Tour de France nói lên nghịch lý của thể thao Pháp

09/08/2016 12:26 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Mùa Hè rực lửa của thể thao Pháp kết thúc với EURO, Roland Garros và Tour de France theo cùng kịch bản: Chủ nhà chứng kiến các vị khách đăng quang mà mới nhất là Chris Foome (Anh) vừa trở thành nhà vô địch cuộc đua xe đạp vòng quanh Pháp.

Đấy thật ra là sự lặp lại của một thực tế đáng buồn hơn là một sự chấn động trong thể thao Pháp. Hơn 3 thập kỷ đã trôi qua kể từ lần cuối cùng nước Pháp có một đại diện vô địch Tour de France (Bernard Hinault năm 1985).

Một cuộc khảo sát hồi năm ngoái cho thấy có 11,8 triệu người Pháp thường xuyên đạp xe. Thêm 4,4 triệu người thường xuyên chơi xe đạp leo núi, coi như có đến 1/4 dân số Pháp ngồi trên yên xe hàng ngày. Đạp xe là hoạt động phổ biến thứ 3 trong đời sống thường nhật của người dân Pháp - chỉ đứng sau hai hoạt động khác là đi bộ và bơi lội. Vậy mà nước Pháp lại không có nhà vô địch xe đạp nào ngay tại giải đấu thường niên trên sân nhà, trong suốt 31 năm nay.


Nước Pháp không có nhà vô địch xe đạp nào ngay tại giải đấu thường niên trên sân nhà, trong suốt 31 năm nay.

Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu không có cái thực tế kỳ lạ vừa nêu: dân Pháp rất thích đạp xe! Trong số 198 tay đua tham dự Tour de France 2016, lực lượng của nước chủ nhà vẫn chiếm đa số: 38 cua-rơ, bỏ xa các lực lượng kế tiếp như TBN (18), Hà Lan (15), Bỉ (14), Italia (13), Đức (12)... Phải chăng, làng xe đạp Pháp vẫn luôn hùng mạnh xét về số lượng, nhưng lại yếu về chất lượng trong hàng ngũ đỉnh cao?

Hãy nhìn sang một môn thể thao quan trọng khác: quần vợt. Pháp hiện có 8 đại diện trong "top 50" của bảng xếp hạng ATP. Ở một chừng mức nào đó, người ta vẫn luôn khen ngợi Jo-Wilfried Tsonga, Gael Monfils hoặc Richard Gasquet. Nhưng đại diện Pháp từng đăng quang ở trận địa Grand Slam lại không phải là những cái tên ấy. Yannick Noah (Roland Garros 1983) là tay vợt nam duy nhất của quần vợt Pháp từng được tận hưởng vinh quang ở một trong bốn giải lớn trong kỷ nguyên mở (từ năm 1968 - tức đã gần nửa thế kỷ, với gần 200 danh hiệu vô địch được phân phát).

Olympic đứng sau Nhật, Hàn Quốc

Chuyện nước Pháp dài cổ chờ đợi một sự kế tục Yannick Noah từng được so sánh với chuyện nước Anh mong mỏi có nhà vô địch Wimbledon. Dù sao đi nữa, quần vợt Anh cũng đã có được Andy Murray, vô địch Wimbledon 2 lần trong 4 năm gần đây. Murray chính là đại diện Anh duy nhất trong "top 50" của quần vợt nam thế giới - hãy so sánh với 8 đại diện của Pháp.

Đấy có thể là vấn đề chất lượng, vấn đề hiệu quả của thể thao đỉnh cao. Trong môn điền kinh, Teddy Tamgho là VĐV Pháp duy nhất từng có HCV ở giải Vô địch thế giới trong khoảng chục năm gần đây - với 5 lần giải và tổng cộng 235 chiếc HCV được phát ra (Tamgho vô địch nội dung nhảy 3 bước nam tại giải Vô địch điền kinh thế giới 2013). Tổng quát hơn, đoàn thể thao Pháp chỉ mới lọt vào "top 5" ở đấu trường Olympic mùa hè đúng một lần duy nhất, tính từ thập niên 1950 đến nay. Ở 3 kỳ Olympic mùa hè gần đây nhất, Pháp đứng thứ 7, 10 và 7 trong bảng tổng sắp huy chương. Việc Pháp thường xuyên đứng dưới Hàn Quốc hoặc Nhật Bản ở đấu trường Olympic mùa hè là điều mà không phải người Pháp hâm mộ thể thao nào cũng biết. Tại kỳ Olympic Los Angeles 1984, dù gần như nguyên khối Đông Âu tẩy chay đại hội, Pháp vẫn không vào nổi "top 10".


Trong số 198 tay đua tham dự Tour de France 2016, lực lượng của nước chủ nhà vẫn chiếm đa số

Dân số Pháp chỉ xếp sau 3 nước châu Âu khác là Nga (đương nhiên), Đức và TNK. Người Pháp nghĩ ra hầu hết các sự kiện thể thao lớn như World Cup, Olympic, đấu trường 3 cúp châu Âu. Đặc điểm ham thích thể thao của dân Pháp cũng là một sự rõ ràng. Hầu như môn nào họ cũng chơi, cũng từng có những ngôi sao hàng đầu thế giới. Nhưng đẳng cấp cao thật sự thì vừa quá thưa thớt. Rất khó bàn về một sự thống trị của thể thao Pháp, ở bất cứ trận địa nào. Bóng đá chẳng hạn. Cựu tuyển thủ Pháp Gabriel Hanot, sau này thành biên tập viên của tờ báo L'Équipe, chính là người nghĩ ra giải đấu danh giá nhất thế giới tầm CLB - cúp C1/Champions League. Nhưng nếu không tính Marseille vốn bị vấy bẩn bởi scandal mua bán độ VA-OM hồi năm 1993, thì chưa có CLB nào của Pháp đăng quang ở giải đấu này. Bóng đá Pháp vẫn luôn được tính đến trong hàng ngũ các cường quốc bóng đá thế giới, vẫn có danh hiệu. Nhưng khó xem đấy là nền bóng đá thật sự nổi trội. Vô địch World Cup? Pháp không hơn Uruguay vốn chỉ có 3 triệu dân. Vô địch Euro? Đan Mạch hoặc Hy Lạp cũng có, nói chung là đã có đến 10 nước từng vô địch giải này.

Nói về những đỉnh cao vinh quang của thể thao Pháp thì, xin nhắc lại, vấn đề chẳng phải là có hay không, mà là chất lượng thật sự, hoặc một sự ổn định lâu dài. Pháp từng có Alain Prost vang danh thế giới trong môn F1. Nhưng từ sau chức vô địch thế giới 1993 của Prost? lại cũng là một khoảng trống mênh mang, giống như khoảng trống mà Bernard Hinault để lại trong môn xe đạp, hoặc Yannick Noah để lại trong môn quần vợt!

Vấn đề của mô hình

Thiếu hiệu quả, đấy là một vấn đề chung, và là vấn đề lớn của cả nước Pháp, mà không ít người đã từng chỉ ra. Ở đây, chúng ta không tiện đi sâu về đề tài quá to lớn này (vả lại, tất yếu sẽ có tranh cãi cho một kết luận như thế). Hãy gói gọn câu chuyện trong lĩnh vực thể thao thuần túy. Pháp khác hẳn nhiều nước phương Tây trong việc phát triển thể thao, nhất là trong mối tương quan với các vấn đề lớn khác của xã hội. Ví dụ như Pháp không phát triển thể thao học đường.

Nói đến Mỹ - cường quốc số 1 trên trận địa Olympic, là phải nói đến thể thao học đường, với cơ man đội mạnh hoặc ngôi sao đầy tiềm năng. Phân tích những chỗ ưu việt của thể thao học đường, có khi phải viết hẳn một cuốn sách, hoặc làm hẳn một đề tài nghiên cứu khoa học. Ở đây chỉ xin tóm lại: đấy là một mô hình hay mà rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Các trường công lập trong hệ thống giáo dục Pháp thì ngược lại: không ghi nhận thành tích thể thao của các học sinh có năng khiếu đặc biệt, không tổ chức các giải thể thao, thậm chí hầu như không có những trận giao hữu thể thao giữa các đội tuyển cấp trường.

Tất nhiên, VĐV trẻ thật sự đam mê hoặc có tài năng đặc biệt ở Pháp có thể vươn lên từ các CLB hoặc cơ sở thể thao ngoài học đường. Nhưng nhìn chung, họ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Phải chia thời gian và tốn nhiều kinh phí để vừa học vừa chơi thể thao ở những nơi khác nhau chẳng hạn.

Chính sách kinh tế, xã hội của Pháp cũng là rào cản làm cho thể thao đỉnh cao của Pháp không thật sự phát triển một cách thuận lợi - điều này ít ra là đúng trong những thời điểm cụ thể. Chẳng hạn, khi TBN có "luật Beckham" dưới thời thủ tướng Jose Luis Zapatero (giảm thuế thu nhập cá nhân đến mức thấp nhất có thể hòng thu hút lao động giỏi đến từ nước ngoài), thì ở nước Pháp, đấy lại là lúc chính sách thuế khóa đạt đến đỉnh điểm. Một CLB Pháp phải chi ra số tiền cao hơn rất nhiều so với một CLB TBN, nếu muốn thuê một ngôi sao ở đẳng cấp như nhau, có giá chuyển nhượng và mức lương như nhau. Giải Ligue 1 của Pháp mà phất lên ngang hàng với 4 giải đấu lớn còn lại ở châu Âu thì đấy mới là chuyện lạ.

Từng môn, từng chuyện, có vẻ rời rạc, mênh mang. Nhưng khi người ta kết nối tất cả, sẽ thấy ngay vấn đề lớn: nước Pháp vẫn cứ loay hoay trong việc khẳng định tư thế của một cường quốc thể thao.

Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm