.
Trong bối cảnh số ca mắc mới đang tăng mạnh ở nước láng giềng Canada, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân nước này không nên đến Canada. CDC Mỹ đã nâng mức cảnh cáo đi lại lên “Cấp độ 4: mức rất cao” đối với Canada, cùng với khoảng 80 điểm đến khác trên toàn thế giới.
Bộ Y tế Guatemala thông báo bắt đầu áp dụng biện pháp dịch tễ mới đối với khách nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, du khách khi làm thủ tục nhập cảnh phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine. Giới chức Guatemala cho biết biện pháp trên được bổ sung vào quy định xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Tuy nhiên, các công dân Guatemala, nhân viên các cơ quan ngoại giao và cư dân thường trú hoặc tạm trú tại quốc gia Trung Mỹ này chỉ phải tuân thủ 1 trong 2 quy định vừa đề cập. Bộ Y tế Guatemala cho biết các biện pháp dịch tễ tăng cường nhằm mục đích chặn đà lây lan của biến thể Omicron. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 1/2022, số lượng ca mắc mới COVID-19 ở Guatemala đã tăng mạnh, với mức bình quân 2.000 ca/ngày.
Chính phủ Israel đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các quy định về chứng nhận tiêm phòng COVID-19 (Thẻ Xanh) đến ngày 1/2 tới, đồng thời siết chặt việc kiểm tra tại các địa điểm công cộng trong nhà. Theo đó, các trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh có diện tích trên 100m2 sẽ chỉ được sử dụng tối đa 1/15 sức chứa, diện tích dưới 100m2 sẽ chỉ được tiếp nhận số khách hàng tương đương 1/7 sức chứa.
Mọi người dân sẽ tiếp tục đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín nơi công cộng. Việc siết chặt kiểm tra Thẻ Xanh được thực hiện trong bối cảnh số ca mắc mới tại Israel không ngừng tăng lên ở mức cao. Bộ Y tế Israel thông báo số ca mắc mới ghi nhận ngày 10/1 là 21.500 ca, trong đó có 2.393 ca đã từng mắc COVID-19 và hồi phục. Đặc biệt, số ca nặng trước đây vẫn ổn định nhưng chỉ trong một tuần qua đã tăng gấp đôi lên 219 ca.
Tại châu Âu, Chính phủ Pháp - quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - cho biết các nước thành viên trong liên minh này đã nhất trí cấp phép lại cho các chuyến bay chở khách đến từ 7 quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi. Lệnh đình chỉ các chuyến bay chở khách đến Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Lesotho và Eswatini đã được EU áp dụng từ tháng 11/2021 nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của biến thể Omicron.
Mặc dù lệnh đình chỉ này hiện đã được EU bãi bỏ, song du khách đến từ 7 quốc gia miền Nam châu Phi vẫn phải tuân thủ các biện pháp y tế được áp dụng cho những người đến từ các nước thứ ba - đó là xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Tại Italy, Bộ Y tế ngày 10/1 thông báo nước này có thêm 101.762 ca nhiễm mới và 227 bệnh nhân tử vong. Đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng 7,55 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 139.265 người tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 2/2020. Hiện 2.004.597 người vẫn đang phải điều trị.
Thủ tướng Mario Draghi cho rằng số người Italy từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết 89,4% số người trên 12 tuổi ở Italy đã tiêm ít nhất một liều vaccine, song số người chưa tiêm vaccine hiện chiếm 2/3 tổng số bệnh nhân COVID-19 trong các khoa cấp cứu tại hệ thống bệnh viện của nước này.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, Đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) David Nabarro cho rằng thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã có thể bắt đầu dự báo được, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp.
Trần Quyên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất