12/12/2018 19:02 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Lấy cảm hứng từ một câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây tiến: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, Trần Quốc Long vẽ và làm triển lãm sơn mài Hoa về trong đêm, khai mạc lúc 18h ngày 14/12 tại Ngôi nhà Bentley (Landmark 81, TP.HCM).
Làm sơn mài rất kỳ công, nhưng chỉ năm 2018 mà Trần Quốc Long (sinh 1981) có thể hoàn thành gần 50 tranh sơn mài là điều rất đáng nể phục về độ tập trung và cảm hứng sáng tạo.
Chỉ xét riêng về số lượng, đây đã là một kỷ lục, bởi hiếm có họa sĩ nào có thể làm được nhiều như vậy. Triển lãm Hoa về trong đêm dự kiến giới thiệu 32 bức sơn mài được lựa chọn từ số đã vẽ.
Vì sao hoa là phụ nữ?
Tuy trở đi trở lại với hình tượng một người nữ, nhưng Trần Quốc Long nói rằng anh đang truy vấn về chính mình, một kiểu của chân dung tự họa. Cuộc truy vấn này, xét về mặt phân tâm học, cho người xem cảm nghĩ về sự che đậy, mượn xa nói gần, mượn nữ nói nam, để tiện bày tỏ nội tâm ra ngoại giới.
Xét về nguyên lý, sáng tạo thực chất là cuộc giãi bày nội tâm, gián tiếp hoặc trực tiếp, Trần Quốc Long chọn gián tiếp, thậm chí dùng tinh thần của thủ pháp gián cách. Hơn nữa, nhìn người nữ hiện lên trong tấm vóc màu đen và sơn mài bí ẩn kia, có khác gì những đóa hoa rừng chớm nở trong đêm vắng, được bao bọc bởi hơi sương.
Xa hơn nữa, người Thanh Hóa - quê hương của Trần Quốc Long - chia sẻ câu chuyện về truyền thuyết hoa pôồn pôông của người Mường và người Thái. Nàng Ờm và chàng Bồng Hương yêu nhau da diết nhưng bị gia đình cách ngăn, khi họ chết biến thành hoa bông trắng quấn quanh cây chạng bạng.
Quang Dũng qua Mường Lát, thấy hoa pôồn pôông gặp mưa thành màu trắng, gặp nắng thành màu đỏ, trải nghiệm đêm hơi của núi rừng, viết nên câu thơ đặc sắc: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”.
Tranh của Trần Quốc Long mạnh chất biểu biện, có khi một tư thế anh vẽ đến 7-8 bức, sau đó xem lại, ưng ý bức nào thì giữ, không thì hủy bỏ. Anh như muốn nhanh chóng nắm bắt cho được các khoảnh khắc, trong khi sơn mài “muốn nhanh thì phải từ từ”, một trạng thái khá mâu thuẫn.
Vẽ là cách vượt lên chính mình
Xuất thân trong một gia đình ngư dân ở Bắc Trung bộ, quanh năm dãi dầu sương gió, nên cha mẹ Trần Quốc Long có lý do chính đáng để tin rằng hội họa là công việc của “con cháu nhà giàu”. Bằng tình yêu thương và lo nghĩ về tương lai, họ mong muốn con mình có được công việc cụ thể, ổn định hơn.
Thế nhưng Trần Quốc Long chưa thấy công việc nào cụ thể, vững vàng hơn là vẽ tranh, anh đã mất cả 10 năm bươn chải, làm đủ thứ việc để được học mỹ thuật.
Triển lãm cá nhân 3.600 ngày là một chứng thực cho hành trình này. Sau đó anh mất thêm một quãng thời gian dài để có được ý tưởng và kỹ thuật vẽ Hoa về trong đêm.
Trần Quốc Long khá vững vàng về kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, vì chỉ muốn nắm bắt các khoảnh khắc biểu hiện, nên khi thấy vẽ vừa đủ, vừa “quen tay” là Trần Quốc Long thay đổi ý tưởng, đề tài, cách thức biểu hiện. Cho nên, loạt tranh Hoa về trong đêm chỉ có gần 50 bức, sau triển lãm này sẽ là một kiểu tự họa khác.
Vì yêu vẽ đến cuồng dại, nhưng lại mau chán cách thức biểu hiện mà bản thân vất vả mới tìm ra, hành trình đã qua và sắp đến của Trần Quốc Long luôn hứa hẹn sự tìm tòi, đổi mới. Vì vậy, mỹ thuật Việt Nam đang dần hiện ra một họa sĩ sơn mài có cá tính riêng và trạng thái tinh thần mới.
Bán xe để theo đuổi sơn mài Trần Quốc Long sinh 1981 tại một bán đảo ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hiện sống và làm việc tại Đà Lạt. Ngày 29/11/2014, khi còn là sinh viên năm cuối Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh làm triển lãm cá nhân đầu tiên, lấy tên 3.600 ngày. Đây chính là số ngày mà anh theo đuổi con đường nghệ thuật tại Hà Nội. Từ năm 2015 tới nay anh dành rất nhiều thời gian cho sự tìm tòi và trau dồi kỹ thuật sơn mài. “Sau khi tốt nghiệp phổ thông, dù không được sự đồng thuận của gia đình, nhưng tôi vẫn quyết tâm đeo đuổi hội họa. Tôi trốn nhà ra Hà Nội, lần mò tìm đến xưởng vẽ, các trung tâm nghệ thuật tạo hình, trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam để tìm hiểu việc thi cử. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Để đeo đuổi nghệ thuật sơn mài, tôi từng bán cả chiếc xe máy - tài sản duy nhất tôi có lúc đó, để lấy tiền sáng tác. Tôi không thấy buồn khi tôi nghèo khó, vì tôi có tình yêu với tranh sơn mài” - Trần Quốc Long chia sẻ. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất