27/06/2017 05:59 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - V-League tuần rồi, sự việc Sầm Ngọc Đức phang thẳng chân Anh Hùng, CĐV Hải Phòng náo loạn sân Mỹ Đình và vỏn vẹn có 200 khán giả dự khán trận Sài Gòn FC - XSKT Cần Thơ trên SVĐ Thống Nhất được xem là điểm nóng. Thế nhưng, những điểm nóng ấy lại là chuyện thường ngày của sân cỏ nội.
Trước Sầm Ngọc Đức, V-League đã có đầy những tấm gương như Chí Công, Samson, Đình Đồng, Huy Hoàng...
Khi V-League chưa ra đời, thế hệ thầy của những người này không ít người cũng nổi tiếng với những ngón nghề tiểu xảo, chơi rắn. Đỉnh cao của các hành động nhằm thẳng đối thủ mà phang thời tiền V-League là cuộc đối đầu SLNA - Thể Công, cách đây hơn 20 năm, rồi màn loạn đả giữa Công an TP.HCM (cũ) và Đồng Tháp ở Cao Lãnh... Bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng và bạo lực, hoặc các biểu hiện bạo lực ở đâu và thời nào cũng có. Đó đơn thuần là các tình huống bóng khi cầu thủ không giữ được trạng thái tâm lý cân bằng, sau một hoặc vài biểu hiện bị khiêu khích, nóng mắt và thế là đầu chẳng nghĩ được gì ngoài chuyện... phải đánh!
Pha vào bóng của Ngọc Đức (Hà Nội FC) nhằm thẳng chân Anh Hùng (Hải Phòng) có thể là một trường hợp như thế. Nhưng, điều nguy hiểm và đáng sợ hơn nhiều, đấy là khi cầu thủ (và đội bóng) vào trận với tư tưởng chủ đạo triệt hạ đối thủ vì áp lực thành tích. Hoặc đơn giản, bạo lực rất nhiều nhưng BTC chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Sau tất cả, sẽ lại có những án phạt (nguội) được đưa ra và cầu thủ sẽ tỏ thái độ ăn năn, hối hận để rồi đâu lại vào đó.
Cũng như việc khán giả làm loạn chỉ bị phạt cho chiếu lệ, không triệt được tận gốc. Nhân danh tình yêu, bao năm qua CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng và quậy tưng các khán đài, thậm chí trên cả đường di chuyển. Và một suy nghĩ nghe cũng rất bùi tai, rằng bóng đá là thế và nếu V-League thiếu các CĐV Hải Phòng hay Nghệ An, nó cũng như “bữa cơm thiếu món mặn”. Kéo khán giả đến sân đã khó, nhưng đến sân mà không cổ động, không quậy thì thà ở nhà xem tivi. Chính cái suy nghĩ này mà BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia còn đang mang một nỗi tủi hổ còn lớn hơn là tổ chức giải mà không ai thèm đến sân xem.
Ở góc độ khác, trận đấu bạc tỷ giữa CLB Sài Gòn và XSKT Cần Thơ trên sân Thống Nhất cuối tuần qua, tính gộp tất cả các bộ phận làm nhiệm vụ, cầu thủ - BHL 2 đội và khán giả, chỉ tầm 200 người. Bóng đá chuyên nghiệp mà thua cả giải phong trào, dưới góc độ khán giả. Đây là 2 trong số các đội bóng ít CĐV bậc nhất V-League, đã đành, nhưng đến ngay cả khán giả trung lập ở thành phố đông dân nhất nước, cũng chả màng tới. Câu trả lời dành cho nhà tổ chức, VPF và VFF.
Không giải đấu nào không mang những tồn tại, bởi nếu không còn tồn tại, sẽ không có động lực để phát triển, không có tồn tại, thì đích thị phải ở thiên đàng. Song song với đó, người làm giải, làm bóng đá phải đưa ra kiến giải, thay vì bưng bít, tặc lưỡi cho qua. Một phần chức năng báo chí là phản ánh sự việc, và nhiều lần, chúng tôi cũng mạo muội đưa kiến giải, định hướng..., song vấn đề là nhà tổ chức không những không lắng nghe một cách cầu thị, mà còn nghĩ và làm ngược theo nhóm lợi ích.
Các vấn đề “xưa như trái đất, biết rồi khổ lắm” nhưng... vẫn phải nói, phải viết, đấy cũng là việc chẳng đặng đừng.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất