'Hoàng Nam chưa sẵn sàng cho Challenger Tour'

20/10/2015 05:51 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) - Đó là nhận xét của ông Lê Việt Cường, TTK Liên đoàn quần vợt Bình Dương, sau khi chứng kiến “gà cưng” Lý Hoàng Nam nhận những thất bại chóng vánh tại Vietnam Open 2015.

Sự kiên nhẫn và tỉnh táo là điều mà cả đơn vị chủ quản Becamex lẫn Hoàng Nam phải có ở thời điểm này.

Đừng ép Nam “nhảy vọt” thiếu tính toán

Dù đã “trang bị” cho mình không ít kinh nghiệm thi đấu tại các giải quốc tế nhưng Hoàng Nam vẫn bị ngợp khi đứng trên mặt sân đẳng cấp của Vietnam Open 2015. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Challenger Tour là giải đấu ở trình độ cao hơn, nó khác hẳn với Men’s Future, Granld Slam trẻ hay các giải trẻ khác mà Hoàng Nam từng tham dự.

Có thể nói, để có thể đứng vững tại các giải Challenger Tour, Hoàng Nam phải cần rất nhiều thời gian và phải làm rất nhiều việc để hoàn thiện bản thân, từ cách tiếp cận trận đấu, khả năng giao bóng, cách di chuyển, thể lực đến tâm lý…

Hoàng Nam phải cảm ơn James Duckworth. Chính nhờ trận đấu với tay vợt người Australia mà Nam cần biết mình còn rất nhiều nhược điểm để khắc phục. Ông Cường cho biết: “Trận đấu với hạt giống số 2 vừa rồi thực sự là một liều thuốc thử cực mạnh với Hoàng Nam. Trước một tay vợt mạnh, Nam đã cho thấy những nhược điểm cần khắc phục như tâm lý thi đấu, cách di chuyển, đặc biệt là thể lực”.

Ông Cường cũng cho rằng Challenger Tour là một giải đấu quá tầm với Hoàng Nam, đây là thời điểm mà trình độ của một tay vợt trẻ như Nam chưa thể đứng trên một “sân khấu” lớn như vậy.

“Challenger Tour là một trong những giải đấu cấp thấp của ATP nhưng đối với các tay vợt Việt Nam thì đó là biển lớn. Hoàng Nam đang bước ra từng các giải trẻ của ITF và đây đó là Men’s Future nhưng để thi đấu tại Challenger Tour là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là giai đoạn phát triển rất quan trọng với một tay vợt trẻ như Hoàng Nam, chúng ta không thể ép em ấy nhảy vọt một cách thiếu tính toán”, ông Cường nhận định.

Bước chậm mà chắc

Có một tính toán khá thú vị của các nhà chuyên môn về sự khác nhau giữa các tay vợt châu Á và châu Âu. Đa phần họ cho rằng, một tay vợt châu Á luôn đi sau một tay vợt châu Âu từ đến 3 đến 4 năm về sự trưởng thành (hoàn thiện về lối chơi, thể lực, tâm lý và sự chuyên nghiệp).

Tức là một tay vợt châu Á phải cần đến năm 23, 24 tuổi mới có thể đạt được trình độ với một tay vợt 17, 18  tuổi của châu Âu (cũng phụ thuộc vào thể trạng và sự thích ứng của tay vợt đó). Theo cách tính này thì trình độ của Hoàng Nam (18 tuổi) bây giờ chỉ bằng một tay vợt 14, 15 tuổi của châu Âu, và nếu như để thực sự đứng vững ở các giải đấu chuyên nghiệp, Hoàng Nam phải cần 3 đến 4 năm nữa.

Nói vậy để thấy, con đường đi đến quần vợt chuyên nghiệp thực sự gian nan, cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực của các tay vợt. Với Hoàng Nam cũng vậy, con đường phải trước của tay vợt này rất dài và đầy thử thử thách, đòi hỏi Nam phải có những bước đi hợp lý. Bên cạnh đó, Nam cũng rất cần được vạch ra những chiến lược phát triển thật sự phù hợp với tay vợt tuổi chỉ mới vừa bước qua lứa tuổi trẻ như mình.

Nói về chiến lược phát triển thì Hoàng Nam không cần phải đi đâu xa, tấm gương trước mắt chính là đàn anh và trong tương lai sẽ là đồng đội tại đội tuyển Việt Nam, Daniel Nguyễn, tay vợt Việt kiều đang nằm trong Top 300 ATP đã có nhiều năm thi đấu tại các giải quốc tế.

Daniel Nguyễn cũng bắt đầu sự nghiệp từ những giải trẻ trong nước (Mỹ), sau đó là các giải trẻ và các giải Granld Slam trẻ của ITF, tiếp đến anh đã cần rất nhiều thời gian để thi đấu các giải Men’s Future. Và khi đã cầm trong tay mình đến 5 danh hiệu đơn và 6 danh hiệu đôi Men’s Future, Daniel Nguyễn mới chuyển sang thi đấu tại Challenger Tour. Nhưng mãi đến năm 2015 (24 tuổi), anh mới giành được 1 danh hiệu á quân đơn và 1 danh hiệu á quân đôi Challenger Tour.

Hành trình của Daniel Nguyễn diễn ra rất khoa học và có sự tính toán hợp lý trong việc lựa chọn các giải đấu sao cho phù hợp với sự phát triển trong từng giai đoạn. Đây thực sự là kinh nghiệm cần thiết trong sự phát triển sau này của Hoàng Nam.

Hoàng Nam nói cũng đã có những bước đi hợp lý trong thời gian qua. Sau thời gian thi đấu trong nước, anh chuyển sang các giải trẻ của ITF, bắt đầu từ nhóm G4,  đến G3, G2, G1, GB1, Grand Slam trẻ cho đến Men’s Future. Nhưng đây có lẽ đang là khoảng thời quan trọng nhất trong sự nghiệp Hoàng Nam, thời điểm Nam bước sang tuổi 18 cũng là lúc chuyển tiếp giai đoạn từ các giải trẻ lên chuyên nghiệp nên mọi bước đi đều hết sức cẩn thận và cần được tính toán kỹ lưỡng.

Về điều này, ông Lê Việt Cường cho biết: “Đơn vị chủ quản Becamex đã vạch ra những hướng đi phù hợp cho Hoàng Nam. Nam cần tập trung thi đấu tại các giải Men’s Future để tích lũy điểm số tấn công Top 800 ATP trong năm sau. Trong cuối năm nay và năm sau, Nam cần phải đánh ít nhất 30 giải Men’s Future, xong 30 giải đó mới nghĩ đến Challenger Tour”.

Theo ông Lê Việt Cường, việc thi đấu tại Challenger Tour là điều không cần thiết cho Hoàng Nam vào lúc này. Cũng vì thế tay vợt gốc Tây Ninh sẽ không tham dự giải ATP Challenger Tour tại Ấn Độ, giải đấu mà Hoàng Nam được quyền đặc cách, diễn ra sau khi kết thúc Vietnam Open 2015.

Cũng theo ông Cường, điều quan trọng bây giờ là Hoàng Nam cần chú trọng luyện tập thể lực và cơ bắp nhiều hơn. “Trận đấu đơn tại Vietnam Open vừa rồi chúng ta thấy rõ nhược điểm về thể lực của Hoàng Nam ngay trong đầu set 2. Chính vì thế để thi đấu trong môi trường quần vợt chuyên nghiệp, Nam cần nâng cao thể lực hơn nữa. Bên cạnh đó, việc tập cơ bắp cũng không kém phần quan trọng, nó giúp Nam nâng cao sức chịu đựng trong những trận đấu căng thẳng, đồng thời giúp những cú đánh có lực hơn”, ông Cường phân tích.


Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm