Trần Dần vượt nhiều “ngã tư”, đến sớm nửa thế kỷ

20/06/2011 15:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tối 16/6, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm Trần Dần trong văn xuôi, xoay quanh Những ngã tư và những cột đèn - tiểu thuyết hay nhất của ông. Với văn xuôi, nhà thơ Trần Dần (1926 - 1997) vẫn chứng tỏ tầm vóc của nhà cách tân ngoại hạng.

In 2.000 bản lần đầu tháng 1/2011, 5 tháng sau, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn tái bản 2.000 cuốn và có tọa đàm. Bìa sách đều do con út nhà thơ - HS Trần Trọng Vũ (SN 1964, định cư tại Paris từ 1989) vẽ.

Buổi hội thảo diễn ra sau cơn mưa lớn, cử tọa đến không đông - đây cũng là đặc thù công chúng của Trần Dần: không phổ cập đại chúng mà đặc tuyển. Đọc, hiểu Trần Dần là thách thức ở mọi thời kỳ, ngay cả giới nghề, nghệ sĩ - những người “chịu được” các phá cách “nặng đô” của ông, cũng không dễ gặp. Người ta “nghe nói” và kính trọng ông vì những sáng tạo mang tính tiên phong, đổi mới, hơn là can đảm khám phá và trải nghiệm tác phẩm. Trần Dần luôn là “miền mới”, với người đọc và kẻ sáng tạo.

Tiểu thuyết ưng ý nhất của Trần Dần

Tiểu thuyết Những ngã tư và
những cột đèn của Trần Dần

Năm 2007, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, được nhận giải thưởng Nhà nước. Trước đó 20 năm, hồi 1987, Hội Nhà văn VN đã khôi phục hội tịch cho các ông. 30 năm sung sức nhất của đời người dù gặp nhiều gian truân, nhưng ông vẫn không ngừng viết. Ngôi nhà số 7 phố Vũ Lợi, gần ga Hàng Cỏ, gia đình ông ở từ 1955 - 2003. Nơi gắn bó 42 năm ấy, có mảng tường đen bóng hằn vết lưng, mồ hôi nhọc nhằn của Trần Dần. Ông đã dựa tường, ngồi viết. Người lính Vệ Quốc đoàn từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, không hề bỏ cuộc trước những bão tố và cay đắng thời bình.

Sinh thời, Trần Dần viết 3 tiểu thuyết. Người người lớp lớp (in ngay sau giải phóng Thủ đô 1954), Sứa (1960, viết về xã hội loài kiến) và Những ngã tư... Lời nói đầu cuốn sách cho biết, Những ngã tư... là kết quả những năm Trần Dần được cấp giấy phép ra vào trại giam gặp các ngụy binh thời Pháp thuộc. Do tai biến mạch máu não, ông bị liệt nửa người bên trái từ 1972. Không đầu hàng như bản tính trong mọi trường hợp, Trần Dần tập đi, chống gậy, có lúc còn đạp chiếc xe mini đi chơi, dẫu chân tay không thể phục hồi như trước, dù nói ngọng, mỗi khi nói phải quát lên. Tấm lưng còn găm những mảnh mìn khi ào lên xung phong tấn công đồi A1 (HS Nguyễn Thụ bị cụt một chân), cứ thế tựa tường, viết đến khi gần mất. Ông đã chép lại, sửa chữa văn phong cho Những ngã tư..., tiểu thuyết ông ưng ý nhất hoàn tất vào giao thừa 1989 sang 1990. Hai chương tiểu thuyết này đã in trên Tạp chí Văn nghệ Hà Sơn Bình những năm sau đó.

Độc giả đầu tiên của tiểu thuyết này là dịch giả Dương Tường, người cùng họ, cùng quê Nam Định, rất thân với Trần Dần. “Tôi đọc từng chương, anh Dần viết đến đâu tôi đọc đến đó. Anh bảo: Tôi viết cái này là đơn đặt hàng của ngành Công an. Dù viết theo đặt hàng, mình vẫn là mình. Viết cái thư nhỏ cho bạn cũng phải hết văn tài. Bản sửa lại 1989, anh Dần cắt mất mấy đoạn độc thoại mấy trang không chấm phẩy. Đó là tuyệt bút. Tôi tiếc không chép lại”.

Chất thơ trong văn xuôi kỳ biệt

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định “Trần Dần không kể, mà viết. Một thời văn học hiện thực kéo dài, ta không đề cao cách viết. Tiểu thuyết là thể loại “phàm ăn”, nó có thể ngốn hết các thể loại đưa vào. Trần Dần rất kỹ chữ. Chúng ta đã ở thế kỷ 21, thế giới phẳng, nhưng chữ phẳng thì rất chán. Trần Dần tạo khoái cảm bằng chữ và tiếng, chữ của ông không nằm trên mặt phẳng, không dẹt, nó cựa quậy giàu sức gợi. Đọc ông, là được hưởng bữa tiệc ngôn ngữ. Văn chương nghệ thuật cần lệch chuẩn, không theo đường mòn”.

Phong cách Trần Dần là độc bản. Từ nhật ký 250 trang lem nhem mực tím của nhân vật chính, ngụy binh Dưỡng; nhà văn không tên - nhân xưng ngôi thứ ba đã viết câu chuyện sau 11 năm. Xáo trộn, nhầm lẫn thời gian liên tục. Dưỡng nhầm mùa Thu thành Đông, gọi tháng 11 là Tết, nhà văn nhầm cả tuần là Chủ nhật.

Trưởng thành và gắn bó với Thủ đô, chất Hà Nội được tác giả đưa vào rất riêng. Có phần ngột ngạt, sự hỗn loạn trong vẻ chậm rãi, làm gì cũng không thoát khỏi nhau. Yêu Dostoevsky, Trần Dần có chất “Dostoevsky’’ ở khả năng đi sâu tâm lý nhân vật, xoáy đi xoáy lại những ám ảnh, muốn tới tận cùng.

“Láo nháo ngã tư, láo nháo cột đèn”, hỗn loạn và giằng xé những suy tư hiện tại, quá khứ của những con người qua chiến tranh giữa thời bình. “Đời lắm ngã tư. Cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chia ly, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”. Cô đơn khi sống và sau khi chết, bởi quyết liệt làm mới, những lựa chọn lẻ loi, Trần Dần đã vượt nhiều ngã tư, thành người tiên phong với các tác phẩm có hình thức thế kỷ 21, sớm hơn nửa thế kỷ so với thời ông viết.


Từ trái sang: Nhà văn Lê Minh Khuê, nhà thơ Lê Hoài Nguyên,
BTV Cao Việt Dũng tại tọa đàm về Trần Dần. Ảnh: Lê Minh Đạt


Rẽ về phía sáng, vượt qua chính mình

Ngoài tiểu thuyết Một ngày Cẩm Phả bị mất bản thảo, Trần Dần còn muốn viết thêm cuốn nữa, cho đến ngày tạ thế, Xuân 1997.

“Tôi chẳng muốn mang sang gì cả/ Nỗi buồn ga cuối còn nguyên”. Trần Dần đã sang thế giới bên kia, để lại cho người vợ tuổi 80 - bà Bùi Thị Ngọc Khuê, con gái Băng Kha và 2 con trai, Trọng Văn- Trọng Vũ lượng di cảo quý giá. Bất chấp mọi éo le nghiệt ngã, ông đã viết bằng sáng tạo đột khởi, làm thơ ký hiệu, vẽ tranh bột màu.

“Tôi không thừa nhận một thứ thơ nhân tạo mà không có khổ đau và nổi loạn. Tôi như kẻ đi đày trên sa mạc giấy”. Trần Dần viết nhật ký đời trong những năm tháng gian truân, ông đã từng tuyệt vọng, gọi chúng là Sổ bụi, từng xóa đi phần cuối nhật ký đời. 19 tuổi, Trần Dần lập nhóm thi sĩ Tượng trưng, cùng anh em Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Đinh Hùng, với tuyên ngôn sáng tạo, phá vỡ mọi cùn mòn, định kiến. 34 sổ nhật ký từ 1954 - 1984 còn nguyên. Theo HS Trần Trọng Vũ, những sổ tay đầu mang để tựa Ghi vặt. Từ 1973 thành Sổ thơ, từ 1979 thành Sổ bụi. Ở đó, chữ tôi mang tính tự sự, ngạo nghễ khí phách mà dằn vặt, đau đớn nhưng không ngừng hy vọng và cả nổi loạn.

“Thi sĩ là gì? Người chết hay buông tay vẫn ằm ặp đầy sao. Chết đi, tôi vẫn mất ngủ” (1988). Ở những ngã tư đời, Trần Dần đã dấn bước, rẽ về phía sáng, vượt qua chính ông. Thật tuyệt vời những trang văn như những bài thơ cuốn hút, giàu suy tưởng khi nhân vật nhà văn, hay chính Trần Dần, giữa những “lẫn lộn thời gian sắp xếp cuộc đời”, đã cật lực, đã vắt kiệt để thoát khỏi những bê bối, hỗn tạp, giả liệu, đơn điệu, tù túng, quẩn quanh.

“Bên phải đầy những ngã tư và những cột đèn. Ngã tư bây giờ thành ngã sáu. Ngã sáu rét. Chân đưa tôi đến Bờ Hồ. Bờ Hồ có bến xe điện đêm. Có tháp Rùa rét nhập nhòa trong khói trắng. Bờ Hồ không phải ngã tư. Bờ Hồ là cái vòng tròn quay tròn không bao giờ kết thúc. Tôi cứ đi đi... Té ra tôi lại gặp phố Nhà Thờ. Nhà thờ nhập nhòa trong khói trắng... Tôi qua ngã tư cửa Nam. Ngã tư cửa Nam đầy khói. Để không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn. Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Tôi đã nói rồi: Tôi đi thấu sáng. Bây giờ tôi ngồi. Cùng với rạng đông. Trong một vườn hoa”.

Hơn 200 hồ sơ bản thảo

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho biết: “Sau khi Trần Dần mất, tôi được gia đình anh tin cậy nhờ soạn di cảo. Đến nay, tổng cộng đã được hơn 200 hồ sơ. Hiện vẫn còn nhiều tác phẩm chưa in. Tôi mong sẽ in được hết, và không để lâu thêm nữa”.

Và những độc giả không đọc theo tập quán luôn trân trọng và chờ đón tác phẩm của Trần Dần, “người bỏ sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn”, đã không ngừng cách tân “vượt biên” các giới hạn, “thắp sáng mọi chùm sao cũ”, tạo một dư chấn riêng biệt của kẻ luôn vượt “ngã tư”, để luôn sớm và mới.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm