17/02/2021 07:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Thơ đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, như một người bạn chung thủy, theo cách của nó. Và tôi cũng như nhiều người viết khác, tìm thấy ở thơ sự an ủi” - nhà thơ Trần Kim Hoa, tác giả tập thơ Bên trời được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020, chia sẻ.
Nhà thơ Trần Kim Hoa xuất hiện trên thi đàn từ năm 1990. Cho đến nay, nhà thơ đã ra mắt độc giả tổng cộng 5 tập thơ là: Nơi em về (1990), Quá khứ chân thành (1998), Lối tầm xuân (2003), Họa mi năm ngoái (2006) và Bên trời (2020).
* Hỏi một nhà thơ tại sao lại làm thơ có lẽ là một câu hỏi có phần vô lý, nhưng sau khi đọc thơ Trần Kim Hoa, tôi lại cứ mãi nung nấu về câu hỏi ấy. Giữa rất nhiều thể loại văn chương và nhiều ngả đường đời, chị có thể cho biết tại sao lại chọn thơ (mà không phải bất kỳ lựa chọn nào khác) và đồng hành với thơ trong suốt sự nghiệp viết lách của mình không?
- Tôi nhận thấy công việc viết lách của mình, ngoài báo chí, thì thơ thực sự có thể ví như một người bạn tri kỷ. Nhất là lúc có tâm trạng, lúc muốn đối diện và cảm nhận, gọi tên chính những cảm xúc đang diễn ra trong mình. Tôi đã từng thử sức viết một vài thể loại khác ngay từ thời còn học phổ thông; tuy nhiên, về sau, tôi thấy mình “hợp” với thơ hơn. Thơ giúp tôi “nói” được nhiều và chính xác những rung động, cảm nghĩ ngay khi nó phải “cậy nhờ”… ít chữ nhất (ở đây tôi muốn nói lượng chữ trong những bài thơ thông thường, chứ không nói đến trường ca hay tiểu thuyết bằng thơ).
Để có thơ, người ta cần kiệm chữ nhất có thể, song vẫn chuyển tải được điều muốn nói. Sự vất vả của người làm thơ phần lớn nằm ở sự trăn trở, day dứt ý tứ, ở độ “nặng” của chữ, ở cái “tình” của người viết gắn với những khoảnh khắc nhất định của đời sống và tâm trạng. Thế nên, thơ đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, như một người bạn chung thủy, theo cách của nó. Và tôi cũng như nhiều người viết khác, tìm thấy ở thơ sự an ủi.
* Tính từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” (1990), đến nay cũng vừa tròn 30 năm Trần Kim Hoa bước chân vào thi đàn. Năm 2020 là năm chị được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Bên trời”. Chị có thể chia sẻ thêm về “duyên nợ” 30 năm với thơ ca không?
- Đó là 30 năm dài mà cái bóng cuộc đời đã hắt xuống với những buồn vui, tối sáng; 30 năm của những ước mơ, của lao động… Lúc viết được, lúc không. Lúc tự chán những gì viết ra, lúc lại thấy cần viết thêm nữa, thêm nữa… Nói chung, ngay cả những khi bận rộn nhất, buồn bã nhất thì tôi vẫn tin rằng thơ là một thế giới đẹp đẽ, tinh khiết, giúp người ta có thể lắng lại và đi tới. Đó chắc là cái “duyên” như bạn nói chăng!
* Chị có thể kể một chút về hành trình “bếp núc” khi hoàn thành tập thơ “Bên trời”?
- Tập thơ gồm những bản thảo được viết rải rác trong hơn 10 năm. Đó cũng là khoảng thời gian tính từ khi tập thơ trước Họa mi năm ngoái được xuất bản cho đến nay và chứa đựng sự “về già” của tác giả.
Thực ra, tôi đã có ý định ra tập mới từ mấy năm trước, nhưng do bận công việc chuyên môn, tôi đã lùi lại cho đến khi có thời gian đủ để đọc lại và lựa chọn cho nó một hình hài như mình đã từng hình dung. Có thể là tôi hơi tham lam khi đưa vào tập tới 88 bài, nhưng vì mỗi tập thơ ra đời sẽ gói lại những kỷ niệm gắn với một chặng đường đời của tác giả, nên tôi đã quyết định không thêm bớt khi đưa xin giấy phép xuất bản. Trước khi tập thơ được in, tôi cũng có đưa bản thảo cho một nữ nhà thơ trẻ đọc. Tôi thực sự muốn biết thơ mình có bị cũ quá không, người trẻ có thừa nhận nó không. Rất may là bạn ấy đã đọc và thích nó, khiến tôi tự tin trình làng tập thơ thứ 5 này.
* Đọc “Bên trời” và các tập thơ khác của nhà thơ Trần Kim Hoa, mỗi bài thơ đều đọng lại cảm xúc vừa tinh tế, lại không kém phần mãnh liệt. Điều này thật sự khiến độc giả trở đi trở lại câu hỏi: Điều gì thôi thúc tác giả viết nên những câu thơ chân thật mà quyết liệt đến như thế này: “Mặt trời mỗi ngày dán lên cánh cửa/ Mệnh lệnh duy nhất/ Sống...” (“Sống” - Trần Kim Hoa)?
- Khi đã có tuổi và có trong tay những phần đời chồng lấp lên nhau, tôi hay nhìn lại mình nhiều hơn trước. Những chiêm nghiệm và cảm xúc đan xen. Tôi nghĩ, khi vui, người ta yêu quý cuộc sống là đương nhiên; khi buồn bã hay thất vọng, sống trở thành một mệnh lệnh thực sự, thay vì gục ngã, buông xuôi và đánh mất tất cả. Sống, là vượt qua và cũng là để đến với “giấc mơ cuối cùng đang đợi”! Có lẽ đó là cách nói khác đi về dấu chấm hết, bạn ạ.
* Theo nhà thơ, điều khó nhất khi làm thơ là gì?
- Có cảm xúc, đủ để dẫn dắt mình.
* Đã có khi nào chị cảm thấy bế tắc, bất lực trước những cảm xúc và những suy tư của chính mình? Nếu có, chị phải làm thế nào để thoát ra?
- Đúng là có những lúc như vậy. Và những lúc đó, tôi thường cố gắng rứt ra khỏi mình và cũng không ép mình ngồi trước bàn. Còn vô số những công việc khác mà một người phải làm mỗi ngày thay vì cứ quanh quẩn bên màn hình trắng tinh của chiếc máy tính. Các công việc phải giải quyết ở cơ quan, việc nhà, rồi họ hàng, người thân… Tôi sợ nhất là bị chìm đắm trong những vấn đề, cảm xúc cá nhân mà không thoát ra được, trong khi thời gian thì không đợi bất cứ ai, mặt trời mỗi ngày đến rồi lại đi, cuối cùng chỉ còn lại mình loay hoay gỡ rồi lại buộc chính mình mà thôi…
* Được biết, chị hiện cũng đang là Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đối với chị, vừa làm công việc quản lý lại vừa làm thơ, cảm giác như thế nào?
- Tôi không “vừa làm quản lý, vừa làm thơ”. Có thể đó là những thời khắc khác nhau trong ngày nhưng không phải là một. Khi làm việc, tôi tập trung khá cao cho công việc. Chỉ khi xong việc, thả lỏng mình, tôi mới được phép “nhìn vào bản thân” theo cách có thể. Rất ít khi, trong lúc đang bận rộn công việc, một vài ý, tứ gì lóe lên, hầu hết không kịp ghi lại và trôi mất. Biết làm sao được. Tôi cũng có tiếc đôi chút nhưng trong lòng thì vốn đã biết chấp nhận việc đó từ lâu rồi.
* Chị có thể chia sẻ một chút về mối liên hệ giữa phụ nữ và thơ ca?
- Tôi nghĩ, thơ và phụ nữ chỉ được liên tưởng với nhau khi người ta muốn đề cập đến những gì kiểu như nhan sắc mong manh, sự dễ thương, lay động lòng người… mà phụ nữ thời nay, như bạn thấy đấy, nhiều người rất mạnh mẽ, quyết liệt. Chúng ta cũng hay dùng từ “nàng thơ”, dù rằng nhiều khái niệm, hình ảnh, ngôn ngữ có tính chất “vạm vỡ, cường tráng” rất nam tính đó vẫn hiện diện trong thơ và trong phê bình thơ. Còn ra, thơ là thơ, và nó mang trong mình hơi thở, tâm trạng, số phận của con người, thậm chí của cả một dân tộc, mà không phải lúc nào cũng cần thiết phân biệt nam hay nữ!
Một nữ thi sĩ, tùy theo chủ đề, cảm xúc trong tác phẩm của mình, có thể có những vần thơ được khen là nữ tính. Nhưng, khi họ viết về chiến tranh, về đời sống đương đại khốc liệt, họ có thể ở “vai” khác, thì không nên đặt ra vấn đề nữ tính hay không nữ tính nữa. Ở đây vấn đề cuối cùng nằm ở chỗ bài thơ đó thế nào, hay hay chưa hay mà thôi!
* Cảm ơn chị về những chia sẻ này.
Trường Khanh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất