14/06/2018 15:42 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Trong văn bản mới đây gửi Bộ Giao thông Vận tải về tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ dự án tuyến đường sắt đô thị (gọi tắt là metro) trên địa bàn của các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ còn khá chậm.
Không những thế, thời gian chuẩn bị các dự án mất từ 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư. Trong khi đó, quy định trong nước về quản lý và sử dụng vốn ODA có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ quốc tế nên mất nhiều thời gian xin ý kiến đồng thuận, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho thành phố trong việc quyết định phê duyệt các dự án metro.
Mặt khác, các dự án metro thường có vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp và đang được tài trợ từ các quốc gia có công nghệ khác nhau nên khó đảm bảo việc kết nối giữa các tuyến. Do vậy, UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu và ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung, làm cơ sở triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến metro.
Theo quy hoạch, Tp. Hồ Chí Minh có 8 tuyến metro và vành khuyên, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray với tổng chiều dài 220km, tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Về tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện nay tổng thể khối lượng thi công đạt 53%.
Về công tác giải ngân, đến nay đã giải ngân được 15.069 tỷ đồng (đạt 31,8%). Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 87% (từ 17.388 tỷ đồng được phê duyệt ban đầu lên 47.325 tỷ đồng sau điều chỉnh). Hiện dự án này đã được trình Quốc hội đề nghị xem xét, có ý kiến thống nhất về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Tuyến metro số 1 được thực hiện từ tháng 2/2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2019. Tuy nhiên do chậm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, lập lại thiết kế kỹ thuật cho ga ngầm Bến Thành nên lùi thời gian hoàn thành vào năm 2020.
Một trong những khó khăn lớn hiện nay là cơ chế tài chính dự án còn vướng do giá trị vay lại chưa được xác định vì ý kiến Bộ Tài chính còn có sự khác biệt so với hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Hơn nữa, giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương chưa xác định được tỷ lệ phân bổ do Quốc hội chưa có ý kiến về tổng mức đầu tư điều chỉnh. Vì thế, thành phố đã tạm ứng ngân sách 1.000 tỷ đồng để thanh toán khối lượng đã thực hiện cho các nhà thầu.
TTXVN/Trần Xuân Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất