08/10/2019 08:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Không chỉ thu hút người xem bởi ấn tượng thị giác, 100% tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 đều có tính ứng dụng cao, đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng BTC Triển lãm, Chủ tịch Hội đồng Tuyển chọn và chấm giải thưởng Thiết kế sáng tạo đã khẳng định như vậy.
Ứng dụng là tiêu chí số 1
Họa sĩ Vi Kiến Thành nhận định, triển lãm lần này là một bước ngoặt về giá trị thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật và tính ứng dụng trong từng sản phẩm. 100% tác phẩm tại đây đều đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thân thiện với môi trường. Các tác phẩm trang trí không chỉ đáp ứng nhu cầu làm đẹp mà còn thiết thực với nhiều công năng hữu ích.
Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014-2019) khai mạc cuối tuần qua tại Bảo tàng Hà Nội đã “thết đãi” công chúng bộ sưu tập chất lượng nghệ thuật cao, được bài trí chuyên nghiệp và công phu trong một không gian lý tưởng. 280 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đẹp và sang trọng đã khiến người xem không khỏi trầm trồ. Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ, đến kỳ thứ 4, Triển lãm hướng đến mục tiêu tính chuyên nghiệp, đẳng cấp, tạo sức thu hút không chỉ bằng ấn tượng thị giác mà còn bằng những giá trị ứng dụng vào thực tiễn.
Khẳng định tính ứng dụng là tiêu chí số 1, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm trang trí lấy ví dụ từ Bộ cửa “Trung Hiếu môn”, giải Nhất sản phẩm trang trí: “Từ câu chuyện cũ của những thế kỷ xa xưa, tác giả nói lên câu chuyện mới trên bộ cánh cửa của chính ngôi nhà của mình. Có lẽ điều đầu tiên thử thách ý tưởng sáng tạo chính là thành công trong không gian sống của bản thân. Sau khi hoàn thành bộ cửa nhà mình, tác giả Trần Nam Tước đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, rất nhiều khách hàng mong muốn sở hữu bộ cửa như vậy. Đó chính là thành công về tính ứng dụng cao của những tác phẩm mỹ thuật”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích.
Chủ nhân giải thưởng, nghệ nhân Trần Nam Tước (Hà Nội) chia sẻ về ý tưởng sáng tạo: “Những cánh cửa không ai còn lạ, và ai cũng đều phải bước qua những cánh cửa nhiều lần trong suốt cuộc đời mình. Nhưng lấy cánh cửa để sáng tạo thành một tác phẩm gắn liền đời sống văn hóa truyền thống lại là một câu chuyện. Tôi mong muốn làm cánh cửa đó để thỏa mãn đam mê của mình. Tác phẩm đã được thực hiện trong gần 1 năm, từ khâu thiết kế đến hoàn thiện đều bằng phương pháp thủ công. Tôi muốn khẳng định thông điệp nghệ thuật không xa rời mà luôn cần phải có chỗ đứng trong đời sống. Vì vậy, tôi lựa chọn những hình ảnh, chi tiết tượng trưng cho cái đẹp dung dị và đời thường nhất để truyền tải những thông điệp văn hóa truyền thống trên bộ cửa này như con gà, cuốc, cò, cây bèo, bông lúa, khoai nước, quả dứa.. Để mỗi khi mở cánh cửa ra luôn có tiếng nói gần gũi nhất với cuộc sống con người”.
Nghệ nhân Trần Nam Tước cũng cho biết, nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng anh sẽ không lặp lại những sáng tạo mà sẽ tiếp tục khai thác chi tiết mới trên các bộ cửa được làm sau này. Không gian mở của sản phẩm, cánh cửa mở ra vừa bước vào truyền thống lại vừa bước ra xã hội đương đại chính là cách xử lý thông minh để tác phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng trong cuộc sống.
Một ví dụ khác về tiêu chí tính ứng dụng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói về sản phẩm trúc chỉ Huế. Sau sơn mài, lụa thì trúc chỉ, giấy dó được mong mỏi sẽ là chất liệu mới của mỹ thuật ứng dụng Việt. Mặc dù vậy, hội đồng giám khảo đã phải cân nhắc khi quyết định có đưa sản phẩm trúc chỉ vào giải hay không. Các nghệ sĩ Huế đã rất thành công ở chất liệu này, nhưng nếu đặt tiêu chí tính ứng dụng lên cao nhất thì sản phẩm trúc chỉ lại chưa đủ để lọt được vào giải lần này.
Bước ngoặt về tính chuyên nghiệp
Họa sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm ứng dụng nhận định, sau 3 kỳ triển lãm toàn quốc thì Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng lần thứ 4 là kỳ triển lãm quy mô nhất, hoành tráng và chuyên nghiệp nhất. Bảo tàng Hà Nội là không gian hoàn hảo dành cho cuộc triển lãm mà ở đó, sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề và các nhà thiết kế được tôn vinh lên rất nhiều.
“Đây cũng là kỳ triển lãm hội tụ nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện kỹ thuật cao của các nghệ nhân làng nghề với các sản phẩm đan lát, đậu bạc, sơn mài, đục chạm… tinh xảo, bắt mắt. Ở lĩnh vực thiết kế, sản phẩm của các nhà thiết kế trẻ đều đã tiếp cận với xu hướng chung của thế giới đương đại…”, họa sĩ Hồ Nam nói.
Giải Nhất sản phẩm ứng dụng với bộ đèn đan vẩy rồng, NNƯT Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi thừa hưởng và sáng tạo từ lối đan cổ của cha ông để làm những sản phẩm mang tính ứng dụng, có giá trị sử dụng cao hơn, phù hợp với cuộc sống hiện đại”. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công thân thiện môi trường, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã sử dụng chất liệu ruột cây mây, với những biện pháp kỹ thuật truyền thống để tạo cho sản phẩm đặc tính phù hợp môi trường nóng ẩm của khí hậu miền Bắc. Nung nấu ý tưởng về sản phẩm từ 5 năm trước , sau kỳ triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 3, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mong mỏi bộ đèn mà ông ưng ý này sẽ được thị trường đón nhận.
Đánh giá đây là kỳ triển lãm mang dấu ấn đặc biệt trong thời kỳ mới, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, sự xê dịch mang tính bước ngoặt về chất lượng và tính chuyên nghiệp so với những triển lãm trước là do tốc độ phát triển của thị trường, khiến cho các làng nghề Việt Nam buộc phải vượt qua những áp lực và thách thức mới. Lời giải mã tốt lành ở đây chính là sự xuất hiện của các nghệ nhân trẻ, họ bắt đầu một câu chuyện mới cho làng nghề truyền thống. “Ý nghĩa của truyền thống đã không đứng yên một chỗ, trong sự viên mãn qua nhiều thế kỷ mà bản thân nó được đánh thức trở lại để mang vẻ đẹp mới, sức sống mới trong những sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, với sự nhạy bén và sáng tạo, các làng nghề bây giờ trở thành nơi cung cấp sự tài khéo của các nghệ nhân cho các đơn đặt hàng không chỉ ở trong mà cả ngoài nước. Người Nhật đã không nhầm chọn Bát Tràng cho những đơn đặt hàng mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mình. Bởi thế, có thể thấy với tính chuyên nghiệp cao, triển lãm đã mở ra những trang mới cho mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất