17/03/2022 22:50 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY
(Tiếp tục cập nhật)
Chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine nằm trong tay Mỹ và NATO
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 17/3 khẳng định chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nằm trong tay Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ thực sự đứng về phía hòa bình và công lý cùng với hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới.
Phát biểu tại họp báo, ông Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hòa bình và sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực vào việc này. Ông cũng lưu ý rằng các bên xung đột không nên đổ lỗi cho nhau mà cần có các bước đi thiết thực nhằm giảm căng thẳng và giải quyết vấn đề.
Theo quan chức trên, quyết định của Chính phủ Mỹ mở rộng NATO về hướng Đông có liên quan trực tiếp đến khủng hoảng tại Ukraine. Ông nhấn mạnh chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng này nằm trong tay Mỹ và NATO.
Đức không ủng hộ NATO can dự vào xung đột ở Ukraine
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17/3 tái khẳng định không ủng hộ việc NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng cứu trợ và vũ khí, song sẽ không góp phần làm leo thang quân sự ở Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Berlin, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh cần nhanh chóng chấm dứt chiến tranh bằng con đường ngoại giao.
Trong khi đó, Tổng thư ký Stoltenberg cũng cảnh báo sự leo thang ở Ukraine, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, trở lại con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lãnh đạo Mỹ - Trung lên kế hoạch điện đàm về Ukraine
Nhà Trắng ngày 17/3 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhsẽ tiến hành điện đàm vào ngày 18/3.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: "Hai bên sẽ thảo luận cách thức quản lý cạnh tranh, cũng như về cuộc xung đột Ukraine và những vấn đề khác cùng quan tâm".
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vài ngày sau khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Rome (Italy). Tại cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để sớm đạt được các kết quả thực chất, giúp giảm leo thang căng thẳng, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.
Các cuộc điện đàm trên là một phần trong nỗ lực duy trì các kênh liên lạc và kiểm soát cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington và được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nga và Ukraine tiếp tục các cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến
Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Quan chức bên đang thảo luận về các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Moskva, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ việc Nga và Ukraine ký kết được và thực thi một thỏa thuận có thể nhanh chóng chấm dứt những gì đang xảy ra ở nước này. Ông nhấn mạnh phái đoàn Nga đang rất nỗ lực và thể hiện sự sẵn sàng cao hơn nhiều so với những người đồng cấp Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định các điều kiện của Moskva là vô cùng rõ ràng, được xây dựng và thông báo đầy đủ tới các nhà đàm phán Ukraine.
Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết các cuộc đàm phán giữa nước này với Nga đang tiếp tục diễn ra. Các phái đoàn hai nước đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 4 vào ngày 14/3 vừa qua theo hình thức trực tuyến.
Cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine cho biết trong ngày 17/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra những ưu tiên trong các cuộc đàm phán với Nga, bao gồm chấm dứt chiến tranh, đảm bảo an ninh cho người dân và đất nước.
Trước đó, ngày 16/3, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết Tổng thống Zelensky có thể hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày tới. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Peskov không loại trừ khả năng về một cuộc gặp như vậy.
Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán tại Belarus. Vòng đàm phán thứ tư đã được tiến hành ngày 14/3, theo hình thức trực tuyến. Trợ lý Tổng thống đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga và Ukraine đã đạt được tiến bộ nhất định về một số vấn đề trong vòng đàm phán này, nhưng chưa phải là tất cả. Theo ông Medinsky, lập trường của các bên khá rõ ràng, hai bên đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Ông cho biết nội dung các cuộc thảo luận là việc duy trì và phát triển quy chế trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa Ukraine cùng các vấn đề liên quan đến quy mô quân đội nước này.
Nga khẳng định không có tiến trình đàm phán tích cực nào với Mỹ
Ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hiện không có tiến trình đàm phán tích cực nào giữa Nga và Mỹ, mà chỉ có các cuộc tiếp xúc riêng rẽ về những vấn đề mới nổi cụ thể.
Bà Zakharova đưa ra thông tin trên khi phát biểu trong chương trình Solovyov Live. Theo bà, trong nửa năm qua, phía Nga đã tích cực xây dựng tiến trình đàm phán với Mỹ theo nhiều hướng như vấn đề an ninh mạng, an ninh toàn cầu và vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, hiện giữa hai nước vẫn chưa có tiến trình đàm phán tích cực nào, hai bên chỉ thực hiện các cuộc tiếp xúc riêng lẻ về những vấn đề nảy sinh cụ thể.
Trong khi đó, theo hãng tin Sputniknews, phát biểu tại cuộc họp báo, bà Zakharova nhấn mạnh Nga đã chờ đợi đại diện Mỹ tới châu Âu để đàm phán, nhưng phía Mỹ không tới tham dự.
Về thông tin nói rằng Slovakia được cho là đã quyết định cung cấp cho Ukraine các tổ hợp tên lửa phòng không do Liên Xô trước đây sản xuất, bà Zakharova nêu rõ: "Nếu quyết định như vậy được đưa ra, và đây không chỉ là quyết định của riêng Slovakia, mà là quyết định của các quốc gia khác, thì họ đang tự tạo ra vấn đề cho chính mình".
Liên quan đến quyết định rút khỏi Ủy hội châu Âu, bà Zakharova cho rằng tổ chức này đã hạn chế quyền lợi của Nga với tư cách là thành viên của tổ chức.
Ngày 15/3, Nga chính thức gửi thông báo rút khỏi Ủy hội châu Âu và cáo buộc các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chịu trách nhiệm về việc đổ vỡ đối thoại. Nga cũng thông báo ngừng đóng góp tài chính cho Ủy hội châu Âu. Quyết định trên được Moskva đưa ra giữa lúc xuất hiện những kêu gọi loại bỏ Nga khỏi Ủy hội châu Âu - tổ chức nhân quyền hàng đầu của châu lục với 47 quốc gia thành viên trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trang web của Bộ Ngoại giao Nga bị tấn công mạng
Theo hãng tin Sputniknews, ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trang web của bộ này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cả ngày lẫn đêm.
Phát biểu trong chương trình Solovyov Live trên YouTube, bà Zakharova cho biết thêm “trang web (của Bộ Ngoại giao Nga), giống như trang web của các cơ quan chính phủ khác, đã bị tấn công DDoS 24/24 trong hai tuần nay".
Theo bà Zakharova, trang web của Bộ Ngoại giao Nga là mục tiêu của cả tin tặc chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Nga chặn nhiều kênh truyền thông nước ngoài
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 16/3, Cơ quan Giám sát thông tin của Nga Roskomnadzor thông báo chặn hoạt động của trang thông tin chính thức của Tập đoàn phát thanh truyền hình Anh BBC trên lãnh thổ Liên bang Nga theo đề nghị của Văn phòng Tổng Công tố đưa ra hôm 24/2.
Trước đó, Roskomnadzor thông báo Nga chặn các nguồn tin thuộc một số phương tiện truyền thông nước ngoài, cũng như các dự án của các công ty truyền thông nước ngoài phát tán tin giả về tình hình ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng phương Tây phát động "cuộc chiến tranh thông tin" chống Nga.
Cùng ngày 16/3, Canada chính thức cấm phát sóng đối với kênh truyền hình RT của Nga, với lý do nội dung chương trình không phù hợp với tiêu chuẩn phát sóng của Canada.
Trước đó, EU đã ra lệnh cấm phát sóng các kênh RT và Sputnik của Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn tờ Times of Israel đưa tin Roskomnadzor đã chặn trang tin điện tử của 2 kênh truyền hình 9 TV Channel Israel và Vesti Israel. Hai kênh truyền hình này phát bằng tiếng Nga và có trụ sở tại Israel.
Ban điều hành IMF đình chỉ tư cách của Chủ tịch người Nga
Ngày 16/3, Ban điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đình chỉ tư cách đối với Chủ tịch người Nga của ủy ban này, ông Aleksei Mozhin.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ông Aleksei Mozhin nắm giữ cương vị Chủ tịch Ban điều hành IMF kể từ năm 2015, một chức danh mang tính danh dự dành cho thành viên có cống hiến thâm niên nhất và không có thẩm quyền hay trách nhiệm chính thức nào. Trước đó ở cương vị này, ông Aleksei Mozhin có thể tạm thời thay thế Giám đốc điều hành của IMF, chủ trì Ban điều hành và có trách nhiệm triệu tập các cuộc họp, cũng như điều phối các cuộc thảo luận.
Trong khi đó, Nhật Bản thông báo tạm dừng các hoạt động kinh tế chung với Nga. Phát biểu trước Quốc hội nước này ngày 16/3, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết không thể có các bước đi mới để thực hiện kế hoạch 8 điểm về hoạt động kinh tế chung giữa Nhật Bản và Nga trong điều kiện hiện nay.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, Chính phủ Nhật Bản nhiều lần tuyên bố rằng không thể duy trì quan hệ với Nga theo hình thức đã áp dụng trước đây.
Hôm 15/3, EU cũng thông báo tước bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Nga theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên WTO khác là Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.
Đại diện đoàn đàm phán Ukraine tin tưởng có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, đại diện đoàn đàm phán Ukraine, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak ngày 16/3 đã thông báo về việc chuẩn bị các tài liệu để thảo luận trong cuộc hội đàm với Nga ở cấp cao.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS của Mỹ, ông Podolyak cho rằng để giải quyết xung đột cần "cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai tổng thống”. Ông cho biết đây là vấn đề mà hai bên đang thúc đẩy trong các cuộc đàm phán hoà bình, theo đó đang soạn thảo các tài liệu để các tổng thống có thể thảo luận trong thời gian tới và ký kết.
Theo ông Podolyak, lập trường của Kiev và Moskva vẫn khác biệt, song ông tin rằng có thể đạt được thoả thuận ngừng bắn trong vài ngày tới.
Cùng ngày, hãng tin RIA cho biết Điện Kremlin đánh giá còn quá sớm để công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến gói thỏa thuận tiềm năng giữa Nga và Ukraine.
Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi tờ Financial Times trước đó cùng ngày đưa tin Ukraine và Nga đã có bước tiến đáng kể về một kế hoạch hòa bình gồm 15 điểm. Financial Times dẫn lời một số nhân vật liên quan đến đàm phán cho biết kế hoạch này bao gồm lệnh ngừng bắn và Nga rút quân nếu Kiev tuyên bố trung lập và giới hạn các lực lượng vũ trang.
NATO sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, tuyên bố NATO sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của tổ chức này ở Đông Âu trong bối cảnh xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tuyên bố của người đứng đầu NATO được đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO bất thường nhóm họp ngày 16/3 ở Brussels, một tuần trước khi diễn ra hội nghị cấp cao của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đồng minh với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tại hội nghị, Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của NATO tại châu Âu (Saceur), Tướng Mỹ Tod Wolters, đã được Bộ trưởng Quốc phòng của 30 nước đồng minh chỉ thị chuẩn bị các phương án khác nhau để tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía Đông của NATO.
Ông Stoltenberg cho biết các đề xuất quân sự này sau đó sẽ được đệ trình trong vòng vài tuần, với mục đích để các nhà lãnh đạo đồng minh thông qua tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 6 ở Madrid (Tây Ban Nha).
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO bất thường, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng NATO sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu bao gồm các nước: Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia, 4 quốc gia láng giềng của Ukraine.
Bên cạnh đó, NATO cũng sẽ phải "thiết lập lại" hệ thống phòng thủ tập thể. Ông Stoltenberg cảnh báo NATO sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào chủ quyền của liên minh hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ chức này.
Người đứng đầu NATO nhắc lại sau khi Nga khởi động chiến dịch ở Ukraine, vào ngày 24/2, hiện 40.000 binh sĩ của liên minh quân sự này đã được bố trí chủ yếu ở Đông Âu, với sự hỗ trợ của hải quân và không quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO. Đây là lần đầu tiên NATO kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh. Liên minh cũng đã bắt đầu triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Ba Lan và Slovakia, trong khi số lượng máy bay chiến đấu hiện diện ở Đông Âu đã được tăng lên đáng kể.
Ông Stoltenberg đảm bảo rằng NATO không có ý định triển khai lực lượng trên bộ và trên không ở Ukraine, do đó bác bỏ đề xuất của Ba Lan về “sứ mệnh hòa bình được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang NATO” ở Ukraine và lời kêu gọi từ Kiev. Ông cũng khẳng định không có việc triển khai quân hoặc máy bay của NATO ở Ukraine.
Dự kiến, NATO sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao bất thường vào ngày 24/3 tại Brussels. Tổng thống Mỹ sẽ đến Brussels nhân dịp này để tham dự hội nghị của NATO và gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU.
Mỹ thông báo viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa hơn cho nước này, và coi đây là sự hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” đối với Ukraine trong cuộc xung đột giữa nước này với Nga.
Ông Biden nhấn mạnh đây là hoạt động chuyển giao trực tiếp thiết bị từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho quân đội Ukraine để Kiev có được “các hệ thống phòng không tầm xa hơn”.
Khoản tiền nói trên bao gồm 200 triệu USD được phân bổ vào cuối tuần qua và 800 triệu USD từ gói viện trợ đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước.
Thông báo của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi sự giúp đỡ hơn nữa của Washington.
Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky ghi nhận tất cả sự hỗ trợ từ Mỹ, song hy vọng Washington sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự hơn nữa cho Ukraine.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất