Lặn ngụp vét than trong mưa lũ: Sự liều lĩnh không phải là tài nguyên quốc gia!

31/07/2015 05:44 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Giữa dòng nước xoáy của cơn lũ lịch sử, những người dân đất mỏ vẫn lặn ngụp vét than. Trong khi đó, con số người chết và mất tích vẫn tăng.

Đến hôm qua (30/7), tàu hải quân cũng đã được điều động để đưa du khách mắc kẹt ở Cô Tô về với đất liền. Khi các lực lượng quân đội, chính quyền đều đang căng mình bảo vệ tính mạng con người thì hình ảnh một vài người dân liều mình mót than giữa dòng nước của người Quảng Ninh khiến lòng người quặn thắt.

Nỗi lo cơm áo ám ảnh người dân ngay cả trong cơn thiên tai nguy biến. “Tiếc của” là tâm trạng chung của những người dân đất mỏ đầm mình trong dòng nước lũ. Hình ảnh vừa thương, vừa giận, vừa chua xót.


Mưa lớn, bùn thải tràn vào 40 hộ dân ở Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Than là nguồn sống, là miếng cơm manh áo của không ít người dân Quảng Ninh. Nhưng, thật lố bịch khi một số quan điểm cho rằng những người dân không quản tính mạng mót những vỉa than trên là “dũng cảm bảo vệ tài nguyên quốc gia”.

Những người vớt than đã vứt bỏ sự cẩn trọng tối thiểu vì miếng sinh nhai còn những người cổ súy họ lại “đánh rơi” mất tình người và những khái niệm cơ bản về lợi ích Tổ quốc. Thực tế, tài nguyên quan trọng nhất với một đất nước, một cộng đồng người không phải là các mỏ vàng, bạc, dầu, than... mà là con người.

Con người mới là tiềm lực của mọi sự phát triển. Còn than chỉ là một lợi thế. Có quốc dân với ý thức tự cường thì một đất nước dù kiệt quệ tài nguyên vẫn có thể vươn vai phát triển. Nhưng ngược lại, một đất nước giàu tài nguyên mà quốc dân ý thức kém, coi liều mình làm ưu thế cạnh tranh thì chưa chắc.

2. Viết đến đây, tôi chợt nhớ lời bình bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng : Các em yêu quý ! Các em là những đứa trẻ hạnh phúc, vì các em là con Rồng, cháu Lạc, giang sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giàu có, tiền rừng bạc biển.

Cũng ở một lớp học như vậy, ở nước Nhật thì người ta dạy con em người ta rằng: Các bạn nhỏ yêu quý ! Các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi. Một đất nước từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn.

Giá như một lần, chúng ta dạy con em rằng: Các em ạ! Cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc, hão huyền. Vì các em ạ! Bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa”.

3. Tất nhiên, cuộc đời không thể “giá như” với những gì đã qua. Những sai lầm cố hữu về tư duy “ngộ độc ngợi ca, bội thực tự hào” (chữ dùng của Nguyễn Duy) là không thể thay đổi trong quá khứ. Nhưng hiện tại thì có.

Hình ảnh một số người dân ở Quảng Ninh liều mạng vớt than cùng những lời cổ súy là tiếng chuông cảnh tỉnh sâu sắc về tư duy giáo dục cũng như tâm lý dư luận.

Chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn với nhau rằng: con người là tài nguyên, sự mẫn cán là tài nguyên, trí tuệ là tài nguyên. Còn liều lĩnh tuyệt nhiên không phải là tài nguyên của một đất nước!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm