12/04/2021 19:52 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có một người đàn bà đã ôm mộng hào hoa. Có một người đàn bà vừa trẻ con vừa dày dặn, vừa hoang dại vừa thượng lưu, vừa đắm đuối vừa bất cần. Có một người đàn bà mơ ước được làm đàn bà. Hồng nhan ấy xem ra không dễ vẽ chân dung. Đó là nhà báo - MC Trác Thúy Miêu.
Trác Thúy Miêu là cái tên chợt nổi đình nổi đám sau mấy mùa thi liên quan đến nhạc bolero của Truyền hình Vĩnh Long, đưa chương trình này lên hàng “cháy sóng”. Cũng những bài hát ấy, nhưng khi lọt vào đường dây dẫn chuyện của Trác Thúy Miêu thì bỗng mang diện mạo khác hẳn. Miêu viết luôn kịch bản cho chính mình dẫn chuyện, vì vậy chị nằm lòng, nên “diễn” xuất thần với một giọng nói và một phong thái cực kỳ đặc biệt.
Người ta bị Miêu dẫn đi suốt nửa thế kỷ âm nhạc với những ngóc ngách tinh tế, những xúc cảm ngọt ngào, những đắng cay thầm lặng, những chuyện tình xót xa, những thân phận vinh quang và nghiệt ngã, những cột mốc khắc sâu vào lịch sử, những góc phố, con đường, dòng sông, bến đợi…
Áo dài và sân khấu
Miêu như có chiếc đũa thần gõ vào quá khứ, để hiện lên bao thứ lung linh. Có khi chị quá hứng khởi, viết luôn những đoạn rất dài cung cấp một kho tư liệu cho người yêu âm nhạc, y như công trình nghiên cứu, vượt qua khuôn khổ một MC. Miêu say sưa đến mức người ta phải ngăn bớt lại.
Nhưng người ta nể chị với một kiến thức và một kiểu dẫn chuyện độc đáo. Đúng hơn, Miêu đã có bề dày làm việc hiệu quả rồi, nhưng đến khi lên sóng truyền hình thì chị càng được ái mộ.
Nếu ai đã xem chương trình Đêm hoa lệ do nhà thiết kế Sĩ Hoàng tổ chức trước đó, sẽ thấy Trác Thúy Miêu say sưa kể về một Sài Gòn đẹp nồng nàn và tàn phai, dẫn người ta đi qua bao nhiêu góc yêu thương của Sài Gòn bằng giọng văn đẹp đặc trưng của chị.
Thực ra, Trác Thúy Miêu là một kiểu người mà kẻ ái mộ thì sẽ ái mộ rất dữ, còn người không ưa thì cũng đạt đến mức rất cao. Thú vị ở chỗ đó. Khán giả say chị như điếu đổ, còn ai đã ghét thì dùng lời lẽ thậm tệ. Không có chuyện bình bình, mà là phân cực yêu ghét rất rõ. Những nhà sản xuất biết điều đó, và họ vẫn mời chị liên tục, vì dẫu sao thì sức hấp dẫn của Miêu là không thể phủ định.
Những suất diễn, trước giờ mở màn, khán giả xếp hàng dài chờ chụp hình với Trác Thúy Miêu. Chị luôn mặc áo dài, rất đẹp, với thân hình thon thả, eo nhỏ xíu, áo may vừa rất xưa vừa rất hiện đại, nhấn nhá công phu, làm bật lên những điểm “chết người” của chiếc áo và của thân thể, nhưng chủ đạo vẫn toát lên vẻ sang trọng, đài các. Khán giả nữ vì lời yêu cầu của Miêu mà mặc áo dài đi xem kịch, khán phòng như có hàng trăm cánh bướm xinh lung linh. Miêu đủ tình yêu và ma lực cuốn khán giả theo chiếc áo dài. Và chợt hỏi, Trác Thúy Miêu muốn đóng kịch hay muốn tổ chức show văn hóa áo dài?
Thực tế, Trác Thúy Miêu từng là học trò xuất sắc của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, vừa nghiên cứu, vừa thiết kế, và cũng từng viết kịch bản cho những show áo dài của Sĩ Hoàng. Chị còn góp phần đắc lực thiết kế trang phục cho nhiều chương trình, đặc biệt vở cải lương đại cảnh Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ. Vì thế, áo dài thấm đẫm trong sự xuất hiện mọi lúc mọi nơi của Trác Thúy Miêu.
Nhưng rồi, chị “phải lòng” sân khấu kịch nói, và bước lên sàn kịch với vai trò “bà bầu” lẫn diễn viên. Mộng hào hoa là vở đầu tiên Miêu đầu tư, diễn tại rạp Vườn Lài. Miêu thú thật mình không giàu, chỉ vừa đủ nuôi sàn diễn cùng những gương mặt trẻ chưa kịp thành “sao”. May mắn thay, có Lê Hoàng Giang, một anh kép đã có danh, cùng về xây mộng với chị. Họ cùng chắp bút Mộng hào hoa, Lê Hoàng Giang đạo diễn, Trác Thúy Miêu đóng vai nữ chính. Miêu diễn kịch với tất cả hình ảnh đàn bà mà chị đang mang. Nhân vật cô đào Mộng Ngọc vừa tài hoa, kiêu hãnh, vừa thấp thoáng cô đơn, vừa giang hồ lọc lõi, vừa sang trọng, thượng lưu. Miêu cười: “Tự dưng lao đầu vô sân khấu như một cuộc tình không hồi kết! Nhưng vui!”.
Tuổi trẻ dữ dội
Miêu trầm ngâm kể về “tuổi trẻ dữ dội” của mình. Thì ra, Miêu đã từng trốn học, bỏ nhà ra đi khi 16 tuổi, đã từng múa bụng trong quán bia, từng bị dụ bán sang Hàn Quốc, may mà thoát thân, từng làm đủ nghề để sống, gần gũi những người dưới đáy xã hội và nhận ra những chuyện đẹp như cổ tích.
Thế nhưng, trong dòng máu của Miêu có chất ăn học của người cha xứ Huế, có sự lịch lãm của người mẹ Hà Nội và có sự hồn hậu bao dung của Sài Gòn nơi Miêu sinh ra và trưởng thành. Sự pha trộn đó đã đem lại cho chị một nội hàm thú vị, và Miêu dứt khoát quay về tìm một nghề ổn định sau khi đã phiêu bạt giang hồ đến chán.
Nghề đầu tiên Miêu chọn là thiết kế áo dài, ôm cặp làm học trò của Sĩ Hoàng. 10 năm sau, đi làm phóng viên báo chí, tích lũy một vốn kiến thức dày dặn để sau này có cơ hội chắp bút viết kịch bản cho các cuộc thi bolero và nhiều chương trình khác. Chưa kể, cuốn sách Vọng Sài Gòn chị vừa xuất bản với văn phong rất đẹp và độc đáo, làm người ta càng thêm yêu chị. Một giọng văn không lẫn vào đâu được, quyến rũ vô cùng.
Phía sau những sự nghiệp đó, là một người đàn bà có thể ngồi hút thuốc và văng tục vài câu khi bất bình, nhưng lại có những phân tích xã hội lẫn nghệ thuật cực kỳ sâu sắc, thẳng thắn. Và người đàn bà thú thật là “tôi rất muốn làm đàn bà”, nào là với cái bếp xinh xinh, với cửa sổ nhìn ra khu vườn, với hạnh phúc thật bình dị…
Nhưng rồi, làm không được. Bởi công việc đặc thù, bởi tính cách cũng đặc thù… Thì thôi, cũng có người chấp nhận. Người chồng nhỏ tuổi hơn, là phóng viên báo chí, là một người đàn ông bao dung, là một tri kỷ đúng nghĩa, đang nâng niu người đàn bà này với trái tim dễ chịu. Rửa hết son phấn đi, còn lại một Trác Thúy Miêu nhìn trẻ hơn, giản dị hơn, dễ gần hơn. Thật ra, Miêu rất đàn bà!
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất