25/10/2015 18:12 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - “Tình trạng ùn tắc giao thông đang gây áp lực lên những người thi hành nhiệm vụ. Hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông đã huy động 100% quân số để điều tiết, hướng dẫn giao thông. Nhưng trước sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân, lực lượng cảnh sát giao thông đang phải gồng hết sức nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn quá kém. Để chống ùn tắc giao thông mỗi người cần phải cố lên một ít mới đáp ứng được yêu cầu”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội chia sẻ.
Từ ý thức người tham gia giao thông
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, năm nay, số phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội với trên 5,5 triệu phương tiện. Trung bình mỗi tháng, Phòng PC67 và Công an các quận, huyện đăng ký mới trên 19.000 phương tiện ô tô, mô tô.
Ngoài ra còn trên 21.234 phương tiện của các cơ quan Trung ương và xe của các đại sứ, lãnh sự các nước hoạt động trên địa bàn thành phố gây áp lực không nhỏ đến tình hình giao thông chung.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Nhiều tuyến đường lưu lượng phương tiện đã vượt quá khả năng thông hành, nhất là tại các đoạn đường rào chắn phần đường lưu thông chỉ còn 4 – 5m, lưu lượng phương tiện đã vượt quá 6 – 7 lần so với khả năng thông hành của đường.
Trong khi phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, xây dựng một cây cầu, tuyến đường có khi kéo dài hàng chục năm mới hoàn thành; dân số cơ học tiếp tục gia tăng gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông Thủ đô thì để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông vấn đề ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, ý thức người tham gia giao thông ở Hà Nội vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật cho người dân nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn không chấp hành. Thậm chí một số đã bị nhắc nhở nhưng vẫn vượt đèn đỏ, lấn làn đường khi không có mặt lực lượng cảnh sát giao thông.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Giao thông vận tải đã tăng cường lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức xử lý triệt để các vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông như dừng đỗ phương tiện tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, đi ngược chiều… tại các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là chiếm dụng vỉa hè kinh doanh buôn bán; dừng đỗ xe ô tô sai quy định; xe ô tô đi vào đường cấm, không đúng thời gian quy định.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, Thanh tra Giao thông Vận tải đã khảo sát các vị trí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông để làm việc với các cơ quan đóng tại khu vực đó không cho xe ra vào gây ùn tắc.
Việc này đã cơ bản kiểm soát được xe quá tải, xe đi vào đường cấm và đã xử lý triệt để tình trạng này tại các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian tới, cùng với việc tăng cường thêm lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông cần điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số vị trí, dẹp các vật cản như biển quảng cáo, vật cản che khuất tầm nhìn. Đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền kết hợp với cương quyết xử lý các vi phạm, hạn chế tình trạng ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông.
Chế tài xử lý còn nhẹ
Bày tỏ quan điểm về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, chị Nguyễn Kim Thoa ở quận Thanh Xuân cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông cố gắng nhưng cũng chỉ như "muối bỏ bể" khi ý thức của một số người tham gia giao thông tỷ lệ nghịch với lưu lượng xe ngày một tăng. Để giảm tối đa tình trạng vi phạm cần phải xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm giao thông. Như vậy mới đủ sức răn đe.
Anh Phạm Văn Lương ở quận Hoàng Mai cũng chia sẻ, anh thấy việc tổ chức giao thông tương đối hợp lý nhưng nhiều người vẫn vượt đèn đỏ, thường xuyên không bật đèn xi-nhan khi muốn rẽ hoặc nếu có thì phải bắt đầu rẽ họ mới bật đèn và phần lớn đều không có thói quen nhìn đèn khi giảm tốc độ hoặc khi rẽ.
Anh Lương cho rằng, cần phải xử lý thật nghiêm hơn nữa trong những trường hợp trên, vì đó cũng là một nguyên dẫn đến tai nạn.
Chị Phương Anh ở quận Hai Bà Trưng cho biết, chị cũng rất “dị ứng” với tình trạng "mạnh ai nấy đi", không nhường nhịn khi tham gia giao thông. Thậm chí ô tô còn dàn hàng ngang, chiếm hết phần đường của xe máy, buộc họ phải leo lên vỉa hè, càng gây nên cảnh hỗn loạn. “Nếu mọi người biết nhường nhịn nhau thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm đi rất nhiều”, chị Phương Anh nói.
Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đào Thanh Hải, một trong những giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn là tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên tuyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho người dân kết hợp với xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng tập trung loại bỏ tất cả các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông do con người gây ra. “Nhiều người đánh giá ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn kém, cứ không có lực lượng chức năng là vi phạm”, ông Hải nhấn mạnh.
Để thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, từ nay đến cuối năm, cùng với các giải pháp về tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông, điều chỉnh biện pháp tổ chức điều hành giao thông cho phù hợp, phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi thông tin phản ánh, góp ý của người dân làm cơ sở điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Bài 3: Không thể thiếu giải pháp tổng thể
Tuyết Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất