Tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các chùa, cơ sở tự viện

24/07/2024 22:03 GMT+7 | Tin tức 24h

Để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn đã hiến dâng trọn cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị chư tôn đức Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức lễ tưởng niệm, thiết lập ban thờ di ảnh Tổng Bí thư tại nơi tôn nghiêm để tăng ni, Phật tử và nhân dân tụng kinh, thắp hương tưởng niệm.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các tổ chức tôn giáo có nghi thức phù hợp với tôn giáo của mình tổ chức nghi lễ tưởng niệm cùng thời điểm Lễ viếng và Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo quy định của Ban Tổ chức tang lễ: Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ ngày 25/7/2024. Lễ truy điệu lúc 13 giờ ngày 26/7/2024.

Lễ tưởng niệm tổ chức tại Trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp; các Hạ trường nơi tổ chức an cư kết hạ; các chùa, cơ sở tự viện trong ngày 25- 26/7. Đúng 7 giờ ngày 25/7 và 13 giờ ngày 26/7 thỉnh ba hồi chuông, trống Bát nhã, tụng kinh hồi hướng cầu siêu theo nghi thức truyền thống Phật giáo.

Sau Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức tang lễ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang, những ngày qua, nhiều chùa đã tổ chức lễ cầu siêu, lập ban thờ để nhân dân tới thắp nén hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các chùa, cơ sở tự viện - Ảnh 1.

Lễ cầu siêu, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Chùa Quán Sứ. Ảnh: VN+

Chiều 24/7, tại chính điện chùa Quán Sứ (Hà Nội), Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đông đảo tăng ni, Phật tử đã tụng kinh cầu siêu và tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chùa Quán Sứ sẽ mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút để các Phật tử và người dân đến thắp hương bày tỏ lòng thành kính, niềm tiếc thương đối với Tổng Bí thư, cho đến khi Quốc tang kết thúc.

Trước đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thư chia buồn về tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trong thư, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ, tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài vô cùng thương tiếc khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào ngày 19/7/2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn và là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước ta. Ông đã hiến dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong tư tưởng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn luôn thương yêu nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và luôn nhấn mạnh việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, lấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo là nòng cốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được đối với tất cả người dân Việt Nam chúng ta. Trong giờ phút tiếc thương vô hạn này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và với tình cảm, sự trân quý đặc biệt của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ cùng với nhân dân cả nước biến đau thương thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tiếp tục phát huy những di sản vô giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, vững bước tiến lên xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngày càng nâng cao cơ đồ, vị thế, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm