Không nghiêm khắc là tiếp tay cho hành động phản cảm

23/08/2011 16:03 GMT+7

Luyện thanh mười mấy năm ở nhạc viện hay đạt giải các cuộc thi tài năng chắc chắn không làm cho người ta nổi tiếng bằng việc cố ý ăn mặc hớ hênh trên sân khấu, để lộ hình nóng nơi này chốn kia, rồi sau đó to mồm thanh minh biện hộ mà nhiều "sao" đang áp dụng như hiện nay.



Hai bức ảnh trong bộ ảnh bán nude với những tư thế "gây sốc" của người mẫu Nguyễn Thanh Hằng và Sơn Tùng - Ảnh: từ Internet.

Những trang phục dị hợm lẫn những hình ảnh hở hang ấy không nói lên điều gì khác ngoài sự bế tắc trong sáng tạo và tham vọng thể hiện bản thân bằng mọi giá.

Trong lúc showbiz Việt đang “sôi động” với các vụ tai tiếng liên quan đến vấn đề ăn mặc của người biểu diễn thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vẫn đang còn chuẩn bị dự thảo. Sốt ruột không?!

Sốt ruột khi trong phần trả lời báo chí, các cơ quan hữu quan chưa có được sự thống nhất trong việc quản lý quả bóng trách nhiệm. Ví dụ như trong phần trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ngày 22-8, ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục NTBD) cho rằng: Vừa rồi truyền hình, báo chí đưa tin dồn dập thảm họa nọ, thảm họa kia. Nhưng đó đâu phải là chương trình của Cục NTBD hay Bộ VH-TT&DL, những hình ảnh, clip đó phát tán trên mạng, mà mạng là do Bộ Thông tin - truyền thông quản lý. Vậy Bộ Thông tin - truyền thông ở đâu trong những trường hợp này.

Sốt ruột không?!

Theo như lãnh đạo của cục NTBD thì việc người ta cứ chụp ảnh, quay clip rồi phát tán lên mạng là quyền của người ta, “làm gì được họ”.

Tại sao không “làm gì được họ”?

Xem Indonesia đã làm gì với các ngôi sao để các hình ảnh riêng tư nhạy cảm bị phát tán trên mạng? Cứ thử xử cho ra xử, phạt cho ra phạt một vài trường hợp “làm gương” xem thử những “sao” và “người sắp sửa thành sao” khác có dám vi phạm không nào?

Trách nhiệm của những tờ báo giải trí suốt ngày rình rập để chụp ảnh và đưa tin về “ca sỹ X. lộ hàng”, “diễn viên Y. hớ hênh”, “người đẹp Z. gợi cảm”… hoàn toàn không nhỏ. Chính những bài báo câu khách kiểu này đã kích thích ghê gớm sự “táo bạo” của người biểu diễn. Chẳng lẽ những tờ báo này không có ai quản lý? Và cũng không “làm gì được họ”?

Thu nhập của ca sỹ ai cũng biết, thuộc vào hàng cao. Khoản tiền phạt có khi chỉ là một khoản phí rất nhỏ để được nổi tiếng. Chuyện nhỏ, dại gì không đầu tư để được lãi lớn.

Thế nên, nếu bên cạnh khoản tiền phạt đó còn kèm theo lệnh cấm biểu diễn một thời gian tùy theo mức độ vi phạm thì chắc hẳn kẻ táo bạo nhất cũng phải cân nhắc soi gương trước khi lên sân khấu. Không thể cứ kêu gọi ý thức của người tham gia biểu diễn suông mà có kết quả được khi tiền tài và danh vọng luôn là thứ dễ làm con người ta lóa mắt ù tai hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Tại sao người ta lại dám ăn mặc “quá hồn nhiên” như vậy khi biểu diễn? Các ca sỹ, người mẫu không thể chui từ dưới đất hay nhảy từ trên trời xuống thẳng trên sân khấu. Đương nhiên là có sự dung túng của các đơn vị tổ chức biểu diễn. Những đơn vị này hoặc hám lợi hoặc khiếp nhược không dám làm các “sao” phật ý mà cứ để cho hiện tượng này xảy ra liên tục.

Phải làm tăng tinh thần trách nhiệm của các đơn vị tổ chức biểu diễn bằng những “ án phạt” thích đáng nếu để xảy ra sự việc. Án phạt này rõ ràng cũng không chỉ quy theo tiền mà còn những hình thức khác.

Cũng như trong bóng đá, nếu vi phạm thì phạt tiền như thế nào, treo giò bao nhiêu trận, nặng hơn là treo giò 1-2 năm, thậm chí vĩnh viễn... NTBD cũng phải như thế, câu trả lời của ông Biên cho công chúng hy vọng rằng cơ quan quản lý sẽ sớm có những quy định rõ ràng, để xử đúng người, đúng tội. Và những vụ việc vừa qua chính là những "ca xử" tạo nên tiền lệ, chính là những ví dụ rõ ràng để đưa vào luật sau này.

Nếu nghiêm khắc xử lý, ắt sẽ hạn chế được những hành động phản cảm. Như muốn hết nóng, thì chỉ còn cách dội nước thật lạnh vào.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm