Quảng bá hình ảnh cao nguyên đá Đồng Văn ra thế giới

02/12/2010 10:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối qua, 1/12, tại sân vận động thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã diễn ra lễ đón bằng công nhận cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Ngay tại buổi lễ, du khách đã được thưởng thức một không khí đậm chất cao nguyên đá với chương trình nghệ thuật mang tên Vũ điệu cao nguyên đá. Người ta được lắng nghe Nhịp điệu của đá rồi Bản tình ca của núi và cuối cùng là Hát về công viên địa chất toàn cầu. Trước đó, từ ngày 29/11 đến 1/12, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển lãm ảnh về các giá trị di sản, văn hóa của cao nguyên đá Đồng Văn tại khu vực phố cổ Đồng Văn.


Ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH,TT-DL Hà Giang

Nhân buổi lễ, TT&VH đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang:


* Thưa ông, cao nguyên đá Đồng Văn có gì khác so với các cao nguyên địa chất toàn cầu khác?

- Cái khác nhất so với các cao nguyên đá địa chất khác là đây là một cao nguyên đá có tuổi thọ lớn (trên 500 triệu năm), có diện tích vào loại lớn nhất thế giới với diện tích 2.350 km2, độ cao trung bình từ 1.400-1.600m. Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều giá trị về mặt địa chất trải dài từ Lũng Cú tới tận Yên Minh, Quản Bạ, với những hẻm vực đặc trưng như hẻm vực sông Nho Quế, những “rừng đá”, những hang động kiến tạo trong nhiều triệu năm như ở Ma Lé, Lũng Cú. Riêng đèo Mã Pì Lèng còn có một vách đá cao đến 700m theo chiều thẳng đứng, rất hiếm trên thế giới.

Thêm nữa, cao nguyên đá in đậm bản sắc văn hóa đồng bào với trên 20 dân tộc như dân tộc Lô lô, Pu péo... đặc biệt là người Mông chiếm đến 80%. Tất cả đều sinh hoạt và canh tác trên cao nguyên này.

* Việc quảng bá hình ảnh cao nguyên đá Đồng Văn đến bạn bè trong nước và quốc tế trong thời gian tới là thế nào, thưa ông?

- Hiện nay chúng tôi đã thành lập ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện đều có thành lập tổ trực tiếp hướng dẫn đồng bào làm du lịch. Tiếp theo, chúng tôi sẽ lập quy hoạch chi tiết các vùng lõi của công viên, quy hoạch những vùng sinh thái, những vùng du lịch, đặc biệt là giữ gìn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc. Ngành văn hóa cũng đang xúc tiến lập dự án bảo tồn các làng văn hóa, làng nghề, mở những lớp về giáo dục cộng đồng, dạy tiếng Anh cho đồng bào làm du lịch, mở lớp hướng dẫn viên du lịch cấp tốc bằng tiếng Anh, theo đó là phát triển các sản phẩm du lịch như vải thổ cẩm dệt bằng sợi lanh, làng làm khèn...


Dốc hình chữ M - một thắng cảnh ngoạn mục ở cao nguyên đá

Ngoài ra, chúng tôi sẽ in cuốn sách hỏi và đáp gồm có 990 câu thật đơn giản về công viên đá Đồng Văn để đồng bào hiểu. Đến tháng 9/2011, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về cao nguyên đá Đồng Văn để tiếp tục quảng bá hình ảnh cao nguyên đá đến với bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đàm Văn Bông -  Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu: Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang nguyện chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản và những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người dân trong tỉnh; đồng thời khai thác những tiềm năng di sản phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

* Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển du lịch nơi đây sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, phong tục tập quán của người dân. Ông có lo ngại?


- Tôi thấy ý kiến đó chưa đủ. Khi phát triển du lịch thì đời sống đồng bào sẽ được nâng cao, diện mạo cao nguyên sẽ tốt hơn. Những phong tục tập quán sẽ được bảo tồn và phát huy; đồng thời các giá trị văn hóa, địa chất của cao nguyên đá sẽ ngày càng được lan tỏa đến với du khách ở khắp nơi trên thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Trường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm