Tốt Động - Vùng đất cổ (kỳ 2 & hết): 'Neo' quá khứ lại

21/06/2021 19:02 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Về nhiều miền quê bây giờ, lắm khi ta bắt gặp tâm lý “hiện đại lấy được”. Thanh niên khư khư điện thoại. Biển hiệu kiểu “Cháo lòng tiết canh, since 20…”, “A đây rồi thịt cầy 7 món, hotline 09…”.

Tốt Động - Vùng đất cổ (kỳ 1): Sông Bùi chảy chậm

Tốt Động - Vùng đất cổ (kỳ 1): Sông Bùi chảy chậm

Mỗi cánh đồng ở Tốt Động đều gắn với trận chiến chống giặc Minh, tường bao Quán Bến trở thành một “bảo tàng”. Hơn chục tấm đá trắng khắc quốc ngữ, chôn chìm để khỏi bị nắng mưa làm hư hại, giới thiệu những nơi có liên quan…

May mắn là ở Tốt Động, tôi được gặp những con người níu giữ hồn vía làng, chả lợi lộc gì, chỉ do đam mê hoặc “ôm” một khúc mắc.

Ông Nguyễn Văn Đoàn tìm hiểu địa bạ có phương pháp, nắm rất chắc sự đổi dời, nhập tách, thay tên từng vùng đất, những giai đoạn Tụy Động, Cầu Đơ, Mỹ Lương, Chương Đức, Ứng Thiên… Cụ nội ông sinh 1868, sinh ông nội năm 1900 trên thuyền, cả vạn chài Công giáo ngược từ biển vào.

Dọc sông Bùi, sông Đáy mấy chục cây, những con người “sống vô gia cư chết vô địa táng” chỉ lên bờ để bán cá, khi về Nước Chúa phải đặt “chui” vào luống khoai nhà người. Rồi có người buôn muối tậu được đất ven sông, sau thêm hàng xóm nữa cùng bảo vệ nhau. Cụm đầu tiên, gọi “xóm Ba nhà” hình thành với ngôi nhà nguyện. “Mày là giống bạ cư!”, cậu bé Đoàn nghe dân gốc mắng vậy, nằm lòng, lớn lên biết phận trôi dạt. Tâm lý bị phân biệt ấy ai ngờ là một ngọn nguồn bồi đắp tri thức lịch sử.

Chú thích ảnh
Trăm năm trước, sông Bùi là đường vận tải nhộn nhịp 

Về sự giao lưu, ảnh hưởng từ người Mường, ông có quan sát rất sâu xa: Làng Thuần Lương xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ) toàn Kinh, nhưng không xưa lắm, chuồng trâu đầu ngõ dựng 4 cột bương xỏ dõi (thanh ngang).

Đến những đình đền cầu quán ở Tốt Động, tôi hay được nghe các bậc cao niên nhắc đến cụ Hà Huy Tiến. Sinh năm 1931, cậu bé Tiến học chữ Nho với ông nội - có nghề bốc thuốc, những cuốn khai tâm là Tam tự kinh, Minh tâm bảo giám. Học xong văn sử địa trường Sư phạm Thường Tín, cụ đi dạy học nhiều nơi.

Thời chống mê tín dị đoan, cụ gom nhặt quy củ đang mất mát, sau về giúp làng phục chế cờ tứ linh, lập gia phả, soạn câu đối, hoành phi, văn tế, cho chữ trên thượng lương, câu đầu. Tự tay cụ thiết kế nhà bia, đắp, tô những cuốn thư, bức chạm, truyền lại cái khéo cho người nhà. Bức phù điêu khổ lớn ở quán Bến là của anh họa sĩ con trai cụ. Ở tuổi 90, tai không còn tinh, cụ vẫn được nhiều họ tộc, làng xã lân cận nhờ “việc cũ” khi họ đã “vô sư vô sách”.

Chú thích ảnh
Đền Quán Bến thờ tướng Đỗ Bí đánh trận Tốt Động - Chúc Động

Cụ Tiến kể một chuyện cho thấy lòng nhân của người Việt với kẻ xâm lăng thua trận. Đồng Mồ mênh mông là nơi để hài cốt lính tử trận trong trận Tốt Động - Chúc Động, chủ yếu là quân Minh. Tại đây có tấm bia “Nghĩa chủng” (làm việc nghĩa cho mồ mả) làm thời Tự Đức khắc lời “mời” vong, cứ 24 tháng Chạp làm lễ thì đọc nôm na. Rằng: “Hỡi ơi các hồn/ Các ngươi sinh năm nào ta không biết/ Chết lúc nào ta không hay/ Hoàng hôn thấy cỏ xanh mọc, mồ mả nhiều quá không biết thế nào. Nhà vua có tâm, sức cho (địa phương này) cất xương khô dưới nước, trên cạn cho vào ngõa quan (nồi đất)/ sắc làm mộ chung, dưới có huyệt riêng. Các ngươi nhớ đến ngày này/ vợ con ở xa không biết đâu mà tìm. Ta chỉ có một be rượu/ ta có móng lợn thui/ mày ngửi đi để ta hưởng lộc. Thôi đừng e lệ gì sất, ăn đi”.

Rồi Đồng Mồ bị ngập, làng làm nhà bia 3 gian 1 đốc bên Đồng Gạo, xây “bao lơn” đủ thấp cho người ngồi nghỉ, đủ cao cho trâu bò không vào được. Bia Nghĩa chủng gắn vào tường trông sang chỗ cũ.

Không biết căn nguyên gì, có phải vì nhịp sống hối hả quá, chả mấy người biết tiếc dòng sự kiện vừa trải qua mà tự mình, cụ Tiến thấy phải nhặt, ghi lại chúng, “chua” những chi tiết thú vị.

Một trong những mốc sớm nhất là ngày 23/8/1945, tế cờ đỏ sao vàng chuẩn bị khởi nghĩa ở đình Tốt Động, có các ông Chính, Hiền, Thi, Tuân, Nhâm… Thời làng tề ai là lý trưởng, phó lý, các cuộc càn, dân tản cư. Năm 1956, đội cải cách ruộng đất về, sau đó trạm xá, bưu điện, bờ kè đá sông Bùi, hội trường, trạm bơm, nhà trẻ mọc lên... Tốt Động có lò ngói, làm cá thể nên phát triển cho đến bây giờ, nhưng kinh tế tập thể thất bại ở lò gốm, trại lợn. Cầu Rét sông Bùi bắc lần đầu vào 18/12/1966 chỗ bến tắm xóm Trung sang xóm Đừn, móng đá, mặt trải trên sắt đường ray.

Chú thích ảnh
Phù điêu lớn mô tả chiến thắng Tốt Động - Chúc Động gần 600 năm trước

Lần 2 năm 1978, đổ dầm bê tông “khánh thành ăn uống thịt bò”. Về chợ Rét: “Có 2 nhà cầu ngói làm năm Bảo Đại thứ ba 1928”, rồi “họp giữa cửa trạm xá… sau này sạt lở xuống sông… mang sang trệ (dệ) đầm bên kia cống, khu chợ này bán cho con ông Kíp”. Điếm xóm Trung thì “kinh qua” rất nhiều chức năng: Trước 1945 là “nơi hội họp của xóm, tuần phiên ngủ canh”, từ tháng 8 năm ấy học bình dân, năm 1959 làm sân kho, năm 1974 nhà trẻ, đến 1982 lại thành nhà kho, nhưng gian giữa làm bàn thờ Bà Chúa. Nơi thờ Bà Chúa Kho này lại có sân phơi, vừa có kho thóc, nay có hội trường xóm, lớp học… Năm 2000 đất sau điếm chia thành nhiều miếng đem bán, không có người mua vì “sợ đất công lâu đời, bên cạnh lại có vợ chồng anh Dư thắt cổ chết”.

***

Nhiều làng Việt xưa có sử riêng của mình bằng chữ Nho. Do người có chữ hoặc chức dịch soạn, sự ngăn nắp, có phương pháp của chúng đến đâu rất khác nhau. Người Pháp đã mang một số lượng rất lớn những “cuốn vở” ấy về Thư viện Quốc gia của họ (BNF), tức là cả một nguồn nguyên khí dân tộc. Rất may, cụ Hà Huy Tiến gặp được tập Tạp ký bản xã chư sự (tạm hiểu “Những chuyện tạp nham trong xã (Tốt Động)” từ tay cụ bá hộ xóm Và. Khi dịch sang Quốc ngữ, cụ Tiến khiêm nhường ghi “Các cụ cao nhiên biết chữ Hán ít quá, tôi còn nhiều chỗ chưa biết”.

Tạp ký được ông lý cựu Nguyễn Công Di ghi đầu tiên năm Giáp Tuất 1933 (nguyên văn), phần sau không biết có ai chép thêm. Mào đầu: “Mọi việc có ghi lại mới thấy việc muôn đời trước… nếu không thì chỉ nghe không tra cứu được”. Đặc sắc nhất là những sự kiện về đình Tốt Động: “Tôi còn ngu… nghe kể lại các cụ lấy dân quân lục lậu vào rừng… lấy gỗ dòng dây kéo về. Dân thất ý với thợ mộc bị làm phản, sau động không yên… phải giải hạ, bán cho xã Quảng Bị để làm đình mới”. “Năm Tự Đức thứ 20 (1867) xã khánh thành mở hội 20 ngày, chia cho các thôn làm cỗ mời các nghĩa xã dự… Nguyên đại bái đã làm 3 gian 2 chái, 4 bề hiên gỗ, 2 bên trong đại bái đóng sàn gỗ”. Năm 1930 đình dột nát phải tu sửa, dân bàn “bán công điền dự thu 680 đồng, đầm cá 510 đồng, 4 vị (trí) kỳ mục 640 đồng… giao ông xuất đội Nguyễn Viết Đạt giữ tiền”.

Đoạn trên cho thấy trăm năm trước làng Việt tạo kinh phí dựng chỗ thờ cúng thế nào, trong đó có khoản đặc biệt là bán kỳ mục. Không biết “chân” này giống ủy viên hội đồng nhân dân xã ngày nay đến đâu, nhưng dường như ngồi được thì không phải đi lính, hộ đê, được “thăng mâm” khi dự cỗ đình.

“Dân yết thị cho thợ mộc, thợ ngõa và buôn gỗ biết… Hai người thợ Sơn Tây mách nơi bán 30 cây gỗ thức… thợ mộc bán 28 viên đá xanh làm cột hiên, đá tảng… Thưởng 2 đồng bạc cho 2 ông thợ tính toán tốt”. Những dòng trên cho thấy việc đấu thầu được thực hiện rất sớm, công khai, sinh hoạt làng xã xưa có mức độ dân chủ nhất định, dân không phải bị hoàn toàn che mắt. Những ngày cất nóc, khởi công từng hạng mục, cho thuê ruộng lấy lãi gây quỹ… ghi tỉ mỉ, thật sinh động.

“Phép vua thua lệ làng”, một phần vì làng sở hữu nhiều loại đất cho từng “đoàn thể”. Năm 1851, riêng hội Tư văn có ruộng tế, ruộng học (như quỹ khuyến học?), ruộng khao cỗ ngày rằm ngày một. Cả 8 giáp đều có ruộng hậu, Xuân Thu nhị kỳ cúng nhưng “chỉ có xôi tối mà thôi”. Lại đặt lệ “mua nhiêu binh 120 quan, nhiêu phu 53 quan (không phải đi lính đi phu nữa), đơn đinh 15 quan (mua đinh), không mua là bạch đinh”. Tiền bán trên mua được 50 mẫu tư điền, đem cấp cho 25 người đi lính, một khoản chi như ngày nay gọi là “công tác xã hội”.

Bức tranh ruộng đất di dịch, chỗ khai hoang đến lúc trù mật bị tranh chấp là một khía cạnh khác của Tạp ký…. Đó là gò Đống Xỏe người Tốt Động lên ở trước, năm 1800 bên Đồng Lệ đòi, kéo nhau lên mãi quan trên. Lại có vụ lớn liên quan đến Binh bộ thượng thư Đặng Trần Thường, người sau này bị vua Nguyễn trừng phạt, cho thấy dân vùng này - trong đó có Tốt Động - rất “cứng đầu”.

Tạp ký bản xã chư sự, đứng ở góc độ “sử làng” thật phong phú, đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống thôn hương cách nay gần trăm năm. Chẳng những có mặt các sự kiện lớn, nó còn vô vàn chi tiết cụ thể liên quan đến số phận bao con người bé mọn - bạch đinh, cùng đinh. Nước có sử nước, làng có sử làng, đây đáng là tư liệu quý cho người làm sử địa phương, nhà xã hội học, nhà văn. Không rõ dân gian còn truyền lại được bao nhiêu, các viện nghiên cứu, trường đại học lưu trữ loại vốn cổ đáng trân trọng này được chừng nào…

Trần Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm