10/10/2015 06:35 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Mỗi năm, giải Nobel Hòa bình lại được trao theo yêu cầu ghi trong di chúc của nhà phát minh Alfred Nobel. Bạn đã nghe nói rất nhiều về giải thưởng này, nhưng có thể vẫn còn những điều về nó mà bạn chưa biết rõ.
1. Độ tuổi trung bình của người đoạt giải là 61
Nobel ghi trong di chúc của ông rằng giải thưởng sẽ được trao cho người xứng đáng, không cần biết người đó thuộc giới tính nào, chủng tộc nào hoặc độ tuổi nào. Mặc dù vậy, độ tuổi trung bình của một người đoạt giải Nobel vẫn là 61.
Người cao tuổi nhất từng đoạt giải này là Joseph Rotblat. Ông đã 87 tuổi khi nhận giải vào năm 1995. Người ít tuổi nhất là Malala Yousafzai. Cô nhận giải hồi năm 2014, ở tuổi 17.
Độ tuổi trung bình của người nhận giải khá cao bởi sẽ phải mất nhiều năm để đánh giá thành tựu của ai đó. Nhiều người phải chờ hàng chục năm trước khi mới được ủy ban trao giải Nobel Hòa bình ghi nhận công trạng.
2. Trùm phát xít Hitler từng được đề cử giải Hòa bình
Đã có nhiều đề cử kỳ quặc, khó hiểu từng xuất hiện trong giải Nobel Hòa bình. Gây sốc nhất là việc trùm phát xít Adolf Hitler được đề cử vào năm 1939.
Năm đó, Hitler được nghị sĩ Thụy Điển E.G.C. Brandt đề cử. Brandt làm vậy để chống lại việc Thủ tướng Anh Neville Chamberlain được nhiều nghị sĩ Thụy Điển đề cử. Bản thân Brandt không ưa Chamberlain và dĩ nhiên không chấp nhận sự đề cử này. Vì thế ông đã đề cử người "ngang cấp" với Chamberlain là Adolf Hitler.
Những người chỉ trích Brandt hiển nhiên đã không chấp nhận chuyện này. Đề cử dành cho Hitler cũng nhanh chóng bị rút bỏ sau đó. Được biết ngoài Hitler, danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình cũng từng có cả trùm phát xít Italy Benito Mussolini (1935).
3. Gandhi chưa bao giờ đoạt giải
Lâu nay người ta vẫn nghĩ rằng Mahatma Gandhi được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò mang tính biểu tượng, cũng như đường lối chống lại bạo lực rất đặc biệt của ông. Tuy nhiên dù đã được đề cử nhiều lần, ông lại chưa từng đoạt giải.
Tháng 1/1948, Gandhi bị ám sát. Sau khi cân nhắc hoàn cảnh liên quan tới Gandhi,Ủy ban Nobel Na Uy quyết định ghi nhận các nỗ lực vì hòa bình của ông theo một cách thức khác biệt. Năm đó, Ủy ban không trao giải cho bất kỳ ai, với lý do "chẳng có ứng viên phù hợp còn sống".
4. Hội Chữ thập Đỏ đoạt giải tới 3 lần
Chỉ một vài tổ chức từng nhiều lần giành giải Nobel Hòa bình. Riêng Hội chữ thập Đỏ có tới 3 lần giành giải, lần lượt vào các năm 1917, 1944 và 1963.
Hai giải đầu tiên được trao cho đóng góp phi thường của Hội chữ thập Đỏ trong các cuộc chiến tranh thế giới. Giải thứ ba, Hội chữ thập Đỏ nhận chung với Liên đoàn các hội chữ thập Đỏ.
Đây có thể xem là một thành tích khó sánh. Tổ chức thứ hai giành nhiều giải Nobel Hòa bình là Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), nhưng họ cũng chỉ có 2 giải.
Ngoài 3 giải kể trên, sáng lập viên Hội chữ thập Đỏ quốc tế là ông Henry Dunant cũng nhận chung giải Nobel Hòa bình với người khác vào năm 1901. Đây là giải Nobel Hòa bình đầu tiên được trao.
5. Nobel yêu hòa bình, nhưng lại chế ra thuốc nổ
Alfred Nobel được biết tới như người cổ súy mạnh mẽ cho hòa bình, chống lại chiến tranh. Nghiệt ngã thay, các sản phẩm sáng tạo nổi tiếng nhất của Nobel lại là thuốc nổ, những công trình nghiên cứu chấn động với chất nitroglycerine và các loại thuốc nổ khác.
Khi tạo ra thuốc nổ, Nobel chưa từng nghĩ rằng các phát minh của ông rồi sẽ được dùng để phục vụ chiến tranh. Tuy nhiên khả năng tàn phá của thuốc nổ nhanh chóng được biết tới và người ta đã đưa chúng vào sử dụng trong chiến tranh.
Có lẽ để cho lương tâm thanh thản, Nobel đã dùng gia sản của ông để tạo lập nhiều hạng mục giải Nobel và không thể thiếu trong đó là giải Hòa bình. Theo di chúc của Nobel, giải này sẽ chỉ được trao cho những con người có công lao gây dựng tình anh em giữa các quốc gia, giúp xóa bỏ hoặc giảm bớt quy mô quân đội thường trực và cổ súy cho các hội nghị hòa bình.
Nobel Hòa bình 2015 thuộc về "Bộ tứ" đối thoại hòa bìnhTunisia Ngày 9/10, Hội đồng Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình năm 2015 thuộc về "Bộ tứ” trung gian đối thoại hòa bình tại Tunisia. Nhóm trung gian hòa giải này, được thành lập năm 2013, gồm 4 tổ chức: Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Nhóm luật sư Tunisia. Các tổ chức này đóng vai trò là nhà trung gian và động lực thúc đẩy hòa bình và dân chủ ở Tunisia. Giải Nobel Hòa bình năm ngoái được trao cho hai nhân vật là Malala Yousafzai (người Pakistan) cùng Kailash Satyarthi (người Ấn Độ), đều là các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em. |
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất