Toàn thắng ở kì tập huấn là một cú lừa với AC Milan

26/08/2024 06:21 GMT+7 | Bóng đá Italy

Sau một màn trình diễn tồi tàn là một màn trình diễn còn tồi tàn hơn nữa ở vòng 2 Serie A. Đâu rồi một Milan đầy tự tin và hứng khởi ở kỳ tập huấn đầu mùa?

Một tuần "rút kinh nghiệm và sửa chữa sai lầm" hóa ra không giúp ích gì được cho thầy trò HLV Paulo Fonseca. Trận thua 1-2 đáng xấu hổ trên sân đội mới lên hạng Parma tái hiện khoảng thời gian đen tối nhất của Milan triều đại Stefano Pioli: Một đội bóng hoàn toàn bế tắc ở hàng công và rách nát ở hàng thủ.

"Thử kêu, đốt xịt"

Chuỗi giao hữu đầu mùa của Milan thật hoành tráng. Thắng Man City, thắng Real Madrid, hòa Barcelona - toàn những đối thủ hàng đầu. Milan khi đó kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ, chơi thoáng đãng và tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn, đến mức khiến người hâm mộ mơ mộng rằng chỉ cần lắp vào hệ thống đó những ngôi sao tốt nhất thì Rossoneri không ngán đối thủ nào. Nhưng thực tế thì sao? Những ngôi sao tốt nhất đã ra sân, thậm chí ở trận gặp Parma đêm thứ Bảy thì những tân binh được kỳ vọng nhất cũng đã trình làng, khiến cho nỗi thất vọng và cảm giác hụt hẫng càng lớn. Calabria chơi rất tệ khiến Milan thua bàn đầu tiên, nhưng người thay anh, tân binh Emerson Royal, còn tệ hơn.

Cầu thủ người Brazil quên mất rằng anh là một hậu vệ và đây là đội bóng mới và giải đấu mới, nơi anh trước hết cần quan sát và làm quen thay vì cứ thích là chạy lên. Từ một pha dâng quá cao và lui về không kịp của Emerson, Milan thủng lưới bàn quyết định và thất bại. Nhưng bàn thua đó không chỉ có lỗi của riêng cựu cầu thủ Tottenham này. Hệ thống của Milan đã có vấn đề từ trận gặp Torino và không hề được cải thiện. Họ quá bị động và mất phương hướng mỗi khi đối thủ có bóng. Cả Torino và Parma đều chơi rất đơn giản với những đường chuyền xuyên tuyến hoặc phối hợp tam giác, nhưng cứ mỗi lần đối thủ lên bóng là một lần Milan chao đảo. Parma nhẽ ra phải ghi được 4 hay 5 bàn nếu họ sắc sảo hơn trước khung thành.

Trước trận đấu tại sân Tardini, HLV Fonseca có nhiệm vụ giải 2 bài toán: Ai sẽ thay Morata đá cắm và Fofana có vai trò gì ở giữa sân. Cả 2, ông đều chưa có lời giải. Noah Okafor, sự lựa chọn cho vị trí trung phong, rõ ràng không phải là một "số 9" có thể thay Morata, nhưng Luka Jovic chỉ được sử dụng vài phút. Tân binh Youssouf Fofana vào sân chỉ để chứng kiến Parma đưa bóng qua vị trí của anh dễ như "ăn kẹo" và từ 1 trong ít nhất 3 tình huống kiểu đó, bàn thua quyết định đã đến.

AC Milan: Kỳ tập huấn là một cú lừa - Ảnh 1.

Milan đang có những dấu hiệu rơi vào khủng hoảng ở ngay đầu mùa giải

Dấu hiệu của cuộc khủng hoảng sớm

Trách ai bây giờ? Cũng chẳng phải chỉ có Calabria, Emerson hay Fofana chơi kém, mà gần như cả đội. Người đáng khen duy nhất ở trận này là tân binh Strahinja Pavlovic, ngay ở trận đầu tiên đá chính. Trung vệ 23 tuổi "tả xung, hữu đột" bọc lót cho các đồng đội, hóa giải ít nhất 3 tình huống nguy hiểm cho khung thành Mike Maignan. Sự tự tin và sức mạnh thể chất của Pavlovic là tia sáng le lói của một Milan tương đối mịt mờ. Dẫu biết rằng luôn có những chệch choạc nhất định ở giai đoạn chuyển giao, rằng tất cả đều phải cần thời gian, nhưng người ta ước gì Milan đã không chơi giao hữu tốt đến thế. Có những vấn đề mà chỉ khi vào sân đấu chính thức mới bị lộ ra.

Điều nguy hiểm hơn cả những kém cỏi trên sân là tâm lý của các cầu thủ Milan cũng đang rối loạn. Tiền vệ Yunus Musah thừa nhận rằng: "Đã có lúc tôi không biết nên dâng lên pressing hay lui về giữ vị trí. Tôi quyết định dâng lên và để hở phía sau". Điều đó cho thấy kỷ luật chiến thuật là thứ không hiện hữu trong chỉ đạo của Fonseca. Milan của Stefano Pioli từng rơi vào trạng thái đó ở trận hòa như thua Napoli mùa trước, khi tiền đạo Olivier Giroud nói rằng cả đội không biết phải tiếp tục tấn công hay co về bảo vệ tỷ số 2-0, kết quả là bị gỡ hòa 2-2 và suýt thua ngược.

Chưa hết, Rafael Leao cũng đánh dấu một ngày thi đấu tồi tệ bằng cử chỉ ra dấu cho các CĐV là hãy "im miệng đi" sau pha kiến tạo cho Pulisic gỡ hòa 1-1. Sự thất thường của Leao khiến người hâm mộ ngán ngẩm, song tiền đạo người Bồ Đào Nha khẳng định anh sẽ không thay đổi lối chơi vì bất kỳ ai. Leao đôi khi bùng nổ, song anh thường làm mất rất nhiều thời gian vì những pha xử lý quen thuộc, khiến chẳng còn gây được bất ngờ.

Tất cả những điều trên phải được giải quyết dứt điểm, nếu Milan không muốn rơi vào khủng hoảng sớm ở giai đoạn cực kỳ quan trọng này. Họ phải thay đổi, mọi cá nhân phải nhìn lại mình. Nhưng thay đổi thế nào?

Hakan lập kỷ lục, Inter thắng dễ

Với bàn ấn định tỷ số 2-0 trước Lecce từ chấm phạt đền, tiền vệ Hakan Calhanoglu đã lập kỷ lục sút thành công 17 cú penalty liên tiếp ở Serie A, vượt qua thành tích cũ 16 bàn của Giampaolo Pazzini. Trong đó, 2 bàn là anh ghi cho Milan, 15 bàn ghi cho Inter, riêng mùa trước là 9 bàn.

Trước đối thủ đã thua Atalanta 0-4 ở vòng 1, Inter chẳng khó khăn gì giành 3 điểm dù không có tiền đạo đội trưởng Lautaro Martinez (chấn thương). Chân sút tân binh Mehdi Taremi đã chơi ấn tượng ở trận đầu đá chính, kiến tạo cho Matteo Darmian ghi bàn từ ngay phút thứ 5. Marcus Thuram mờ nhạt hơn, nhưng cũng đem về quả phạt đền giúp Calhanoglu lập kỷ lục.


Nguyễn Vinh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm