Nhà văn Tô Hoài nhận Giải thưởng Lớn - Vẽ nên một Hà Nội phố bằng văn chương

03/09/2010 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đánh giá về 3 đề cử Giải thưởng Lớn năm nay, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội, Chủ tịch HĐGK Giải thưởng cho biết: Nhà văn Giang Quân và nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung cũng như một số nhà nghiên cứu tâm huyết khác, gần như đã dành trọn sự nghiệp đời mình cho các công trình nghiên cứu về Hà Nội, thực sự rất đáng được biểu dương và tôn vinh. Song năm nay, ở hạng mục Giải thưởng Lớn còn có một đề cử quan trọng nữa: đó là nhà văn Tô Hoài, một nhà văn đã gắn bó với Hà Nội suốt cả cuộc đời, năm nay đã bước qua tuổi 90”.

Giải thích cơ sở trao Giải thưởng Lớn cho nhà văn Tô Hoài, ông Bằng Việt cho biết: “Nhà văn Tô Hoài là một tên tuổi không thể có ai thay thế được trong văn học Việt Nam, mặt khác cũng có thể coi ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, về sức làm việc bền bỉ với trí tuệ mẫn tiệp hiếm có, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Thủ đô, là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội. Với sức làm việc phi thường, nhà văn đã có gần 150 tác phẩm lớn nhỏ, viết bao quát nhiều thể loại, viết cả cho đối tượng người lớn và thiếu nhi, ngòi bút lúc nào cũng giữ được nét độc đáo, sắc sảo, dí dỏm, trẻ trung, đồng thời luôn tuôn chảy, dồi dào và sung sức. Những trang văn Tô Hoài về Hà Nội vô cùng đậm đà và giàu chi tiết, hóm hỉnh và có phong thái riêng; ở đó bóng dáng, hồn cốt của một Hà Nội qua mấy thời đại hiện ra hết sức rõ nét, có cá tính, đầy những âm thanh và màu sắc đặc trưng. Trong mỗi chúng ta, hình như không ai lại không mang theo từ tấm bé hình ảnh cảm động và cao đẹp của chú Dế Mèn phiêu lưu khắp tứ xứ để rồi trở thành sứ giả của hòa bình và tình anh em; không ai không nhớ những nhân vật như vừa bước thẳng từ những xóm dệt nghèo xơ xác của vùng Nghĩa Đô xưa, những Xóm Giếng ngoại thành, những Cỏ dại O chuột vào ngay những truyện ngắn, truyện dài của Tô Hoài. Rồi đến những mảnh đời trong Chuyện cũ Hà Nội làm ta thắt lòng, những trang hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều...lại nhớ chiều chiều ngổn ngang tâm sự một thời chưa xa.

Với nhiều gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cuộc đời và trong tâm hồn, có thể coi Tô Hoài cũng là một tạng nghệ sĩ độc đáo và tài hoa như mẫu người Bùi Xuân Phái, chỉ khác là ông đã vẽ nên một Hà Nội phố bằng giấy trắng mực đen và ngòi bút sắt, chứ không phải bằng toile và các mảng màu dầu, sơn dầu... Năm nay, dù sức khỏe có giảm sút, nhưng nhà văn vẫn viết các bài báo đậm chất thời sự - xã hội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa như Nhà Chử, Miếu Đồng Cổ, Mai An Tiêm... và viết lại các chuyện cổ tích hay của Việt Nam cho thiếu nhi, theo cách kể Tô Hoài...

Với những phân tích như trên, HĐGK đã đi đến quyết định sẽ trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nhà văn Tô Hoài vào năm nay, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”.

Về 2 đề cử còn lại, ông Bằng Việt nhấn mạnh: “BTC cũng như HĐGK rất tiếc phải tạm lùi việc biểu dương và tôn vinh các ứng cử viên khác - dù cũng có nhiều thành tựu đồng đều và xứng đáng - cho tới các đợt trao giải các năm sau, vì theo Quy chế của giải, mỗi năm chỉ chọn ra 1 giải thưởng Lớn”.

Tâm sự với TT&VH, nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết, mặc dù không đoạt giải thưởng nhưng tôi thấy việc lọt vào các đề cử cao nhất và có mặt tại đây ngày hôm nay đã là một điều vinh dự rồi. Với giải thưởng lớn, cá nhân tôi cho rằng nhà văn Tô Hoài nhận giải là hoàn toàn xứng đáng, ông là một trong những người gắn bó với Hà Nội bằng một tình cảm đặc biệt nên trong những tác phẩm của ông đều rất tâm huyết và chất chứa rất nhiều ý nghĩa”.

KẾT QUẢ

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010

1. Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội: Nhà văn Tô Hoài.

2. Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội: Hợp xướng Trống đồng mang tên Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

3. Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội: Đồ án Cung đường hòa bình có ý nghĩa “đánh thức” một đoạn tường bao Hoàng thành Thăng Long xưa của nhóm KTS Hoàng Thúc Hào.

4. Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: Nhóm các tác giả và chuyên gia “đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được bộ hồ sơ đề cử, để Khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

5. Tặng thưởng - Vì tình yêu Hà Nội cho Bức tranh thêu Cội xưa (khổ lớn 170,5m2) thể hiện cố đô Hoa Lư trong sự gắn bó với Thăng Long của họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài cùng các nghệ nhân làng thêu Văn Lâm (Ninh Bình).

BAN TỔ CHỨC và HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO


Nguyễn Mỹ (Ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm