Hitler đã đánh cướp ý nghĩa của biểu tượng thập ngoặc ra sao

24/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trong thế giới phương Tây, thập ngoặc thường được xem là biểu tượng của chủ nghĩa phát xít. Nhưng thực tế biểu tượng này đã có lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp trong nhiều nền văn hóa thế giới, trước khi bị chủ nghĩa phát xít Đức bôi bẩn.

Thập ngoặc trong tiếng Phạn cổ của Ấn Độ có ý nghĩa “sự tốt lành” và “may mắn”. Biểu tượng này đã được người theo Hindu giáo, Phật giáo và đạo Jain sử dụng trong cả thiên niên kỷ.

Đã từng khiến phương Tây mê mệt

Những người phương Tây đầu tiên tới châu Á, được truyền cảm hứng từ ý nghĩa tích cực của thập ngoặc, đã đưa nó vào văn hóa phương Tây. Giai đoạn đầu thế kỷ 20, người ta thi nhau sử dụng biểu tượng thập ngoặc, coi đây là dấu hiệu của sự may mắn, thuận lợi, hanh thông.

Trong cuốn sách mới phát hành mang tên The Swastika: Symbol Beyond Redemption, nhà văn Mỹ và là chuyên gia thiết kế đồ họa Steven Heller cho biết thập ngoặc đã từng xâm nhập rất sâu vào văn hóa phương Tây thời hiện đại. "Coca-Cola sử dụng biểu tượng này. Carlsberg cũng dùng nó trên các vỏ chai bia. Tổ chức Girls’s Club of America gọi tạp chí chính thức của họ là Thập ngoặc. Họ cũng từng gửi các phù hiệu mang biểu tượng thập ngoặc tặng các độc giả trẻ” – ông nói.


Rất nhiều công ty Mỹ, gồm hãng Coca Cola danh tiếng, đã từng dùng biểu tượng thập ngoặc

Thập ngoặc thậm chí còn được nhiều đơn vị quân đội Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ 2. Tới tận cuối năm 1939, biểu tượng này vẫn xuất hiện trên thân các máy  bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên việc dùng thập ngoặc thực tế đã giảm dần trong những năm 1930, khi đảng Quốc xã vươn lên cầm quyền ở Đức.

Những kẻ theo đường lối phát xít ở Đức lấy thập ngoặc làm biểu tượng, do nó xuất hiện trong một tác phẩm của các học giả Đức sống vào thế kỷ 19. Các học giả này đã dịch một số văn tự cổ của người Ấn Độ và thấy sự tương đồng mạnh mẽ giữa tiếng Đức với tiếng Phạn cổ. Họ kết luận rằng người Ấn Độ và người Đức hẳn đã có một tổ tiên chung. Họ tưởng tượng ra một giống nòi có nguồn gốc như các vị thần, còn được gọi là giống người Aryan thượng đẳng.

Ý tưởng này đã được đảng Quốc xã mang tư tưởng bài Do Thái sử dụng. Họ coi thập ngoặc như biểu tượng đại diện cho giống nòi Aryan, là bằng chứng đầy kiêu hãnh về cái gốc thượng đẳng của mình.  Về sau này, lá cờ với thập ngoặc màu đen nằm trong một hình tròn màu trắng, đặt trên cái nền màu đỏ, đã trở thành biểu tượng bị căm ghét nhất Thế kỷ 20. Nguyên nhân cũng chỉ vì nó khiến người ta nhớ tới các tội ác man rợ diễn ra dưới thời phát xít cầm quyền ở Đức.

Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, biểu tượng thập ngoặc đã bị cấm sử dụng ở nước này. Năm 2007, Đức từng đề nghị cấm biểu tượng thập ngoặc trên toàn cõi Liên minh châu Âu, nhưng không thành.


Con chim làm từ ngà voi ma-mút, với biểu tượng thập ngoặc trên thân, đã được chế tác từ cách đây 15.000 năm

Không thể khôi phục ý nghĩa tốt đẹp ban đầu

Điều nghiệt ngã là biểu tượng thập ngoặc có cái gốc nằm trong văn hóa châu Âu lớn hơn người ta đã tưởng. Nếu ai đó muốn tìm hiểu xem biểu tượng thập ngoặc gốc rễ ăn sâu tới đâu ở châu Âu, nơi tốt nhất để họ nghiên cứu là Kiev, Ukraine, với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ukraine đang lưu giữ rất nhiều hiện vật quý hiếm.

Giá trị nhất là một mẩu ngà voi, được chạm khắc thành hình một con chim mái. Mẩu ngà này được tìm thấy ở di chỉ khu định cư Mezin, nằm gần biên giới Nga, vào năm 1908.  Phần ức con chim được khắc một biểu tượng thập ngoặc rất rõ ràng. Đây được xem là biểu tượng thập ngoặc cổ nhất thế giới, mang ý nghĩa về sự sinh sản. Hoạt động đo đạc bằng carbon phóng xạ cho thấy nó có niên đại lên tới 15.000 năm tuổi.

Các hình thập ngoặc cũng bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Vinca thuộc thời đồ Đá mới nằm tại khu vực Đông Nam Âu cách đây 7.000 năm. Nhưng phải tới thời đồ Đồng, biểu tượng này mới được dùng rộng rãi trên khắp châu Âu.

Trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ukraine, người ta thấy những chiếc nồi đất với biểu tượng thập ngoặc trên thân, có niên đại cách đây 4.000 năm. Khi phát xít Đức chiếm Kiev trong Thế chiến 2, lực lượng này tin rằng các nồi đất là bằng chứng về sự tồn tại của các tiền nhân Aryan nên đã mang chúng về Đức (các nồi đất đã được trả lại sau chiến tranh).

Các hiện vật có trong bảo tàng cho thấy ngoài Ukraine, người Hy Lạp cổ cũng dùng mô-típ thập ngoặc để trang trí các bình và vại gốm của họ. Có lẽ hiện vật gây ngạc nhiên lớn nhất trong bảo tàng là một mảnh vải có niên đại thuộc thế kỷ 12, thuộc về phần cổ áo một công chúa người Slavơ, với nhiều biểu tượng thập giá và thập ngoặc để xua đuổi quỷ dữ.

Thập ngoặc tiếp tục là biểu tượng phổ biến ở Đông Âu và Nga cho tới tận Thế chiến 2. Ở Tây Âu, việc dùng thập ngoặc cũng được tìm thấy tại nhiều nơi như Hòn đá thập ngoặc thời đồ Đồng nổi tiếng ở Ilkley Moor, Yorkshire.

Một số người nghĩ rằng lịch sử lâu dài này của thập ngoặc ở châu Âu có thể giúp khôi phục ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của biểu tượng.  Nhưng việc này đã vấp phải sự phản đối dữ dội trong  công luận. Ông Freddie Knoller, một người sống sót sau thảm họa diệt chủng Do Thái, nay đã 93 tuổi nói:

“Với người Do Thái, chữ thập ngoặc mãi mãi là biểu tượng của sự sợ hãi, của sự đàn áp và diệt chủng. Đó là điều sẽ không thể nào thay đổi được”.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm