07/01/2022 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nghe tin nhà thơ Trúc Thông qua đời một ngày cuối năm (26/12/2021), tôi chợt nhớ một ngày đã xa lắm, 1986, nhà thơ Trúc Thông vào Quy Nhơn. Thuở ấy, anh, Hoàng Bảo Linh và tôi đều còn độc thân, đưa nhau đi uống rượu quán cóc. Nhớ mãi…
Thời bao cấp, quý nhau mời chút ớt sừng trâu ngâm dấm, mấy lát táo rừng hoặc xoài giòn chấm mắm đường, hoặc vài ba miếng nem nướng và xị Bàu Đá chính cống đã gọi là sang trọng. Tôi có hào hứng ứng tác một bài thơ tặng cho cuộc rượu này: “Ba người ngồi tựa mênh mông/ Ba người ngồi tựa thinh không vững bền/ Ba người chẳng thể nào quên/ Bên núi bên biển một bên mây trời”.
Trong vắt và biếc xanh trong khung trời thi ca
Lần đó, anh Trúc Thông đi thăm thú nhiều nơi trong tỉnh, sáng tác các bài thơ Quanh tháp Dương Long, Một trưa trong suốt, Kỷ niệm thôn Bình An… Sau đó, mỗi lần gặp tôi ở Hà Nội, anh hẹn dịp nào đó sẽ về lại Quy Nhơn. Thời gian đã lùi xa nhưng kỷ niệm thì còn mãi. Để anh lại cười, nụ cười thật bình thản, sáng trong. Về Quy Nhơn, để 2 anh em đi thong thả qua các ngõ quê, không phải vào các cuộc tụ tập đọc thơ náo nhiệt, mà chỉ ngồi lặng lẽ trong các túp lá ven đường mộc mạc. Như ngày xưa, cả tiếng vang của một gàu nước giếng, tiếng bàn chân người nông phu lấm đất ruộng, tiếng đôi đũa dừng trên mâm…
Lần ấy, anh có đọc một bài thơ của tôi trên Tạp chí Văn hóa Nghĩa Bình - cơ quan tôi đang công tác - anh ngồi rủ rỉ nhận xét làm tôi như mở cờ trong dạ. Sau đó ít lâu, tôi có tá túc tại nhà của nhà thơ Ý Nhi ở TP.HCM, gặp dịp nhà thơ đi Hà Nội, hỏi tôi có thơ gửi không, tôi nhớ lại bài thơ Trúc Thông khen và chép gửi nhà thơ Ý Nhi. Đây là bài thơ đầu tiên của tôi in Tuần báo Văn nghệ, một kỷ niệm không thể nào quên trong đời.
Trong cuộc tất bật với hàng tỉ việc, tim óc thu vào bao nhiêu cảnh sắc bốn phương, Trúc Thông vẫn còn nhớ đến cả một chút lặng thầm xao động nào đó dưới khung trời Bình Định. Hình như những gì đại loại như vậy níu kéo chúng tôi gần thơ hơn. Và gần nhau hơn. Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu sự lạnh lùng của một nhân vật luôn hiện diện trong đời sống có tên cúng cơm là thời gian. Chúng tôi cũng rất hiểu sự đầm ấm của của một vài nét khắc trên gương mặt thời gian, dù có thể, đôi khi có ai đó cho rằng không phải là không vu vơ, tựa hồ gió thoảng mây bay đi nữa.
Nhưng với đời thi sĩ, việc cô đọng thời gian, tình cảm, tư duy trong cuộc vận hành ngọn lửa sáng tạo thành những ánh sáng thơ đắc địa, đó là giây phút trọng đại. Nhà thơ Trúc Thông hồi ấy đã có Chầm chậm tới mình. Sau này, anh có Ma-ra-tông, Một ngọn đèn xanh (tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2000), rồi Vừa đi vừa ở, Văn chương ngẫu luận… Anh tâm sự: “Tôi cho rằng: Trong khi gắn chặt với đất nước, thời đại, con người, nhà thơ (hoặc người viết thể loại khác) phải có đóng góp nhất định vào mở rộng, nâng cao những đặc điểm nghệ thuật của thơ Việt Nam (cũng như ở văn, kịch…). Tính nghề nghiệp “thuần túy” này phải được thể hiện từng bước đi lên qua các tác phẩm. Làm được đến đâu còn do “lực”. Nhưng “tâm” phải nguyện canh cánh với nhiệm vụ, lương tâm đó đến hơi thở cuối”.
Tôi yêu mến một Trúc Thông lặng lẽ, sâu đằm bao nhiêu thì cũng yêu mến một Trúc Thông sắc sảo, quyết liệt bấy nhiêu. Đó là những mặt lấp lánh trong tính cách nhà thơ. Vì Thơ.
Đọc chậm rãi thơ anh, mỗi lần tôi đều nhận ra một trong vắt, một biếc xanh của khung trời nghệ thuật thi ca Trúc Thông. Lấp lánh trong từng chữ, từng câu, từng tứ, hồn người thơ gói ghém những tia vụt sáng. Hiệu quả của một cách thể hiện rất Trúc Thông: “Đời mẹ tôi/ Một ví dụ thiêng liêng của Phật/ Trong hằng hà oán đau”; “Hun hút trôi/ Nâu hiền bên rặng tre; “Không kể lể cầu mong/ Anh chỉ trục từ cay đắng/ Lợi ngữ ngôn/ Sướng vô cùng” v.v…
Anh kiệm lời, dồn nén cho bố cục, cho ý tưởng một kết tinh, một bùng nổ: “Từ ngữ anh sau những bức tường/ đi lại và suy ngẫm/ hành trình quá xa xăm/ cần tập luyện/ bền gân/ sáng trí”.
Từ thập kỷ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, tôi hay nhậu vỉa hè với anh và chứng kiến những ưu tư và sôi nổi của anh: “Người đồng bào ấy đêm nay/ Không đủ thức/ Làm sao xanh biêng biếc/ Trầm tư theo phong cách ngôi sao”.
Thầm chạm với những gì hiền hậu
Trúc Thông rất quan tâm đến những người làm thơ thế hệ sau anh, phát hiện, bình phẩm về thơ hay của họ một cách nồng nhiệt. Anh hào hứng nói về tâm thế thơ của Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc… với sự ủng hộ quyết liệt, và cũng không nguôi lặng sự chân thành khi phát hiện những thi sĩ xa trung tâm, như Hà Huy Hoàng ở Quảng Ngãi chẳng hạn.
Gặp nhau, thỉnh thoảng ngoài việc nói chuyện về thơ, anh còn mở rộng ra những địa hạt khác. Ví dụ, về lĩnh vực văn xuôi như Quạ đen của Cửu Đan chẳng hạn. Ví dụ về lĩnh vực bình luận quan hệ quốc tế, trật tự thế giới như The Lexus And The Olive Tree (Chiếc Lexus và cây Ô liu) của Thomas L. Friedman, chẳng hạn v.v…
Thiên chức của nhà thơ là vấn đề của muôn đời nhưng sự quan tâm đến số phận của thơ ở mỗi thời đại có những đặc trưng riêng. Từ tập thơ đầu đến tập thơ cuối, luôn trung thành với những nguyên tắc mở rộng, nâng cao những đặc điểm nghệ thuật thi ca, Trúc Thông “mở luân xa/ lòng ta/ lắng nét gió mười phương thổi lại…”.
“Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trông thế giới phút chim bay/ Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay…”, những câu thơ cổ điển hết sức hiện đại ấy có sức sống vượt thời gian, cho ta biết mối bận tâm trên là của Ức Trai nhưng không phải là của chỉ riêng Ức Trai vậy. Suy rộng ra, trong thế giới đang giải quyết mối quan hệ giữa toàn cầu hóa hiện đại và những sức mạnh văn hóa địa lý truyền thống và cộng đồng từ ngàn xưa, đặc điểm nghệ thuật thơ ca phải như thế nào. Cao và sâu. Đẹp và sáng. Hẳn nhiên, những vẻ đẹp muôn đời ấy phải ràn rụa lấp lánh mồ hôi, máu huyết, bản ngã của dân tộc trong cuộc va đập, hội ngộ giữa kỷ nguyên này. Phút thăng hoa của người thơ dọc hành trình khổ luyện tìm về lý tưởng nghệ thuật, đôi khi được vây phủ bởi một nhiệm mầu kiêu hãnh hết sức chính đáng, định danh trong cái thế: “anh đang chơi cờ - với những vị thánh”.
Bữa rượu của 3 người độc thân dưới mây trời Quy Nhơn ngày nào hãy còn nóng ấm, không kịp nghĩ rằng mới thoáng chốc mà anh đã vượt cái ngưỡng “cổ lai hy”. Thế rồi năm 2006 Trúc Thông vào Quy Nhơn lần nữa, tôi mời, anh đến mà ngỡ trong mơ. Hơn 20 năm, cảnh cũ người xưa và những bài thơ mới. Như ngày xưa, anh đã ghi lại bằng thơ: “Cửa sổ sau liếp chống/ Sông chảy sát vào có thể với tay/ Cô hàng áo bà ba tóc bính/ Rót một ly quê/ Tôi thầm chạm với những gì hiền hậu/ Phảng phất trong mắt đẹp Gò Bồi/ Người khách sẽ già/ Cô hàng mãi thế/ Xin đừng xa quán nhỏ ven sông…”.
Anh không muốn ở khách sạn mà thích ở nhà anh em quen, ngồi trò chuyện, đi ra đường bằng chiếc xe cà tàng, thăm làng rượu Bàu Đá, thăm lại khúc sông ngày nào… Và rượu. Và thơ… Nhẹ nhàng, vài ba người quý mến sẻ chia, không sân khấu đám đông, không những bó hoa và tiếng vỗ tay… Anh lại cười, nụ cười thật bình thản, sáng trong.
Như trở về tuổi thơ của con người
Ngày Trúc Thông trọng bệnh, quãng 2008, tôi có nối điện thoại nghe tiếng anh thều thào trong một bệnh viện ở Hà Nội. Tôi ra Hà Nội thăm anh, ở căn nhà 16 Hồng Phúc anh đã chuyển sang bờ sông Hồng rồi sau đó sang Cầu Giấy. Hồi Đại hội Nhà văn Việt Nam 2010, anh có đến ở chung khách sạn, anh em và vài ba người thân thiết rủ rỉ chuyện trò. Vì vừa trải qua bạo bệnh, có nhà thơ trước đây nhờ anh giới thiệu vào Hội đã không nhận ra anh, hỏi tôi ai ngồi ăn cơm với đoàn miền Trung Tây nguyên vậy? Khi nghe tôi gọi tên anh, họ mới ngớ ra… Anh vẫn cười, nụ cười của thơ.
Ai đó nói Trúc Thông xem thơ như tôn giáo. Ai đó cũng đã nói Trúc Thông làm thơ như trở về tuổi thơ của con người. Tôi đặc biệt ấn tượng với các bài thơ anh, Người bán than tổ ong: “Choãi người đẩy xe thồ dọc phố/ Đầy ụ than tổ ong/ Người đàn bà dáng đàn ông/ Nhô quá nửa đời sang thế kỷ 21/ Qua hàng internet/ Cô gái tóc vàng du lịch/ Đang thư cho mẹ qua mấy đại dương/ Con trai đang lớp tám của mẹ ơi/ Hãy đoạt lấy một tương lai trắng trong/ Mẹ đẩy xe than về hướng đó”. Hay Cuối thánh đường: “Gù, thấp/ Em nép vai vào cột/ Phía khuất đèn/ Và người chống nạng xạm phong trần/ Bà mẹ già cô đơn kém mắt …/ Tự sắp/ Sau hàng ghế cuối cùng/ lắng không chút bợn/ Trong trắng dâng từ những trái tim kia/ Đẩy xa nhất thánh ca/ Phủ lên mọi nguyện cầu mặt đất”. Hay Tượng chùa Phật Tích: “Phảng phất rất xa xăm/ Sao hiền gần đến lạ/ Ngồi lưng thẳng/ Vòng eo thắt/ Ngấn từng nếp áo lượn/ Ôi đá mềm/ Tìm đâu người điêu khắc/ Giáng sinh/ Cùng đức Phật”.
Lắng trong những ào ạt (và cả dào dạt) của đời sống thường ngày, ánh nhìn thơ Trúc Thông đầy trong trẻo, biếc xanh, trong cái “tương lai trắng trong” của đứa con người bán than đen nhẻm. Hơn nữa, trong hiện thực trái tim rủ rỉ cuối thánh đường hay nếp áo dáng ngồi tượng đá, dường như khi thì Chúa và lúc thì Phật song hành hiện diện trong ánh nhìn của nhà thơ.
Tôi đã từng gặp từ căn nhà 16 Hồng Phúc của anh những nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, Lê Quang Trang, Thanh Quế, Lâm Huy Nhuận, Phạm Xuân Nguyên, Trần Hùng, Đoàn Tuấn… Bây giờ, dù Hà Nội vắng anh. Nhưng trong tôi, anh vẫn luôn hiện diện. Tôi nhớ mãi những lần chậm rãi lang thang cùng Trúc Thông trên những khu phố cổ Hà Nội hoặc ngồi bên nhau nâng cốc, tôi càng quý trọng những trong vắt, những biếc xanh thế này trong thế giới nghệ thuật của anh, như: “Trời xanh đã thành mắt lớn các anh/ Giông bão/ Dại điên/ Thơ trẻ/ Mặc trầm/ Dựng ba ngọn tháp…”. Như “Bàn tay đầy vết xước mưu sinh/ Gương mặt anh vẫn phủ ánh sáng riêng/ Thế giới khác/ Gồm ít công dân/ Một tập đoàn hư ảo/ Chi nhánh toàn cầu…”. Như: “Nàng công chúa Tuyết/ Có cả lâu đài, âm nhạc thành Bát-đa/ Râu nghí ngoáy chú mèo hóm tuyệt/ Và sông và gió cánh rừng xa”. Như “Gió cứ thổi suốt con đường rợp bóng/ Cây lẫn tiếng chim dành hết cho người/ Xa xót lẩn tận đâu miền cay đắng/ Bao lạ lùng vẫy gọi phía xa xôi”…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất