04/12/2018 08:10 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/12 đề xuất khả năng tiến hành các cuộc thảo luận trong tương lai với lãnh đạo hai nước Nga và Trung Quốc về những nỗ lực chấm dứt cái mà ông gọi là "một cuộc chạy đua vũ trang không có kiểm soát".
Trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina, Tổng thống Trump cho biết ông "chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai", ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu thảo luận về việc chấm dứt cái ông gọi là "một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không thể kiểm soát". Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng chỉ rõ Mỹ đã chi 716 tỷ USD trong 2018 cho quân sự và cho rằng đây là điều "điên rồ".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp cuối tuần qua bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó hai bên nhất trí hòa hoãn cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi đó, mặc dù Tổng thống Trump đã hủy cuộc gặp song phương chính thức với Tổng thống Putin tại Argentina, hai nhà lãnh đạo này cũng có một cuộc đối thoại "không chính thức" tại đây.
Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, đồng thời đổ lỗi cho Moskva vi phạm thỏa thuận này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi chính Mỹ luôn vi phạm.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).
Cựu lãnh đạo Liên Xô cũ M.Gorbachev, người tham gia ký INF, đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân. Nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan đến INF thay vì từ bỏ thỏa thuận này. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
TTXVN/Minh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất