21/04/2020 08:07 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.
Cập nhật 8h00 ngày 21/4: Thế giới 2.470.343 ca mắc bệnh, hơn 170.340 ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 8h sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.470.343 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hơn 170.340 ca tử vong. Với hơn 63.000 ca nhiễm mới và hơn 5.000 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, thế giới đang ghi nhận những diễn biến tích cực từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Dù số ca nhiễm mới và tử vong tại tâm dịch Mỹ giảm ít, song cho thấy chiều hướng tích cực trong ngày thứ hai. Tính đến sáng 21/4, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 792.440, tăng 27.804 ca và số ca tử vong là 42.489, tăng 1.914. Hiện đã có 71.947 ca phục hồi, trong khi vẫn còn 13.946 ca nặng và nguy kịch.
Tại bang New York, số ca tử vong đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut. Với 478 ca tử vong trong 24 giờ qua, New York ghi nhận số ca tử vong tại bang giảm trong 5 ngày liên tục, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347.
Sau Mỹ, cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại một loạt nước châu Âu tiếp tục ghi nhận những diễn biến tích cực. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới con số 400. Với 399 ca tử vong, đây là mức thấp nhất trong vòng một ngày trong gần một tháng qua. Như vậy tính đến nay, Tây Ban Nha đã có tổng cộng 200.210 ca mắc COVID-19, tăng 1.536 ca trong vòng 24 giờ. Hiện đã có 80.587 ca phục hồi và được xuất viện. Mặc dù số ca tử vong trong 20/4 giảm không nhiều so với con số 410 ca trong ngày 19/4, nhưng xu thế giảm này đã mở ra hy vọng rằng Tây Ban Nha đang dần kiểm soát được tình hình.
Trong khi đó, Italy, nước đứng thứ ba trên thế giới về số người mắc COVID-19, cũng có tín hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận là 2.256 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 181.228 ca. Số ca tử vong tăng 454 ca, cao hơn chút ít so với một ngày trước, song vẫn là mức thấp trong vòng 1 tháng qua và nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 24.114. Số ca hồi phục là 48.877 ca. Do tác động của dịch bệnh, ngày 20/4, Chính phủ Italy cho hay các cuộc bầu cử vùng đã được hoãn tới khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến tháng 12/2020. Trước đó, Thủ tướng Giuseppe Conte nêu rõ, nền kinh tế Italy có thể dần mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 4/5, một ngày sau khi lệnh gia hạn phong tỏa kết thúc. Tuy nhiên, ông Conte cho rằng, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng sẽ phải bao gồm các biện pháp đảm bảo an toàn, và giãn cách xã hội khó có thể duy trì trong khi tiến hành bỏ phiếu.
Tại Pháp, tổng số ca mắc COVID-19 đến nay là 155.384, tăng 2.489 ca và số ca tử vong là 20.265, tăng 547 ca và là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong một loạt nước tâm dịch ở châu Âu.
Riêng tại Đức, các biện pháp chống dịch của nước này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khi tổng số ca mắc là 147.065, chỉ tăng 1.323 ca và số ca tử vong là 4.862, tăng 220 ca trong 24 giờ qua. Ngoài ra, Đức tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đến từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU) như một cử chỉ thiện chí. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, hiện Đức đã kiểm soát thành công tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Tại Bỉ, Bộ Y tế nước này cho biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã qua giai đoạn "đỉnh điểm" khi số người nhập viện do mắc COVID-19 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Tính đến nay, Bỉ đã ghi nhận tổng cộng 39.983 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, tăng 1.487 ca trong 24 giờ qua, trong đó 5.828 ca tử vong, tăng 145 ca trong 24 giờ qua. Hơn một nửa trong số các ca tử vong là người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ Emmanuel Andre cho biết những số liệu trên cho thấy chính sách kiểm soát dịch bệnh đang đi đúng hướng.
Liên quan đến cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, ngày 20/4, hai cơ quan của Liên hợp quốc, gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhấn mạnh trong lúc các nhà khoa học trên toàn thế giới nỗ lực phát triển một loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2, các chính phủ phải tận dụng mọi cơ hội có thể để bảo vệ người dân trước nhiều dịch bệnh vốn đã có vaccine phòng ngừa. Tuyên bố chung của WHO và UNICEF khẳng định, nhu cầu cấp bách đối với vaccine phòng virus SARS-CoV-2 hiện làm nổi bật vai trò then chốt của các hoạt động tiêm chủng trong công tác bảo vệ tính mạng và các nền kinh tế. Tuyên bố lưu ý: “Bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành khỏi những dịch bệnh mà vaccine có thể phòng ngừa được thông qua hoạt động tiêm chủng là một yêu cầu bắt buộc đối với tính bền vững của các hệ thống chăm sóc y tế”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ mong muốn một loại vaccine phòng bệnh COVID-19 sẵn sàng cho tất cả mọi người trên khắp thế giới. Người phát ngôn của TTK LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh “vaccine cần phải sẵn sàng sử dụng cho tất cả mọi người, đó không chỉ là vì lý do đạo đức mà không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả mọi người trong chúng ta an toàn”. Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Stephane Dujarric cho rằng “có sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển vaccine là tốt, nếu có sự hợp tác cùng nhau thậm chí còn tốt hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng là khi chúng ta có một loại vaccine có hiệu quả, đó là loại vaccine sẵn sàng sử dụng cho tất cả mọi người”.
Cập nhật 6h00 ngày 21/4/2020: ngày thứ 5 không có ca nhiếm mới
Bản tin 6h00 ngày 21/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy Việt Nam bước vào ngày thứ 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc nào. Hiện tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly 75.799, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 268, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.368, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 60.163.
Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Bệnh nhân 188 được tính là đang theo dõi 14 ngày sau khi kết thúc điều trị, vì xét nghiệm bằng phương pháp Real Time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 19/4 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
- Do đó hiện nay còn 53 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được cách ly, điều trị tại 09 cơ sở y tế trong đó riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có đông bệnh nhân nhất với 44 trường hợp. Đa số bệnh nhân đều có tình trạng sức khoẻ ổn định. Hiện sức khoẻ của 03 bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã có nhiều tiến triển.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 7 ca.
Cập nhật 22h00 ngày 20/4/2020
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 20/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 2.430.728 ca, trong đó có 166.271 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan rộng ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 637.328 ca.
Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 767.189 ca nhiễm và 40.743 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 200.210 ca nhiễm và 20.852 ca tử vong, Italy với 178.972 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong, Pháp với 152.894 ca nhiễm và 19.718 ca tử vong và Đức với 145.743 ca nhiễm và 4.642 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đã có những diễn biến khả quan, khi Tây Ban Nha ghi nhận 399 ca tử vong, trong khi con số này tại Italy và Bỉ lần lượt là 3.047 ca và 232 ca - mức thấp nhất trong vòng một ngày trong gần một tháng qua. Bộ Y tế Bỉ khẳng định cuộc khủng hoảng dịch bệnh của nước này đã qua giai đoạn "đỉnh điểm".
Tại Đức, chính quyền quyền đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những quy định đã được Chính phủ liên bang và các bang nhất trí tuần trước được coi là khuôn khổ để các bang thực hiện, tuy nhiên mức độ áp dụng cụ thể phụ thuộc vào từng bang.
Albania, Đan Mạch đều đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi Na Uy bắt đầu nối lại hoạt động của các trường mẫu giáo.
Về phần mình, Anh tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại nước này sẽ chỉ được thực hiện, khi đảm bảo chắc chắn rằng điều này sẽ không dẫn tới đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ hai.
Tại châu Mỹ, hãng tin AFP (Pháp) dẫn số liệu thống kê chính thức của các nước Mỹ Latinh cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này trong ngày 19/4 đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người tử vong. Riêng tại Brazil, quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực, số ca nhiễm hiện nay là 39.144 ca, trong đó có 2.484 ca tử vong.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 19/4, giảm so với 16 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Tính đến ngày 19/4, Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 82.747 ca mắc COVID-19 và 4.632 ca tử vong.
Cùng ngày, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Hong Kong (Trung Quốc) (CHP) thông báo không có ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên trong hơn 45 ngày qua, vùng lãnh thổ này ghi nhận không có ca nhiễm mới nào.Trong ngày 20/4, Singapore đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục với 1.426 ca, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 8.014 ca. Như vậy, Singapore tiếp tục có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á sau khi vượt Indonesia và Malaysia vào ngày 19/4.
Tại Indonesia, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước đến ngày 13/5 để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Theo Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 20/4, nước này đã ghi nhận thêm 185 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 6.760 người, trong khi 747 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.
Malaysia đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và thương mại. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Malaysia ghi nhận tổng cộng 5.425 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong tại Malaysia hiện vẫn là 89 người.
Tại Campuchia, nhà chức trách cho biết hơn 10.000 công nhân ngành dệt may từ các tỉnh quay trở lại Phnom Penh làm việc sau Tết mừng năm mới Khmer Chol Chhnam Thmey sẽ được đưa tới các địa điểm cách ly bắt buộc. Ngày 20/4 là ngày thứ 7 liên tiếp Campuchia không phát hiện ca mắc mới nào.
Trong ngày 20/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người. Đa số các ca nhiễm mới này là ở thủ đô Bangkok và đây cũng là địa phương có nhiều ca COVID-19 nhất nước, với 1.440 bệnh nhân. Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, nước này đã không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Số ca tử vong hiện vẫn là 47 người. Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng, Thái Lan đã gia hạn lệnh cấm bán rượu bia trên toàn quốc cho đến ngày 30/4.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế được áp đặt như một phần của lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tương tự, giới chức Sri Lanka cũng đã nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt tại một số quận của đất nước, trong khi thủ đô Colombo và ba quận khác, được tuyên bố là khu vực "nguy cơ cao" do đại dịch COVID- 19, tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm.
Tại Iran, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 91 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này đến nay lên 5.209 ca. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 83.505 ca sau khi có thêm 1.294 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nước này sẽ tăng điều khoản phúc lợi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa toàn quốc. Hiện nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi, với 3.158 ca, trong đó có 54 ca tử vong.
Cập nhật lúc 21h30 ngày 20-4-2020
Thế giới: 2.418.429 người mắc khiến 165.739 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 764.265 người mắc, 40.565 người tử vong.
- Italy: 178.972 người mắc, 23.660 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 200.210 người mắc, 20.852 người tử vong.
- Pháp: 152.894 người mắc, 19.718 người tử vong.
Việt Nam: Đến 18h ngày 20/4 có 268 trường hợp mắc COVID-19, không ghi nhận ca mắc mới.
Tổng cộng 214 người đã được chữa khỏi, trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1 và 198 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 06/3 đến ngày 19/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
18h00 ngày 20/4: Không có ca nhiễm mới
Theo Bản tin lúc 18h00 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến thời điểm này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 4,5 ngày trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào. Trong ngày đã có 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, hiện chỉ còn 54 bệnh nhân đang điều trị.
Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly 51.069, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 308, cách ly tập trung tại cơ sở khác 10.759 cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.002.
Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là BN228, có 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo- Hà Tĩnh BN210, BN238, có 2 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi TP HCM BN224, BN236 và 7 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình BN164, BN165, BN180, BN181, BN182, BN230, BN240.
BN188 ÂM TÍNH: Xét nghiệm dịch họng và tỵ hầu của BN188 bằng phương pháp RT-PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. BN188 tiếp tục được cách ly theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện này.
54 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 09 cơ sở y tế.
Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.
Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 7 ca.
17h00 ngày 20/4: Công dân Việt Nam ở Pháp có thể đăng ký về nước
Dựa trên nguyện vọng của nhiều công dân Việt Nam tại nước sở tại và để có cơ sở đề nghị với Chính phủ tổ chức các chuyến bay của Vietnam Airlines cho công dân từ Pháp về nước trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mở trang đăng ký nguyện vọng về nước đối với công dân Việt Nam có nhu cầu thực sự cần thiết, đáp ứng các ưu tiên và phù hợp với khả năng tiếp nhận cách ly ở trong nước từ ngày 20/4.
Để đăng ký nguyện vọng về nước, công dân cần truy cập trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp https://ambassade-vietnam.com/thong-bao-ve-viec-dang-ky-danh-sach-ve-nuoc/. Thời gian bắt đầu tiếp nhận là từ ngày 20/4 và sẽ kết thúc việc đăng ký nguyện vọng vào lúc 12h trưa ngày 21/4.
Việc tiếp nhận đăng ký và xét duyệt nguyện vọng về nước của những công dân có nguyện vọng sẽ dựa trên các nhóm ưu tiên. Theo đó, các đối tượng ưu tiên gồm: công dân dưới 18 tuổi; công dân trên 60 tuổi có bệnh nền đang điều trị; phụ nữ mang thai; công dân là khách du lịch, thăm thân hết hạn thị thực, bảo hiểm; công dân là sinh viên đã hoàn thành chương trình học và công dân đi công tác ngắn hạn đã hết thị thực, lao động hết hợp đồng.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, công dân cần cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin theo yêu cầu và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp.
Công dân tự chi trả chi phí chuyến bay và các chi phí cần thiết khác, tuân thủ sự sắp xếp ưu tiên của Đại sứ quán và cơ quan chức năng có thẩm quyền, tự thu xếp di chuyển tới địa điểm tập kết 1 ngày trước chuyến bay; tuân thủ mọi quy định về khai báo y tế, cách ly, theo dõi khi về nước, cung cấp đầy đủ các giấy tờ hợp lệ.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất