Nhớ nghệ sĩ Văn Hiệp: Nụ cười và nỗi đau

12/04/2013 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trưa qua, 11/4 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, đồng nghiệp và công chúng hâm mộ đã gặp lần cuối, tiễn biệt nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp - người diễn viên (DV) duyên nghề, gần gũi mọi nhà. Thi hài ông đã được hoá thân, nằm trong bình tro bé nhỏ. Ông còn quanh đây, trong ngõ phố, đường làng, xóm quê, khu tập thể, nói rổn rang, tít mắt cười hào hển…

Như nhiều người không thể thiếu tivi mỗi ngày, tôi gặp Văn Hiệp thường xuyên trên tivi, nghe giọng ông qua đài khi đi ô tô, xe bus. Quá lâu rồi không gặp lại Văn Hiệp ngoài đời và bất ngờ trưa 9/4, nhận tin ông qua đời.

“Xấu trai” nhưng tài hoa

Hóa ra lần gặp ông đầu tiên, duy nhất là  lúc vừa ra trường, tôi đến nhà ông tại khu tập thể Trương Định, làm phỏng vấn. Hôm ấy, ông và con gái tiếp tôi. Chị Vân, mắt một mí, con thứ của ông, sau khi học Đại học Văn hoá, theo bố làm nghề. Đóng vai nhỏ, lồng tiếng nhiều vai phụ, chị tự nhận là “mồm lẻ” – dân nghề gọi là tiếng “mầu”, vai quần chúng.

Lần ấy, bác Văn Hiệp kể với tôi, thời trẻ và suốt trung niên, bác mặc cảm xấu trai. “Mắt một mí cứ sụp xuống, tôi mới đi cắt mí. Con trai lớn đi Đức với mẹ, vợ sang Đức xuất khẩu lao động rồi ở luôn”.

Căn hộ ông sống đơn sơ, giọng khác khi đóng phim, kịch, nó trầm hơn, nhiều nỗi niềm. Chuyện đời, chuyện nghề của Văn Hiệp không hề  “lào phào” như vai nông dân chất phác, bộc trực, thẳng ruột ngựa mà ông hay đóng. Văn Hiệp nhiều năm kể chuyện cho mục Người sưu tầm kể chuyện của VOV, bây giờ đồng nghiệp sẽ kể chuyện về ông.

Ít ai biết, vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ từng tham gia lồng tiếng cho hàng trăm phim nhựa, truyền hình, đã nhiều lần lồng tiếng cùng Văn Hiệp. NSND Lan Hương nhớ lại: “Trước đây, công nghệ lồng tiếng của ta theo hệ analog, không phải digital như hiện giờ. Năm 1995, phim Thương nhớ đồng quê của ĐD Đặng Nhật Minh làm hậu kỳ tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Chỉ có 1 đường thu, các DV lồng tiếng phải đứng gần nhau, ai lồng xong thì đứng sang một bên, nhường mic cho người khác. Văn Hiệp đóng vai ông chú của Nhâm - nhân vật chính, chạy hốt hoảng qua cánh đồng về làng báo tin Minh, em gái út Nhâm, đi học về bị tai nạn chết. Tôi lồng vai chị Ngữ (Thúy Hường đóng), còn Văn Hiệp tự lồng vai của mình. Thường lồng phải 2-3 lần mới đạt: khớp khẩu hình, đúng tình cảm, tâm lý nhân vật khi diễn trên màn ảnh. Vai của Văn Hiệp phải chạy, thở, hét, kêu, ông chạy tại chỗ, làm thật, sau 3 lần thì ông ngã ra, may tôi đứng ngay sau đỡ kịp. Sống chết vì nghề, Văn Hiệp là DV giỏi, có bản sắc riêng, lao động hăng say và thu về những thiệt thòi”.

Thiệt thòi ấy là đời riêng. Văn Hiệp không có vợ ở bên chia sẻ. Văn Hiệp không hề nghỉ hưu, ông vẫn đóng phim, tiểu phẩm, quảng cáo, lồng tiếng, thu thanh cho đến trước tết Quý Tỵ, khi đau nặng phải vào Bệnh viện Việt Xô. Ông nhiều bệnh, xong luôn diễn vai lạc quan hồ hởi, yêu đời. Cách nói, cách diễn của ông như đời thực. Vật gắn với ông là chiếc điếu cày. Sang Nga diễn ông cũng đem theo và cũng mang sang bên kia thế giới.

Người thấu hiểu, gần gũi với Văn Hiệp, chính là NSND Đỗ Doãn Châu, hoạ sĩ thiết kế sân khấu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông Châu kể: “Văn Hiệp xấu trai, vóc dáng bé nhỏ, phải nói là xấu nhất trường, cho nên chỉ được nhận vai phụ. Do anh say sưa, dồn tình yêu nghề vào nhân vật, đến mức các DV chính khi xong phần của mình, vào cánh gà vẫn ngóng ra sân khấu xem Văn Hiệp diễn”.

Thời truyền hình bùng nổ, khán giả quen và nhớ Văn Hiệp qua tivi, nhưng ông ở vai trò DV sân khấu, đã có những vai không hề mờ nhạt. Phi Vân - vở Hoa pháo, y tá Háp - vở Đôi mắt, anh lính trẻ trong Bài ca Điện Biên, Billi trong Đêm đen Cầu hôn - vai Subokov.

Năm 2000, Giám đốc Đỗ Doãn Châu mời các nghệ sĩ từng công tác tại Nhà hát, về diễn. Đó là Quang Thái, vở Giấc mộng đêm Hè, Mỹ Dung, Phạm Bằng tái xuất Hồn Trương Ba, da hàng thịt và Văn Hiệp tham gia vở Kín đáo.

Làm sao mà “kín đáo” khi Văn Hiệp xuất hiện, hóm, duyên thế, gần gũi thế. Vở hút khách, Giám đốc Doãn Châu đưa hẳn lên Cao Bằng, vừa phục vụ bà con miền núi.

Văn Hiệp còn có bí mật “lộ” với ông bạn thân Doãn Châu. Họ cùng nhau về làng Chuông (Hà Tây) để chứng kiến bí mật ấy. Có một gia đình ở làng làm nón nức tiếng nhất định quả quyết Văn Hiệp là đứa con của họ bị thất lạc. Theo ông Doãn Châu, Văn Hiệp giống bố mẹ mình và lại có nét giống ông bà ở làng Chuông - những người khăng khăng nhận Văn Hiệp là ruột thịt. Đoàn kịch Kín đáo về diễn ở làng Chuông, cả làng ngây ngất, hâm mộ điên cuồng, quây lấy Văn Hiệp. Hết vở diễn, ông Châu nhờ dân quân “áp tải” Văn Hiệp đi tắt qua cánh đồng về nhà “bố mẹ”, vì lo bà con quá hâm mộ sẽ “xé tan quần áo” ông bạn “còi”.

Trưởng thôn là “chức” to nhất

Trưởng thôn là “chức” to nhất, bền nhất và chắc còn lâu dài, khó ai thay thế Văn Hiệp. NSƯT Tiến Quang (Nhà hát Kịch Quân đội) tỏ lòng thương tiếc bạn diễn vô cùng gắn bó. Chính nhờ loạt tiểu phẩm từ ngày đầu chương trình Gặp nhau cuối tuần, mà các nghệ sĩ Văn Hiệp, Tiến Quang, Hồng Giang có “thương hiệu nghề”.

NSƯT Tiến Quang nhớ những lần kỷ niệm làm phim, diễn kịch cùng nhau. Nghệ sĩ Trà My làm “bầu”, tổ chức show các tỉnh. Lớn tuổi nhất, Văn Hiệp vẫn hòa cùng cánh trẻ, chân thật, giản dị, tốt bụng, tuềnh toàng mà chỉn chu. “Con người đúng như trên màn ảnh, rất tận tình, nhân hậu. Bác ấy không nhậu nhẹt, bia rượu. Bị đại tràng lâu năm, bác ăn cơm ít, hay ăn khoai. Chúng tôi đóng vai bố con trong phim Tết Đại gia chân đất, hết quay quảng cáo lúa ba vụ ở Thái Bình, lại thu thanh quảng cáo thuốc trừ sâu, phân bón ở Công ty anh Phạm Đông Hồng tại Láng Hạ. Trước Tết cùng “đấu khẩu” đồng thanh diễn với nhau, giờ đã hai thế giới - NS Tiến Quang ngậm ngùi.

Gần 8 năm nay, Văn Hiệp chuyển sang nhà mới phố Hoàng Mai, gần Đền Lừ. Nhà 4 tầng, ông ở cùng vợ chồng con trai và 2 cháu nội (1 trai, 1 gái). Phòng Văn Hiệp chỉ chừng 10m2 ở tầng 2, rất ngăn nắp.

Nào “kể chuyện cảnh giác”, diễn tiểu phẩm, đóng phim, quảng cáo thuốc trừ sâu, phân bón tới thuốc…viêm đại tràng, Văn Hiệp khiến người xem, người nghe cảm mến, gần gũi. “Hiệp sống giản dị, đạm bạc. Đi dép tổ ong ra phố chè chén, thuốc lào, lúc rỗi thế hiếm hoi lắm. Hiệp lao động say sưa, không chỉ vì sinh kế. Cống hiến và được quý mến là hanh phúc nhất, bền nhất, nguồn an ủi quan trọng của bạn tôi”.

Lại một “Kép Tư Bền”

Tình yêu và hôn nhân của Hiệp cũng thật lạ. Hiệp gặp Dung (người Quảng Trị) khi đi phụ đạo văn nghệ phong trào. Dung sang Đức, Hiệp mới viết thư tỏ tình. Dung về, họ lấy nhau sinh hai con, rồi Dung lại đi tiếp hơn 20 năm. Tháng 3 vừa rồi, Dung có về thăm Hiệp được vài ngày. Lần này về là vĩnh biệt. Thế mà ông bạn già của tôi lúc nào cũng tỏ ra hồn nhiên trên màn ảnh.

Lại một “Kép Tư Bền” nữa ư? Văn Hiệp đấy, cất nén nỗi khổ, đau cả thể xác và tinh thần, để cười cười, cười hết cỡ, tặng cho hàng triệu khán giả cái cười sảng khoái, vui vẻ. Trong cuộc sống nhọc mệt, căng thẳng này, tiếng cười thoải mái, quý biết bao. “Những vai diễn thường giao theo đặc điểm ngoại hình. Các DV cao lớn, vẻ trí thức, được vai chính. Tuy là trai Hà Nội, Văn Hiệp hình thể xấu, anh lại cố làm ra sự nhếch nhác, buông tuồng khi đóng nông dân, tạo được hiệu quả cao, nên các đạo diễn cứ mời thành nếp. Có lần, Hiệp vừa đi diễn về, chúng tôi phải đến ngay một đám cưới. Cô dâu chú rể và ban nhạc ồn ào quá, Văn Hiệp tay áo đeo băng đỏ, rút còi từ túi áo và thổi mạnh. Cả phòng cưới lập tức trật tự, rồi mọi người cười nghiêng ngả, hoan hô. Nhân vật của Văn Hiệp vào đời sống thế đấy!”

Văn Hiệp đã nằm viện liên tục từ Tết, về nhà được 3 tuần thì mất. Con trai lớn của ông kể với bác Doãn Châu: “Cháu ân hận không tiêm thuốc giảm đau cho bố. Bệnh dạ dày, đại tràng, tràn dịch màng phổi, tim, thận cùng kịch phát, khiến Văn Hiệp đau đớn khủng khiếp. Những tháng cuối đời, ông không thể cười và đủ sức làm ai cười được. Ông hét khi quá đau. Và lần hét cuối là 4 giờ sáng 9/4 khi con trai sang, thì ông ngừng, tưởng ổn. Lúc 5h30 sang lần nữa, ông đã ngừng thở”.

“Là nghệ sĩ của nhân dân là đủ rồi”

Là thành viên Hội đồng xét danh hiệu nghệ sĩ 2012, NSND Doãn Châu đã phát biểu trước Hội đồng về những nghệ sĩ bị thiệt thòi khi quy chế giải chỉ theo số huy chương vàng, bạc mà không theo thực chất vai diễn có sống trong công chúng hay không. Ông rất buồn khi người hết lòng hết sức, đóng góp gần nghìn tác phẩm như Văn Hiệp không có danh hiệu gì.

“Văn Hiệp từng buồn vì điều ấy, và lại tự an ủi: Là nghệ sĩ của nhân dân là đủ rồi. Nghĩ đến đề nghị xét truy tặng danh hiệu cho nghệ sĩ Văn Hiệp, tôi lại thấy đau khi nhớ tâm sự của bạn mình. Có khi Hiệp chẳng cần nữa đâu. Hiệp đã tận tụy đến phút cuối có thể rồi” - tiếng Doãn Châu nhòe đi.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm