Trần Thị Thủy - giải Nhất 'Duyên dáng áo dài': Đi du lịch nước ngoài cũng muốn mặc áo dài

22/03/2016 06:32 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cuộc thi Duyên dáng áo dài 2016 vừa khép lại hôm 20/3, đây cũng là sự kiện kết thúc chuỗi sự kiện Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 3. Kết quả, giải nhất cá nhân thuộc về thí sinh đến từ Hội Liên hiệp thanh niên quận 10, thí sinh Trần Thị Thủy (SBD 84).

Trần Thị Thủy sinh năm 1994 tại Nam Định, gia đình hiện sinh sống tại Đăk Nông. Đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM. “Em không nghĩ mình có thể hoàn thành tốt các phần thi và được giải cao như vậy”, Trần Thị Thủy cho biết.

* Vậy thì sự bất ngờ này có làm thay đổi hay xáo trộn cuộc sống hiện tại của bạn?

- Sau cuộc thi em nhận được nhiều lời chúc mừng từ mọi người. Em cảm thấy rất vui vì điều đó. Em chưa cảm thấy sự xáo trộn trong cuộc sống. Dự định của em là sẽ tiếp tục công việc học hành của mình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.


Trần Thị Thủy trong đêm đăng quang 20/3

* BTC năm nay quy định: “không phân biệt tuổi tác giữa các thí sinh”, những thí sinh lớn tuổi cùng thi đấu với những cô gái còn rất trẻ trên sân khấu. Dưới góc độ là một thí sinh, bạn nghĩ gì?

- Áo dài là trang phục duy nhất được chấp nhận của cả người già lẫn trẻ, không những được phái đẹp yêu mến mà cả phái mạnh cũng phải trầm trồ. Áo dài dành cho tất cả mọi lứa tuổi nên việc BTC quy định như vậy là khá thú vị. Điều đó đã được chứng mình bằng việc có rất nhiều các cô chú lớn tuổi và cả các em nhỏ dự thi. Đó là sự thành công của chương trình.

* Bản thân là một người được vinh danh trong cuộc thi trang phục truyền thống, bạn nghĩ gì về việc mặc áo dài trong đời sống hiện nay?

- Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, đã là quốc phục trong lòng nhiều người. Hiện nay rất nhiều nhà thiết kế có thể cập nhập xu hướng thời trang để sáng tạo các cách điệu hiện đại.

Việc cách tân chiếc áo dài cũng là nhằm phù hợp với cuộc sống hiện đại. Áo dài cách tân tạo ra sự năng động và tiện dụng cho người mặc. Việc cách tân chiếc áo dài cũng nhằm phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng theo em, dù có cách tân nhưng vẫn nên giữ được nét truyền thống vốn có của nó.

Em ấn tượng với sự dịu dàng, kín đáo, tế nhị của chiếc áo dài. Kiểu dáng áo dài phần thân trên đã được ôm sát để tôn ngấn cổ trắng, bờ vai, khuôn ngực, vòng eo rất dịu dàng. Phần thân dưới tha thướt kín đáo với quấn quýt tà áo cùng hai ống quần rộng. Nó vừa thể hiện sự kín đáo nhưng vẫn tôn lên được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

* Bạn có nghĩ là thời gian tới mình sẽ làm gì để tiếp tục tôn vinh chiếc áo dài?

- Trong các sự kiện, các lễ hội, các hoạt động cộng đồng em sẽ ưu tiên lựa chọn áo dài là trang phục khi tham gia các hoạt động đó. Nếu có điều kiện đi du lịch nước ngoài em cũng muốn được khoác lên mình chiếc áo truyền thống của Việt Nam. Bật mí với anh, hiện tại em đã sưu tập được cho mình gần 20 chiếc áo dài.

Lê Nguyên Bằng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm