11/02/2013 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Huyền sử dân tộc truyền rằng, các vua Hùng dựng nước Văn Lang đến nay hơn bốn ngàn năm. Tuy nhiên sự ghi chép rõ ràng phải kể từ Đinh Tiên Hoàng xây nền tự chủ làm vua nước Đại Cồ Việt. Các triều đại chính thống: Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn nối tiếp ngàn năm sau…
* Năm Quý Tỵ 993 (Hưng Thống năm thứ 5)
Triều Tống chính thức bang giao công nhận Lê Hoàn làm vua nước Đại Cồ Việt (Giao Chỉ quận vương), mặc dù trước đó, Lê Hoàn đánh bại quân Tống để lên làm vua (mở đầu nhà Tiền Lê) thay thế nhà Đinh từ năm 980.
Lợi dụng tình hình rối ren ở Đại Cồ Việt sau khi Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, Đinh Toàn lên làm vua mới 6 tuổi, nhà Tống nhân cơ hội đưa đại quân sang xâm chiếm, lấy lý do là “đến cứu”… nhưng đã chuốc lấy thất bại thảm hại, trong đó trận thảm bại đáng nhớ nhất của quân Tống là ải Chi Lăng và trận chiến sông Lục Đầu. Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương, sứ thần Tống còn làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống (Wikipedia).
Đền thờ Lê Đại Hành (Lê Hoàn) có ở rất nhiều địa phương miền Bắc. Ảnh: Ngọc Viễn |
* Năm Quý Tỵ 1293 (Hưng Long năm thứ 1)
Tháng 3, vua Trần Nhân Tông sau hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, quyết định nhường ngôi cho hoàng thái tử Thuyên (Trần Anh Tông) để làm thái thượng hoàng.
Vua Nhân Tông vốn có chí xuất gia từ nhỏ, nhưng không được vua cha chấp thuận. Sau khi lãnh đạo quân dân chiến thắng giặc Nguyên Mông, ngài nhường ngôi cho con để có thì giờ nghiên cứu Phật pháp, sau đó quyết định vào tu ở núi Yên Tử. Ngài đã thể hiện tinh thần giải thoát đối với quyền uy, danh vọng. Trong thời gian tu hành, ngài đi khắp nước, sang tận Chiêm Thành để hoằng dương Phật pháp, xây dựng hòa bình. Dân tộc Việt đã tôn xưng ngài như một vị Phật.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang |
* Năm Quý Tỵ 1353 (Thiệu Phong năm thứ 13)
Biên giới phía Nam giặc cướp nổi dậy, triều đình cử Trương Hán Siêu, một danh nho đương thời làm quan hết sức liêm khiết và cương trực, vào trấn thủ vùng đất biên cương Châu Hóa (Thừa Thiên-Huế), giữ cho vùng ấy được yên.
Trương Hán Siêu vốn là danh sĩ đời Trần, người cố vấn chính của Trần Hưng Đạo trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên. Ông cũng là tác giả Bạch Đằng Giang phú được xem là áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học yêu nước Việt Nam, chứa chan niềm tự hào dân tộc: …Giặc tan muôn thuở thái bình/Tại đâu đất hiểm, bởi mình đức cao.
* Năm Quý Tỵ 1413 (Trùng Quang năm thứ 5)
Quân Minh chiếm nước ta, vua Trùng Quang và triều đình chạy vào Châu Hóa. Tướng giặc Trương Phụ đem quân đuổi theo, bắt được vua và các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị giết chết, nhà Trần chấm dứt.
Than ôi, một trăm năm trước tổ tiên họ Trần oanh liệt vẻ vang chiến thắng Nguyên Mông. Đến nay con cháu hư hỏng, khiến cho cơ nghiệp tổ tông tan nát, đất nước phải chịu cái nhục trở thành quận huyện của phương Bắc hơn 20 năm!
* Năm Quý Tỵ 1473 (Hồng Đức năm thứ 4)
Mùa Xuân, vua cùng triều đình làm lễ cày Tịch điền để tỏ ý khuyến khích nhà nông. Vua ban chỉ dụ: “Một thước núi, một tấc sông của nước ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Các ngươi phải cương quyết giữ gìn chớ để bọn giặc lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lý gian. Nếu ai dám đem một thước một tấc non sông của tổ tiên làm mồi cho giặc thì tội phải giết chết”.
Lễ Tịch điền được tiến hành đầu tiên dưới thời vua Lê Đại Hành. Tương truyền vào năm 987, khi Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày đã đào được một hũ vàng. Năm 988, vua cày ở Bàn Hải lại được một hũ bạc, vì vậy hai thửa ruộng trên được đặt tên là “Kim ngân điền” (theo Lịch sử Việt Nam bằng tranh của Trần Bạch Đằng và Việt Sử giai thoại quyển 4 của Nguyễn Hữu Thuần). Đến thời Lý - Trần, các lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa Xuân. Từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Năm 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam (ông Nguyễn Minh Triết) mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam).
Chủ tịch nước đi cày trong lễ Tịch Điền đầu năm mới. Ảnh: Hà Trung |
* Năm Quý Tỵ 1533 (Nguyên Hòa năm thứ 1)
Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh dòng dõi nhà Lê, tôn lên làm vua (tức Trang Tông Dụ hoàng đế), phất cờ kêu gọi nhân dân “phò Lê, diệt Mạc”. Từ đây mở ra thời kỳ “Nam - Bắc triều”, gây nên cuộc nội chiến lâu dài, tranh giành quyền lực thống trị giữa các họ Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn, chia cắt đất nước hơn hai trăm năm.
Nho giáo đề cao lý tưởng trung quân, về sau nho sĩ đồng hóa vua với nước. Chính sự mê tín đó đã gây họa rất lớn mỗi khi có sự thay đổi triều đại, khiến cho cả dân tộc rơi vào cảnh chiến tranh - nội loạn, đất nước suy tàn gặp nạn ngoại xâm.
* Năm Quý Tỵ 1593 (Quang Hưng năm thứ 16)
Tiết chế Trịnh Tùng dẫn đại quân ra Bắc đánh thắng nhà Mạc, rước vua Lê trở về Thăng Long ngự chính điện ban thưởng công thần, đại xá thiên hạ. Nguyễn Hoàng được tấn phong Thái úy Đoan Quốc công, trở thành chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong
Lấy chiêu bài phù Lê, mà hai họ Trịnh - Nguyễn câu kết với nhau để diệt Mạc. Nhưng khi thành công vua Lê bị biến thành tượng gỗ ngồi trên ngai vàng. Quyền hành trị nước lọt vào tay hai họ Trịnh - Nguyễn chia nhau.
* Năm Quý Tỵ 1653 (Thịnh Đức năm thứ 1)
Chúa Nguyễn Phước Tần mở mang đất đai đến vùng Phan Rang lập thành dinh Thái Khang.
Trong cái rủi, hóa ra cũng được cái may. Để tồn tại xây dựng cơ nghiệp, các chúa Nguyễn đã nỗ lực khai phá vùng đất phương Nam nhanh chóng. Nhờ đó mới có một nước Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay.
Đất phương Nam được các chúa Nguyễn mở mang khai phá |
* Năm Quý Tỵ 1773 (Cảnh Hưng năm thứ 34)
Quân khởi nghĩa Tây Sơn chiếm được thành Quy Nhơn mở đầu cho sự sụp đổ của triều đình chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tiếp theo là cuộc nội chiến tranh giành ngai vàng cho đến năm 1802 mới chấm dứt.
Tám đời chúa Nguyễn gầy dựng cơ nghiệp đến đời chúa thứ chín là Nguyễn Phúc Thuần bị quyền thần thao túng. Khiến cho triều đình thối nát, quan lại tham nhũng tràn lan. Nhân dân hết sức phẫn uất. Nhờ đó, ngọn cờ Tây Sơn khởi nghĩa vừa phất lên thì hàng vạn dân nghèo hưởng ứng phá đổ cơ đồ họ Nguyễn.
* Năm Quý Tỵ 1833 (Minh Mạng năm thứ 14)
Nhiều cuộc nổi dậy chống lại triều đình Huế, nhưng đặc biệt quan trọng là cuộc biến loạn Lê Văn Khôi ở miền Nam (1833 - 1834), gây tổn thất nghiêm trọng cho đất nước.
Chính sách phân quyền của vua Gia Long đến thời Minh Mạng thì bị bãi bỏ. Vua Minh Mạng muốn xây dựng một chế độ quân chủ tập quyền chuyên chính. Nên nông dân bắt đầu nổi dậy từ Bắc vào Nam. Kết quả, không lâu sau khi vua Minh Mạng mất, triều Nguyễn phải đối đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.
* Năm Quý Tỵ 1953
Kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, cách mạng thành công chấm dứt chế độ quân chủ, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1953, Luật Cải cách ruộng đất được ban hành với mục tiêu xóa bỏ văn hóa phong kiến, đem lại đất đai cho người lao động.
Sau 3 năm tiến hành (1953-1956), cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến, tuy nhiên việc thực hiện áp đặt, giáo điều cũng gây ra không ít phương hại. Một năm sau đó, 1957, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhanh chóng tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự - tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.
* Năm Quý Tỵ 2013
Việt Nam đang đối đầu với nhiều khó khăn thử thách của thời đại để giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước. Hướng ra biển Đông, chúng ta ngâm lớn bản Tuyên ngôn của tổ tiên:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở |
(Tương truyền bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt đọc lên để khích động quân sĩ chống giặc Tống vào năm 1076, tại cửa sông Như Nguyệt).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất