18/12/2014 08:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hai ngày qua, cả nước hướng về Lâm Đồng và nín thở theo dõi cuộc giải cứu những thợ mắc kẹt dưới hầm sâu trong lòng đất. Vụ sập hầm công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo xảy ra ngày 16/12.
Hầm bị sập là đường hầm xuyên núi, dùng để dẫn nước đến nhà máy phát điện, dài khoảng 700 mét và vị trí hầm bị sập cách cửa hầm gần 500m. Có 12 công nhân trong đó có 1 nữ bị mắc kẹt trong hầm. Phía sau sự an nguy của 12 con người là 12 gia đình với những người thân đang tột cùng lo lắng theo từng động tĩnh được truyền lên từ lòng đất.
"Nước dâng cao, tình hình hết sức cấp bách", đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sau khi khảo sát tình hình tại hiện trường vụ sập vào chiều hôm qua 17/12.
Qua đường ống nhỏ được xuyên thông xuống hầm sâu, lực lượng cứu hộ vẫn duy trì việc tiếp tế nước, sữa, thức ăn nhẹ cho 12 nạn nhân bị mắc kẹt bên trong. Việc liên lạc giữa các nạn nhân với bên ngoài vẫn qua đường ống nhỏ nên rất khó khăn, thiết bị liên lạc chuyên dụng của quân đội vẫn chưa có cách nào đưa vào.
Các thông tin cập nhật, lượng cứu hộ đang làm hết tốc lực, tuy nhiên nước vẫn dâng, các mũi khoan vẫn đụng phải đá...
***
Từng tin tức được phát đi khiến chúng ta chờ đợi và nín thở lo lắng. Sự kiện này thử thách ý chí, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và tình người của chúng ta.
Trước thảm họa, ngành y tế, công an, quân đội, xây dựng, công thương, lực lượng địa phương… được huy động vào cuộc, túc trực ở khu vực trước cửa hầm, chuẩn bị ứng phó trước các tình huống. Trên hết là vì tính mạng của những đồng bào.
Hàng triệu người dân vẫn đang theo dõi từng diễn tiến của cuộc giải cứu. Hoạn nạn khiến chúng ta gần nhau hơn, gắn kết hơn. Và nó nói lên một điều rằng, chúng ta không một ai đơn độc khi gặp nạn. Đất nước còn khó khăn, hoạn nạn sẽ còn xảy ra ở đâu đó, lúc này hay lúc khác. Tôi nghĩ đến những ngư dân đảo Lý Sơn. Người thân của những ngư phủ đất Việt trên chiếc tàu gặp nạn vẫn trông ngóng từng giờ mà không biết chồng cha con mình đang lênh đênh nơi đâu. Liệu con thuyền nhỏ của những ngư dân nghèo có đủ sức vượt qua mưa bão, những hiểm nguy rình rập để may mắn trở về cùng vợ con họ đang ngóng chờ? Ngư dân của chúng ta có đơn độc giữa biển cả, trong mỗi cơn hoạn nạn?
“Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, cuộc cứu hộ đầy nỗ lực thêm một lần nữa nói với chúng ta về giá trị vĩnh hằng của tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng, với cuộc sống và sinh mạng con người! Đó cũng là lời nhắc nhở cho tất cả, không riêng ai. Rằng dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, không một ai đơn độc khi hoạn nạn.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất