Nguyễn Du - người viết du ký cô độc

02/11/2013 15:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Bắc hành tạp lục - tập thơ du ký mà thi hào Nguyễn Du viết khi đi sứ Trung Quốc cách đây 200 năm, cho thấy một thi nhân đích thực, cảm thương thân phận con người dù không phải là “người trong một nước”.

Tọa đàm khoa học Bắc hành tạp lục được Hội Kiều học Việt Nam, Viện Văn học và công ty sách Thái Hà tổ chức vào sáng 1/11 tại Viện Văn học, Hà Nội. Đây là sự kiện kỷ niệm 200 năm tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục (1813-2013).

Thi nhân Việt đến Trung Hoa

Năm Quý Dậu - 1813 là năm Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc cho nhà Nguyễn, thời điểm được cho là lúc ông bắt đầu sáng tác các bài thơ về xứ sở này. Đại thi hào đi sứ một năm, từ tháng 5/1813 đến tháng 5/1814, nhưng chỉ có 20 ngày ở Bắc Kinh, còn lại là thời gian đi đường.

Theo TS Nguyễn Thị Nương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, trong bài tham luận được đánh giá cao nhất tọa đàm, Bắc hành tạp lục là “đỉnh Thái Sơn” của dòng thơ đi sứ. Thơ đi sứ vốn là dòng thơ do các sứ thần sáng tác, chủ yếu để thiết lập quan hệ ngoại giao, làm sang cho đất nước.

TS Nguyễn Thị Nương phát biểu tại tọa đàm Bắc hành tạp lục ở Hà Nội sáng 1/11

Nhưng Nguyễn Du “một mình một ngựa”, thơ đi sứ của ông hoàn toàn không có những sáng tác kiểu nêu trên. Theo TS Nương, Nguyễn Du viết Bắc hành tạp lục về đất nước Trung Hoa với “tư cách của một thi nhân”, không phải với tư cách sứ thần. Bắc hành tạp lục do đó có giá trị văn chương và nhân văn vượt trội trong dòng thơ đi sứ.

Là Chánh sứ, Nguyễn Du tới Trung Quốc với một đoàn người, nhưng thơ ông trong Bắc hành tạp lục thể hiện một người lữ hành cô độc, một mình đối diện với sự phong phú phức tạp trong tâm hồn mình.

Kể cả về tư tưởng và nhân sinh quan, Nguyễn Du cũng có cái nhìn riêng, không hòa cùng số đông, thể hiện tình thương con người và nỗi buồn nhân thế đã thành bản sắc của ông. Ông thấy Trung Quốc là đất nước tươi đẹp, trù phú như người ta vẫn nói, nhưng ông vẫn nhìn ra những nỗi thống khổ của người dân nơi đây. Tài năng cộng với bản sắc chính là 2 biểu hiện của một tác gia lớn.

Vịnh cảnh và vịnh sử đều để ngẫm về con người

Trong Bắc hành tạp lục có 30% là thơ vịnh cảnh, nhưng không phải là ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, mà Nguyễn Du tả đường đi hiểm trở, thiên nhiên dữ dội, khắc nghiệt, sầu thảm, hiu quạnh… Không khác gì Truyện Kiều và những tác phẩm tiêu biểu khác, thơ du ký của Nguyễn Du có âm hưởng chủ đạo là buồn và cô độc.

Sự trăn trở, day dứt và bất cứ lúc nào cũng miên man nghĩ về thân phận con người ở Nguyễn Du “có lẽ đó là một điều trời cho” (theo nhà văn Hoàng Khôi, người viết cuốn sách truyện Nguyễn Du trên đường gió bụi). “Đa bệnh, đa sầu” dường như là bản tính của ông, thậm chí “ủy mị” như từ dùng của nhà thơ Vương Trọng.

Ngoài 30% nói trên, còn lại trong Bắc hành tạp lục là thơ vịnh sử, viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Hoa mà Nguyễn Du đã biết đến nhờ sách vở: Kinh Kha, Dự Nhượng, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi, Dương Quý Phi… Trân trọng tài năng, Nguyễn Du viết để ngẫm về thân phận của những kiếp tài hoa.

Theo nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Du đầy khiêm tốn khi đặt tên cho tác phẩm là “tạp lục” - những ghi chép tản mạn, mà không gọi là “thi tập” trang trọng, cũng như cách ông nói Truyện Kiều là “lời quê chắp nhặt dông dài”.

Bắc hành tạp lục là tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, gồm hơn 130 bài, bắt đầu là kiệt tác Long Thành cầm giả ca viết khi còn ở Thăng Long và kết thúc là bài Chu Phát khi đoàn sứ sắp về nước.


“Nếu viết về đất nước quê hương mình thì đã là một nhẽ, vì “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhưng tình thương của Nguyễn Du với con người không dừng lại trong phạm vi quốc gia dân tộc. Điều đó cho thấy nhân cách của một nhân vật lớn” - nhà văn Hoàng Khôi, tác giả cuốn sách hư cấu Nguyễn Du trên đường gió bụi mới xuất bản.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm