Trải nghiệm bình minh sông Hằng

11/04/2015 19:53 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sông Hằng (hay còn gọi là Ganga) là con sông quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ, có chiều dài 2.510km bắt nguồn từ dãy Himalaya. Vốn đã được nghe rất nhiều truyền thuyết và những câu chuyện hư hư thực thực về con sông này nên tôi rất háo hức khi biết mình sẽ có cơ hội ngắm bình minh trên sông Hằng.

Ngày thứ 3 trong chương trình tôi đã đến thành phố Varanasi - thành phố cổ có tuổi đời chừng 3.000 năm bên bờ sông Hằng. Nơi đây cũng rất nổi tiếng với các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được truyền qua hàng nghìn năm như dệt lụa, thảm, chạm khắc gỗ...

Tờ mờ sáng ngày thứ 4 cả đoàn được gọi dậy rất sớm nhưng dường như ai cũng háo hức nên tập trung rất đúng hẹn để đi ngắm bình minh trên sông Hằng. Xe đi qua nhiều dãy phố còn lơ mơ ngủ, chỉ có bầy khỉ hoang nhảy nhót nghịch phá. Chúng tôi dừng ở một đoạn đường ken chặt toàn người là người, khắp nơi rực rỡ màu cam. Những đoàn người đa phần là nam thanh niên mặc quần áo màu cam đi thành nhiều hàng dọc trên phố. Vai họ gánh một thanh gỗ dài trang trí hoa vải đủ màu sắc, ở hai đầu gánh là hai bình nước nhỏ xíu. Họ vừa đi vừa nói chuyện, hát hò rất rôm rả.

Hướng dẫn viên cho biết họ là người dân ở khắp nơi Ấn Độ đi về khúc sông Hằng nổi tiếng linh thiêng này để lấy nước về thờ cúng.

Len lỏi đi bộ cùng những người dân địa phương, chúng tôi rẽ vào một con hẻm ngoằn ngoèo và dơ bẩn. Cuốc bộ một hồi rồi lách vào một hành lang nhỏ hẹp bên hông ngôi đền thờ Hindu, khoảng không bỗng nhiên mở rộng - dòng sông Hằng huyền thoại hiện ra ngay trước mắt. Bờ bên kia còn chìm trong sương mờ nên có cảm giác mặt sông trải rộng mênh mông. Mặt trời chưa lên và dường như cũng chẳng thể len lỏi khỏi những đám mây xám xịt nặng trĩu, một chút buồn và tiếc vì thời tiết không như ý nhưng ngay sau đó chúng tôi lại bị cuốn ngay vào những điều thú vị bên bờ sông khi bước lên thuyền bắt đầu hành trình du ngoạn trên sông.

Nước sông đục lờ lờ. Sát bờ sông đã có nhiều người đang tắm. Nhìn mọi người tôi chợt nhớ về khúc sông ở Huế mà tôi đã từng đi qua cũng cảnh người tắm, người giặt như vậy chỉ có điều số người ở đây nhiều không kể xiết. Có người tắm chỉ ngồi trên bờ rồi khoát nước lên người. Có người lội xuống nước. Có người hụp lặn ra xa. Muôn kiểu tắm lộ thiên trình diễn trước mắt chúng tôi.

Đâu đó từ những ngôi đền thờ nằm dọc trên bờ sông xen lẫn vào giữa các mảng thành cổ còn sót lại. Những tháp hỏa thiêu, gọi là Ghat, vang lên đủ thứ âm thanh lạ tai. Từ dưới dòng sông nhìn lên, dãy thành cổ hùng tráng có tuổi trên 3.000 năm đang bị chèn ép lấn chiếm sử dụng nham nhở.

Với đất nước và người dân Ấn Độ, sông Hằng là một dòng sông thiêng. Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi và nước sông được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ thờ cúng. Uống nước sông Hằng trước khi chết là một điềm lành và tâm nguyện lớn nhất của người Ấn là trong đời ít nhất được một lần tắm tại sông Hằng. Còn khi chết được mang xác về Varanasi, thành phố bên bờ sông Hằng để làm lễ hỏa thiêu rồi thả tro xuống dòng sông ngay tại nơi này.

Vì lẽ đó mà đi trên đoạn sông này rất dễ gặp cảnh hỏa táng. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết: “Nếu bạn nhìn thấy một cuộn khói bốc lên trước sân một ngôi đền thờ thì đó là người ta đang làm lễ hỏa thiêu. Khi đến gần hãy cất hết máy ảnh và camera, người ta không cho quay phim và chụp hình cảnh thiêu xác”. Xác người được quấn trong một tấm vải, đặt lên trên một lớp củi. Một ít cây củi khác được chất chung quanh và bên trên. Lửa cháy hừng hực. Chỉ nghe tiếng nổ lốp bốp của các cành gỗ khô. Lặng yên không có một tiếng khóc.

Những người ở xa phải thật giàu mới có tiền mang xác về đây hỏa thiêu. Người nghèo thì đổ tro vào nhánh con nào đó của sông Hằng gần nhà mình nhất. Tro của người Hindu nào cũng được đổ xuống sông Hằng. Nhưng cũng có một số người được thả thẳng xác xuống sông Hằng mà không cần phải thiêu thành tro. Đó là trẻ con còn ngây thơ, các bậc hiền triết và những người chết do... trúng độc.

“Thỉnh thoảng đi thuyền trên sông Hằng mà gặp xác người trôi thì các bạn cũng không nên lấy làm kinh hoảng. Đó là thủy táng”, hướng dẫn viên dặn.

Chuyến du ngoạn trên sông Hằng buổi sáng sớm để đón bình minh của chúng tôi trôi qua khá nhanh. Mặt trời vẫn bị che khuất giữa những đám mây chỉ thỉnh thoảng hiện ra mờ ảo nhưng sức hút từ những câu chuyện cũng như những hình ảnh, âm thanh mắt thấy tai nghe cũng đã làm chúng tôi thực sự rất ấn tượng về dòng sông nổi tiếng này.

KINH NGHIỆM DU LỊCH ẤN ĐỘ

Mì gói, chà bông (hay ruốc) là những thứ bạn cần phải mang theo khi đi du lịch Ấn Độ. Ẩm thực Ấn Độ có thể làm khó kể cả những ai dễ tính nhất trong ăn uống. Những món cà-ri đậm mùi và món ăn không đa dạng, không phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam có thể làm bạn đói bụng suốt hành trình nếu không có những thứ mang theo từ quê nhà.

Điều cần phải lưu ý khác là bạn phải tính thừa thời gian cho di chuyển, bởi giao thông ở Ấn Độ nổi tiếng kẹt xe. Ngoài ra, du khách cần chuẩn bị đầy đủ dù, mũ nón, kem chống nắng bởi khí hậu Ấn Độ nói chung khắc nghiệt. Trời nắng nóng suốt cả ngày. Mùa Hè nóng bức kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6. Qua tháng 7 có mưa đến tháng 11. Còn mùa Thu trời đẹp.

Đón taxi ở sân bay Indira Gandhi cơ bản không phức tạp, khi bạn vừa ra khỏi cửa sẽ gặp các quầy đổi tiền và nhiều trạm bán vé taxi về trung tâm. Người bán trao cho bạn một biên lai và sẽ có người đưa khách ra taxi. Người làm dịch vụ ở Ấn Độ không niềm nở với du khách, họ lạnh băng và chẳng quan tâm đến sự nóng ruột của bạn. Như người đổi tiền có thể rề rà vừa làm thủ tục cho khách vừa nói chuyện với đồng nghiệp.

Tàu điện ngầm cũng đã hoạt động ở New Delhi từ nhiều năm qua nhưng cũng không giải tỏa được vấn nạn kẹt xe trên đường bộ. Ngoài ra, New Delhi cũng có các tuyến xe buýt công cộng đưa khách đến các điểm tham quan.

ĐƯỜNG BAY

Hiện nay chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Ấn Độ. Du khách đi từ TP.HCM đến New Delhi có thể chọn Hãng Jet Airways hoặc Air India đều quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan). Trong đó Jet Airway dừng ở sân bay Bangkok khoảng 2 giờ đồng hồ và khách không xuống máy bay. Còn khách đi Hãng Air India phải ngủ lại Bangkok một đêm chờ sáng hôm sau bay tiếp. Bay từ Bangkok đến New Delhi mất khoảng 3 giờ.

HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT là tour của Vietravel có giá 43,99 triệu đồng, 11 ngày. Đây là chương trình liên tuyến Nepal - Ấn Độ, sẽ đưa du khách về với miền đất Phật, chiêm ngưỡng bảo tháp Boudhanath lớn nhất thế giới tại Kathmandu, theo dấu chân Đức Phật trên con đường hành hương của Ấn Độ, cùng khám phá đời sống hai bên bờ sông Hằng linh thiêng - dòng sông tâm linh huyết mạch của đất Phật.

Đặc biệt, hành trình còn đưa khách đến với đền Taj Mahal - biểu tượng của tình yêu bất diệt từng được ngợi ca là một trong những kỳ quan thế giới...

LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO NHẬT BẢN 2015 (Japan Sakura Festival 2015) diễn ra vào hai ngày 11 - 12/4 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Nhật Bản và Việt Nam đã nối lại quan hệ ngoại giao từ năm 1973, tới nay đã được hơn 40 năm. Những đóa hoa anh đào rực rỡ mang hình ảnh của Nhật Bản, giới thiệu về đất nước con người Nhật Bản với người Việt Nam có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa Nhật Bản.

Lễ hội có nội dung đa dạng bao gồm văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, ẩm thực và kinh doanh... Nhờ lễ hội này, văn hóa Nhật Bản sẽ trở nên gần gũi với người dân Việt Nam hơn, đồng thời là chiếc cầu nối giúp mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản ngày càng khăng khít.

Bài & ảnh: Trần Việt Hương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm