06/05/2016 12:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Bến xe Mỹ Đình chiều 29/4, hàng trăm người dân nối đuôi nhau xếp thành cả chục hàng dài từ điểm mua vé ra tới tận cổng. Đa số họ là những người trẻ, xếp hàng mua vé xe về quê nghỉ lễ.
Hình ảnh đó chìm nghỉm trong biển thông tin tiêu cực được dư luận hăm hở đón nhận để than van. Hình ảnh đó nói lên quá nhiều điều. Đó thực sự là một bước ngoặt, một sự chuyển đổi thầm lặng, của nấc thang văn minh.
Họ xếp hàng, không ồn ào, không vội vã. Họ xếp hàng không phải để thể hiện mình (và thế hệ mình) trước lăng kính truyền thông. Họ xếp hàng cũng không phải để đồng bào quên đi những chen lấn xô đẩy ở khắp các lễ hội suốt ba tháng trường. Họ xếp hàng không nhân danh ai. Họ xếp hàng vì lẽ đương nhiên phải thế. Họ xếp hàng vì xã hội văn minh là thế.
Và, gạt qua sự ồn ào của sóng biển Vũng Áng, xếp lại những thuyết âm mưu tầng tầng lớp lớp về các vấn đề ngổn ngang của xã hội, có một điều gì đó le lói trong hàng người mướt mả mồ hôi: niềm tin. Niềm tin vào những người trẻ và những sự đổi thay chậm rãi, âm thầm họ đang làm, bằng những “cuộc cách mạng xếp hàng”, nơi bến xe, không phải thời tem phiếu.
Cũng chuyện người trẻ, trong tấn thảm kịch cá chết dọc ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Huế), đội ngũ lãnh đạo trẻ ở Đà Nẵng đã thể hiện những hành động quyết liệt và dứt khoát. Từ bí thư cho tới chủ tịch tỉnh, rồi lãnh đạo sở, ngành…, họ xuống tắm biển Đà Nẵng và ăn hải sản của ngư dân.
Hành động này, lãnh đạo các nơi khác cũng làm, song Đà Nẵng là một trong những nơi làm sớm nhất. Và Đà Nẵng thích hợp hơn hết thảy cho việc khởi phát. Bởi, biển Đà Nẵng đã được “chứng nhận” không nhiễm độc bằng kết quả phân tích chất lượng nước công bố ngay từ chiều 28/4.
Thành phố trẻ, với những vị lãnh đạo trẻ đang thể hiện sự khác biệt và đổi thay, chậm rãi nhưng lớn lao.
Trở lại với những bước chân nhích từ từ trong bến xe Mỹ Đình buổi chiều 29/4. Hẳn nhiên, người trẻ cũng như người không trẻ, thế hệ nào cũng có người này, người kia. Người trẻ cũng có những “sửu nhi” chuyên công kích cá nhân và chúi đầu vào những câu chuyện vô bổ. Nhưng, thế hệ trẻ còn có cả một quãng thời gian dài rộng ở phía trước, để hoàn thiện mình.
Và, Việt Nam, đất nước với dân số trẻ, với những “chồi non” gánh trên vai bao kỳ vọng và lo âu, chúng ta có quyền tin vào những sự đổi thay chậm rãi. Chúng ta có quyền gạt đi những lớp váng thời sự đầy bi quan để nhìn vào một tương lai văn minh.
Khi chúng ta không lăn tăn giữa cá và nhà máy mà chọn con người, là lúc đất nước mình chẳng có gì ngộ đâu!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất