Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã bước sang năm thứ 3 và không còn xa lạ với những người yêu Hà Nội nữa. Đây là một Giải thưởng thuộc lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật, có tính xã hội hóa cao, được lập ra từ năm 2008 theo sáng kiến của gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa, thuộc Thông tấn xã Việt Nam.
Giải thưởng này vừa nhằm tôn vinh sự nghiệp của họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái vừa có ý nghĩa tiếp nối tấm lòng gắn bó sâu nặng với Hà Nội của ông với các thế hệ mai sau. Giải thưởng chia làm 4 hạng mục, được trao hàng năm, vào dịp sinh nhật của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1/9), bao gồm:
1) Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội dành cho một tác giả tiêu biểu; 2) Giải về Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội (văn, thơ, nhạc, họa, múa, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc); 3) Giải về Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội dành cho các ý tưởng, đề xuất độc đáo, có ý nghĩa sâu rộng đối với Thủ đô văn hiến, có tính khả thi cao; và 4) Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội dành cho các hoạt động hoặc việc làm có giá trị, gắn bó với các mặt đời sống tinh thần và vật chất của người Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội.
Năm nay, là năm đánh dấu mốc son thật đặc biệt đối với Thủ đô - Năm diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long, và do đó, các tác phẩm, công trình hay những việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” cũng có điều kiện được đề xuất rộng rãi hơn và xem xét phong phú, đa dạng hơn, cả về số lượng và chất lượng. Có thể nói, tâm huyết của tất cả mọi người tích lũy cho mốc son nghìn năm của Thăng Long, ngỡ như đang cùng được nén lại, cùng chọn một điểm đến, dồn về những ngày đầy ý nghĩa này. Cho nên Ban Tổ chức cũng như Hội đồng Giám khảo, xét trên một khía cạnh nào đó, tuy có khả năng khá dồi dào để kiếm tìm các dự kiến đề cử vào Giải thưởng, thì mặt khác, lại vô cùng khó khăn trong việc cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm gút lại danh sách đề cử chính thức, và nhất là trong việc quyết định cho được chính xác các giải thưởng.
Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng Giải thưởng vốn không phải là kết quả chấm thưởng trao cho một cuộc thi gồm các bài có sẵn gửi đến BTC, mà theo đúng Quy chế xác lập từ ban đầu, là tập hợp các đề xuất bất kỳ, được bình chọn công khai, được đề cử vô tư, hết sức rộng rãi, từ những người sáng lập ra Quỹ Bùi Xuân Phái, cho đến các thành viên BTC và HĐGK của Giải, cũng như của tất cả công chúng, của mọi người yêu Hà Nội. Ai cũng có quyền bình đẳng đề cử những Tác giả, Tác phẩm, Ý tưởng và Hoạt động - Việc làm thể hiện một tình yêu Hà Nội, mà mình xét thấy là xứng đáng. Trên cơ sở những đề cử rộng rãi đó, HĐGK sẽ tập hợp lại, nghiên cứu, thảo luận, trao đổi dân chủ và thẳng thắn, cân nhắc toàn diện và công tâm, để tiến tới định giải theo các tiêu chí đã được đề ra trong Quy chế giải thưởng đã được công bố.
Với 4 hạng mục giải thưởng như đã trình bày ở trên, năm nay, BTC và HĐGK đã chốt lại được 23 đề cử đưa vào danh sách chính thức để HĐGK xem xét, thảo luận và chấm điểm. Con số 23 này chắc chắn cũng chưa hẳn là cuối cùng, có thể coi đây chỉ mới là tập hợp ở mức cao nhất những gì đã được thể hiện ra từ một “Tình yêu Hà Nội” hãy còn rất nhiều tiềm ẩn, trải khắp mọi miền đất nước, cũng như ở nước ngoài, mà BTC và HĐGK chưa thể có điều kiện tìm hiểu và thu thập hết. Hy vọng rằng, những năm sau, vẫn kiên trì với cách làm này, các đề cử tiếp theo sẽ còn cho chúng ta thấy những biểu hiện đẹp đẽ, cao cả, các khả năng tìm tòi phong phú, đa dạng… ở nhiều khía cạnh bất ngờ khác nữa, của một tình yêu lớn vẫn luôn luôn thường trực trong trái tim mỗi chúng ta, đối với Thủ đô thân yêu.
Danh sách các đề cử đã được công bố cho Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu HN” năm 2010. (Sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên)
I. Đề cử Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội: 1. Nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung 2. Nhà nghiên cứu Giang Quân 3. Nhà văn Tô Hoài.
II. Đề cử Giải Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội:
1. Tác phẩm "Con đường gốm sứ" dọc bờ đê sông Hồng 2. Loạt phim "Ký sự Thăng Long" (hơn 100 tập do Công ty Truyền thông Dolphin và VTV hợp tác sản xuất). 3. Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" (với khoảng 90 đầu sách) của NXB Hà Nội. 4. Bức tranh Sơn dầu khổ lớn "Hà Nội, chiến lũy và hoa" của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. 5. Tác phẩm hợp xướng trống đồng “Ngàn năm Thăng Long – Nổi trống Lạc Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Cường 6. Chương trình viết và dựng phim về 100 nhân vật Hà Nội mang tên "Người Hà Nội – hội tụ nghìn năm". 7. Chương trình giao hưởng và concerto, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của nhạc sĩ Vĩnh Cát, với chủ đề "Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội thủ đô yêu dấu". 8. Bức tranh thêu khổng lồ "Cội xưa" (170m2) của họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài và các nghệ nhân làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình). 9. Cuốn sách ảnh chuyên đề về Hà Nội của nghệ sĩ Đức Lợi. 10. Cuốn sách “1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha 11. Bức tranh thêu khổ lớn mang tên “Ước nguyện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” của các nghệ nhân Công ty XQ Việt Nam.
III. Đề cử Giải ý tưởng- Vì tình yêu Hà Nội: 1. Đồ án Cung đường Hòa Bình 2. Dự án cải tạo phố Tạ Hiện. 3. Dự án Chiếu sáng cầu Long Biên do Hội cựu quân nhân Singapore đề xuất và đầu tư. 4. Đề án xây dựng Bức tường danh nhân của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn. 5. Ý tưởng về chương trình Festival Cầu Long Biên của bà Nguyễn Nga – giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật.
IV. Đề cử Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: 1. Nhóm các tác giả và chuyên gia đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được bộ hồ sơ đề cử, để Khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. 2. Bà cụ mua gạo nuôi chim trời với tấm lòng yêu thiên nhiên và ý thức gìn giữ môi trường sinh thái Thủ đô. 3. Cuộc ra quân xóa rác tường Hà Nội (Xóa quảng cáo rao vặt trái phép) 4. Chương trình cải tạo, làm sạch các hồ ở Hà Nội.
Phân tích các đề cử và thống nhất danh sách các giải thưởng
1. Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội dành cho Tác giả.
Năm nay, có ba tác giả được đề cử: Nhà nghiên cứu Giang Quân, nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung và nhà văn Tô Hoài.
Với gia tài gồm 30 cuốn sách về Hà Nội (in riêng) và 50 cuốn sách khác, nếu kể cả các cuốn in chung; riêng trong dịp Đại lễ 1.000 năm sắp tới này, nhà văn và nhà nghiên cứu Giang Quân đã cho ra mắt hoặc tái bản tới 8 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn đã được tái bản nhiều lần. Riêng 2 cuốn Ký sự địa chí Hà Nội và Từ điển đường phố Hà Nội mới hoàn thành vài năm gần đây đã khẳng định tên tuổi ông ngang hàng với các nhà nghiên cứu lâu năm có vị trí xứng đáng về lịch sử - văn hóa Hà Nội.
Cũng nghiên cứu về Hà Nội, nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung cũng có tới 50 đầu sách về Thăng Long – Hà Nội. Ông có vốn hiểu biết khá sâu và chi tiết về các vấn đề văn hóa Hà Nội, do công phu tích lũy nhiều năm, có cách viết dí dỏm và bay bướm, làm các trang sách nghiên cứu của ông không khô khan mà còn đậm chất văn học…
Cùng với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Giang Quân và nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung cũng như một số các nhà nghiên cứu tâm huyết khác, gần như đã dành trọn sự nghiệp đời mình cho các công trình nghiên cứu về Hà Nội, thực sự rất đáng được biểu dương và tôn vinh.
Song năm nay, ở hạng mục Giải thưởng Lớn còn có một đề cử quan trọng nữa: đó là nhà văn Tô Hoài, một nhà văn đã gắn bó với Hà Nội suốt cả cuộc đời, năm nay đã bước qua tuổi 90. Nhà văn Tô Hoài là một tên tuổi không thể có ai thay thế được trong văn học Việt Nam, mặt khác cũng có thể coi ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, về sức làm việc bền bỉ với trí tuệ mẫn tiệp hiếm có, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Thủ đô, là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội. Với sức làm việc phi thường, nhà văn đã có gần 150 tác phẩm lớn nhỏ, viết bao quát nhiều thể loại, viết cả cho đối tượng người lớn và thiếu nhi, ngòi bút lúc nào cũng giữ được nét độc đáo, sắc sảo, dí dỏm, trẻ trung, đồng thời luôn tuôn chảy, dồi dào và sung sức. Những trang văn Tô Hoài về Hà Nội vô cùng đậm đà và giàu chi tiết, hóm hỉnh và có phong thái riêng; ở đó bóng dáng, hồn cốt của một Hà Nội qua mấy thời đại hiện ra hết sức rõ nét, có cá tính, đầy những âm thanh và màu sắc đặc trưng. Trong mỗi chúng ta, hình như không ai lại không mang theo từ tấm bé hình ảnh cảm động và cao đẹp của chú Dế Mèn phiêu lưu khắp tứ xứ để rồi trở thành sứ giả của hòa bình và tình anh em; không ai không nhớ những nhân vật như vừa bước thẳng từ những xóm dệt nghèo xơ xác của vùng Nghĩa Đô xưa, những Xóm Giếng ngoại thành, những Cỏ dại và O chuột vào ngay những truyện ngắn, truyện dài của Tô Hoài. Rồi đến những mảnh đời trong Chuyện cũ Hà Nội làm ta thắt lòng, những trang hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều… lại nhớ chiều chiều ngổn ngang tâm sự một thời chưa xa.
Với nhiều gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cuộc đời và trong tâm hồn, có thể coi Tô Hoài cũng là một tạng nghệ sĩ độc đáo và tài hoa như mẫu người Bùi Xuân Phái, chỉ khác là ông đã vẽ nên một Hà Nội phố bằng giấy trắng mực đen và ngòi bút sắt, chứ không phải bằng toile và các mảng màu dầu, sơn dầu… Năm nay, dù sức khỏe có giảm sút, nhưng nhà văn vẫn viết các bài báo đậm chất thời sự - xã hội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa như Nhà Chử, Miếu Đồng Cổ, Mai An Tiêm… và viết lại các chuyện cổ tích hay của Việt Nam cho thiếu nhi, theo cách kể Tô Hoài…
Với những phân tích như trên, HĐGK đã đi đến quyết định sẽ trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nhà văn Tô Hoài vào năm nay, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Và cũng rất tiếc phải tạm lùi việc biểu dương và tôn vinh các ứng cử viên khác – dù cũng có nhiều thành tựu đồng đều và xứng đáng - cho tới các đợt trao Giải các năm sau, vì theo Quy chế của Giải, mỗi năm chỉ chọn ra có 1 Giải thưởng Lớn.
2. Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội
HĐGK có 11 đề cử các tác phẩm trong tay: Tác phẩm “Con đường gốm sứ” dọc bờ đê sông Hồng/ Loạt phim “Ký sự Thăng Long” / “Tủ sách 1000 năm văn hiến” / Bức tranh sơn dầu lớn Hà Nội, chiến lũy và hoa / Hợp xướng Trống đồng / Chương trình giao hưởng chào mừng Đại lễ 1000 năm TL – HN mang tên “Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội Thủ đô yêu dấu”/ Bức tranh thêu Cội xưa/ Chương trình 100 nhân vật Hà Nội / Cuốn sách ảnh về Hà Nội của nghệ sĩ Đức Lợi / Cuốn sách 1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha/ Bức tranh thêu “ Ước nguyện 1000 năm Thăng Long” của các nghệ nhân Công ty XQ.
Dù chưa thể thống kê hết những tác phẩm, công trình về Hà Nội trong thời gian qua (9/2009-8/2010 ), nhưng chỉ nhìn vào 11 đề cử này, ta cũng đã thấy rất nhiều những tác phẩm đặc sắc. Trước hết phải nói đến tác phẩm “Con đường gốm sứ” dọc bờ đê sông Hồng do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chủ trì. Con đường này đã gần như về đích sau một hành trình dài, và có thể nói là đã đạt kết quả khá ngoạn mục với việc hoàn thành hơn 6.000m2 tranh gốm, vượt mức đề ra, đã làm sống lại con đê bê tông xám xịt ven sông Hồng, biến nó thành một con đường trang trí của nghệ thuật mozaic rất thơ mộng và thanh thoát, lại đậm bản sắc dân dã của nghề trang trí gốm thủ công dân tộc, đồng thời có sự tham dự của 15 họa sĩ quốc tế… Mặc dù cũng còn một số ý kiến khác nhau trong dư luận, nhưng nhìn tổng thể và xét trên ý đồ và hiệu quả của hơn 6km đường đê phủ gốm, HĐGK đánh giá cao con đường gốm sứ lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với tư cách là một công trình nghệ thuật công cộng độc đáo và thân thiện với môi trường dân cư, có quy mô lớn đáng xếp vào kỷ lục Guinness. Với tình yêu Hà Nội cháy bỏng, chủ động đề xuất được sáng kiến, lại tự mình chủ trì công việc với hơn 100 nghệ nhân thi công vất vả, bền bỉ hơn 4 năm, cho đến khi hoàn thành, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thực sự đã thể hiện một tình yêu lớn, thực sự mãnh liệt, đối với Thăng Long –Hà Nội.
Bức tranh sơn dầu khổ lớn “Hà Nội chiến lũy và hoa” – một bản trường ca bằng tranh về cuộc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946, của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn, cũng được xem xét trân trọng và xứng đáng được tôn vinh. Họa sĩ thực sự đã dành vào đó cả tâm lực, trí lực, thay đổi bố cục và họa tiết nhiều lần cho đến khi ưng ý, đồng thời cũng tự đổ rất nhiều chi phí cho phương tiện, chất liệu, giá đỡ, khung tranh…trong 3 năm ròng rã để vẽ .
Tuy nhiên, vì 2 tác phẩm “Con đường gốm sứ” và “Hà Nội, chiến lũy và hoa” từ khi các tác giả mới làm dự án và phác thảo một phần, đã được HĐGK của Giải Bùi Xuân Phái năm 2008 chú ý và ghi nhận trân trọng với Tặng thưởng Vì tình yêu Hà Nội của năm đầu tiên rồi. Vì vậy, để cân đối với các đề xuất mới của năm nay, HĐGK phải cân nhắc rất kỹ nhằm tìm ra các yếu tố gì mới phát sinh, vượt hẳn lên ý tưởng, dự án và phác thảo cũ, thì mới có điều kiện tặng Giải một lần nữa; mục đích cũng là muốn làm sao biểu dương được cái mới trong nghệ thuật một cách đích đáng, không lặp lại, nhằm giữ vững giá trị và tiêu chí của Giải. Đặc biệt, trong năm nay, số tác phẩm được đề cử trong lĩnh vực này lại khá cao (11 tác phẩm ), nên 2 tác phẩm trên đành tạm phải để lại sau.
Loạt phim “Ký sự Thăng Long” hơn 100 tập, do VTV và Cty Dolphin hợp tác sản xuất, có nhiều cuốn phim ngắn lý thú và khám phá được nhiều nét đẹp Thủ đô cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, như các phim ngắn: Chuyện mái nhà Hát Lớn, Chuyện cây cầu bắc qua 3 thế kỷ, Chuyện đào Nhật Tân, Con gái phố cổ, Sông Tô Lịch xưa và nay…Tuy nhiên, để duy trì ưu điểm đó trên cả trên 100 tập phim không phải là điều dễ. Bộ sách tổng hợp khoảng 90 cuốn của NXB Hà Nội là một công trình đồ sộ và có ý nghĩa lớn chào mừng Đại lễ, chia làm nhiều mảng: chính trị, kinh tế, lịch sử, địa lý, văn hóa – xã hội và văn học – nghệ thuật. Có cả sách điện tử lần đầu tiên được biên soạn công phu và khoa học, đi kèm với sách in. Đây là một công trình được Nhà nước đặt hàng quy mô, huy động được nhiều nhà văn, nhà khoa học, các trí thức có tên tuổi… cộng tác, có giá trị về nhiều mặt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tủ sách mới chỉ mới in xong được khoảng 1/2, và cũng chưa thể có điều kiện để thẩm định toàn bộ Tủ sách.Vì vậy, tốt hơn hết cũng là phải hoãn lại, có thể lùi đến sang năm.
Chương trình biên soạn 100 gương mặt (nhân vật) Hà Nội tiêu biểu, với tiêu đề “Người Hà Nội hội tụ 1000 năm” là một sáng kiến hay cũng đang được thực hiện trên cơ sở nhiều kịch bản hấp dẫn và lý thú đã được gửi đến và đăng tải nhiều kỳ. Chương trình này cũng chưa hoàn thành và chưa thể có điều kiện tổng kết. Một số kịch bản đã được quay video clip thành chân dung, có tác phẩm đã được giới thiệu trên truyền hình và có tiếng vang khá rộng rãi.
Trong hai đề cử về tác phẩm Âm nhạc, “Hợp xướng Trống đồng” của nhạc sĩ Nguyễn Cường và hai tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Cát (Giao hưởng: “Không chỉ là huyền thoại” và bản concerto “Đây sông Hồng- sông Cái”) đều có những ưu điểm riêng. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã bỏ ra 18 tháng tâm huyết để hoàn thành 2 tác phẩm trên, và Đêm biểu diễn được dàn dựng rất hoành tráng tại nhà Hát Lớn Hà Nội (4/7/2010), có sự tham gia của nhạc trưởng người Nhật Shuichi Komiyama và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho công chúng và được dư luận báo chí, các nhà chuyên môn đánh giá cao. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã biết kết hợp trong các tác phẩm của mình chất liệu của dân ca Bắc Bộ, hòa nhập một cách xuất sắc vào âm hưởng của dòng nhạc bác học châu Âu, đạt đến độ nhuần nhuyễn và tạo ra sự bùng nổ mới mẻ trong giao thoa cũng như trong sự tương phản thú vị khi nhạc cụ dân tộc (như cồng chiêng) hòa vào dàn nhạc hiện đại một cách có chủ đích và tràn đầy cảm xúc.
Bên cạnh tác phẩm khí nhạc không lời ở dạng bác học của nhạc sĩ Vĩnh Cát, Hợp xướng Trống đồng của nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có cách khai thác mới mẻ, rất dân dã và rất riêng, để tạo ra một dòng thác âm thanh độc đáo, chưa hề có ở đâu, khi dám cho hợp tấu trên cả một dàn trống đồng, lần đầu tiên được các nghệ nhân của vùng đất văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa) đúc ra đúng 100 chiếc, kỷ niệm cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tác phẩm hợp xướng này đã có bản thu âm demo với quy mô ban đầu khiêm tốn (có khoảng 30 trống đồng, với 20 người hát, bằng 1/4 - 1/5 so với ý tưởng). Về chất lượng nghệ thuật của hợp xướng này, có thể tất cả chúng ta, cũng như giới chuyên môn sẽ có thêm những ý kiến, nhất là khi tác phẩm chính thức sẽ ra mắt vào Đêm đại lễ 10/10 tại Sân vận động Mỹ Đình tới đây. Nhưng từ phía HĐGK, chúng tôi đánh giá cao tính sáng tạo đột phá của nhạc sĩ Nguyễn Cường trong việc dám sử dụng hợp tấu trống đồng - một biểu tượng thiêng liêng của văn vật dân tộc, mà rất lâu nay nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là “vật thiêng” chứ không thể là “nhạc khí”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và một số cộng sự tiên phong khác đã có sáng kiến dám khai thác sức mạnh nhạc khí của trống đồng để “Nổi trống Lạc Hồng” trong dịp Đại lễ này. Phải có một tình yêu, sự năng nổ tìm tòi thể nghiệm và sức sáng tạo như thế nào, nhạc sĩ Nguyễn Cường, vốn nổi danh với các bài hát sử dụng các giai điệu khai thác từ dòng nhạc dân gian cổ truyền, lần này lại đầu tư hết tâm lực trí lực cho tác phẩm hợp xướng độc đáo, được nâng hẳn lên một tầm cao mới này? Tác phẩm muốn phác họa lại lịch sử kinh đô, xưa và nay hoà quyện. Tiếng trống tượng thanh lịch sử, gọi lớp lớp thế hệ cùng góp mặt, để hồn đất trời sông núi, anh linh các Vua Hùng và các triều đại cùng hội tụ về đất thánh. Giọng nam – nữ lĩnh xướng rền vang: “Mẹ mở nước, Cha giữ trời”, gợi truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ sống dậy. Nhạc sĩ như đang rưng rưng trước “Những nàng Mỵ nương mặt hoa, những nụ cười Lạc Hồng nghìn thuở”. Khi lặn lội về tận đất Tổ lấy cảm xúc, tác giả cũng đưa được vào tác phẩm điệu xoan Phú Thọ nhuần nhụy: “Hoa thơm tự rễ tự cành”. Hợp xướng như lời hát của những đứa con nghìn đời đất Việt tụ hội. Đặc biệt ở đoạn kết, cũng là cảnh tượng tâm linh mà Nguyễn Cường ước ao, tin tưởng sẽ được thấy sự hiển linh trên đất thánh: “Các Vua Hùng đã cùng cháu con về đây / Ngàn năm Thăng Long thắp lửa Lạc Hồng”.
Mặc dù cũng còn những ý kiến băn khoăn trong HĐGK vì tác phẩm này chưa thực sự được trình diễn trước sân khấu, nhưng qua những gì được tiếp cận, HĐGK ghi nhận thành tựu độc đáo của Nguyễn Cường, dám là người đầu tiên thể hiện được thành tác phẩm táo bạo: một hợp xướng trống đồng, một thể nghiệm sáng tạo, kết hợp với một dàn âm thanh đậm chất dân tộc .
Cùng với hợp xướng Trống đồng, HĐGK cũng ghi nhận một tác phẩm đặc sắc khác là Bức tranh thêu khổng lồ: Cội xưa của họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài hợp tác cùng các nghệ nhân làng nghề cổ Văn Lâm ở Ninh Bình. Bức tranh thêu rộng đến 170,5 m2, nếu căng lên trải dài suốt một hành lang 30m, một kỳ công làm trong 60.000 ngày công của hơn 100 nghệ nhân. Từng đường kim mũi chỉ, họ đã làm sống lại hình ảnh của Kinh đô Hoa Lư xưa trong sự gắn kết hết sức mật thiết với Kinh đô Thăng Long. Bức tranh thêu khổng lồ gồm 3 phần liên hoàn: Sự ra đời của Nhà nước Việt tập quyền đầu tiên / Các dấu tích lịch sử của cố đô Hoa Lư xưa / Các sự kiện dẫn đến Chiếu dời đô. Hình ảnh cầu Đông, cầu Dền, cột Nhất Trụ (chùa Một Cột), tháp Báo Ân... vốn là những di tích cũ của Hoa Lư… đã được Lý Thái Tổ “tái tạo” ở Thăng Long. Cái gạch nối hữu cơ giữa cố đô Hoa Lư và Kinh đô Thăng Long thực sự đã được tác phẩm Cội xưa thể hiện qua nhiều mặt sinh động. Ghi nhận những ý nghĩa đó và giá trị nhiều mặt của bức tranh, HĐGK đã quyết định vận dụng, mở rộng hệ thống giải thưởng, để trao: Tặng thưởng- Vì tình yêu Hà Nội ”cho bức tranh “Cội xưa” này.
“Cội xưa” cũng được phân tích kỹ cùng với bức tranh thêu “Ước nguyện 1000 năm Thăng Long” của nhóm nghệ nhân 9 người, công trình nghệ thuật cũng rất công phu, làm trong 4000 ngày, dưới sự chỉ đạo của nghệ nhân bàn tay vàng – bà Hoàng Lệ Xuân, thuộc Trung tâm XQ ( thành phố Đà Lạt ). Bức tranh thêu có kích cỡ 3 x 4m ( 12 m2 ), thể hiện dòng sông Hồng uốn khúc ở giữa, với hàng ngàn bông sen tinh khiết, đa dạng và sinh động xung quanh. Có hình Thăng Long mờ ảo với những mái đình, chùa cong vút đầu đao, đàn chim hạc sải cánh bay trong ánh mai tỏa sáng. Giữa bức tranh mang nhiều tính thô mộc dân gian, hồn nhiên, phóng khoáng, giống một bức bình phong dân gian liên hoàn như “Cội xưa” ở trên, với một bức tranh thêu tinh xảo, có kỹ thuật uốn lượn, tỉa gọt khéo léo và có nhiều cách điệu mang tính chuyên nghiệp như “Ước nguyện 1000 năm Thăng Long”, HĐGK cũng phải thảo luận rất lâu và nghiêm túc, và cuối cùng nghiêng về hướng trao Tặng thưởng cho bức tranh “Cội xưa” của họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài và các nghệ nhân nghệ nhân làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình).
Hai cuốn sách: “1000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội” do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn, biên soạn, bao gồm hơn 500 tác giả, dày hơn 2000 trang, và cuốn sách ảnh về Hà Nội:“Phố - Những khoảnh khắc”, gồm hơn 700 tấm ảnh quý, tuyển chọn từ hàng vạn tấm ảnh đã được triển lãm của tác giả Nguyễn Đức Lợi, sau khi cân nhắc, HĐGK, dù đánh giá cao và thấy đây là những cuốn sách giá trị, nhưng cũng không có điều kiện đưa vào Giải được nữa, vì Giải và Tặng thưởng dành cho các tác phẩm năm nay đã có chủ đầy đủ cả rồi!
3.Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội
Năm nay có 5 đề cử: Cung đường Hòa Bình/ Dự án cải tạo phố Tạ Hiện/ Dự án Chiếu sáng cầu Long Biên/ Dự án bức tường danh nhân/ Và ý tưởng tổ chức Festival Cầu Long Biên.
Dự án “Chiếu sáng Cầu Long Biên” nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hoá của cây cầu, là món quà Hội cựu quân nhân Singapore gửi tặng thành phố Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Singapore. Với tổng kinh phí 700 ngàn USD, dự án dự kiến hoàn thành trước 10/9/2010. Cho tới nay, HĐGK chưa rõ ý tưởng đó sẽ được thể hiện cụ thể ra sao và có đạt hiệu quả mong muốn không, cho nên cũng chưa có điều kiện đánh giá. Cùng với ý tưởng đẹp về cây cầu này, Dự án định xin tổ chức Festival Cầu Long Biên cũng đang được một Việt kiều ở Pháp là chị Nguyễn Nga đề xuất. Dự án này đã được biến thành hiện thực lần đầu vào năm 2009, nhưng chưa tổng kết được giá trị và hiệu quả, và năm nay cũng đã có ý tưởng kịch bản fesitval với chủ đề “Cầu rồng kể chuyện ngàn năm”. Ý tưởng “Bức tường danh nhân” do nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Văn đề xuất, dự kiến lấy đoạn tường thành cổ phía Tây Hoàng thành cũ, xuôi xuống phía Nam (đến cổng Đoan Môn), dài chừng 100m, đối diện với Đường Bắc Sơn và Đài liệt sĩ Bắc Sơn để thực hiện. Trên bức tường sẽ chọn khắc tên một danh sách các danh nhân, các anh hùng, hào kiệt, các nhà văn hóa, bác học… nhiều thời của đất nước để lưu danh. Bức tường này sẽ gắn cùng cả quần thể di tích Ba Đình, Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long… của Thủ đô. HĐGK đề nghị nên đầu tư suy nghĩ thêm để làm sao dãy danh sách danh nhân phải được nâng cao tính thẩm mỹ và giá trị di tích lịch sử, tránh đơn điệu.
HĐGK rất chú ý đến Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện đã được trưng bày và giới thiệu tới đông đảo dân chúng. Đây là dự án hợp tác giữa Hà Nội và TP Toulouse (Pháp), do Ban Quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội thực hiện, và Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (do KTS Nguyễn Hoàng Long chủ trì) tư vấn, thiết kế, với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng. Bởi sau hơn chục năm chỉ cải tạo được một vài ngôi nhà cổ đơn lẻ, như ở Mã Mây, Hàng Đào, nên sự ra đời của Dự án cải tạo đồng bộ một đoạn phố Tạ Hiện dài 52m, làm dấy lên hy vọng về việc có thể tôn tạo cả một dãy phố cổ điển hình và đầy đủ dáng vẻ của một Hà Nội xưa.
Tuy nhiên, sau đó, kết quả chấm đã nghiêng về Đồ án “Cung đường hòa bình” của nhóm KTS Hoàng Thúc Hào. Nhìn thoáng qua, tưởng rằng đồ án chỉ là một giải pháp trang trí đơn thuần một tuyến đường quen thuộc của Hà Nội, vốn không lấy gì làm đẹp. Nhưng nó đã thực sự đánh thức những giá trị lịch sử văn hóa tiềm ẩn của Thăng Long ngàn năm tuổi, để những giá trị ấy được “hiển thị” rõ rệt trong cuộc sống hôm nay.
Ai cũng biết những “dấu xưa thành cổ” nay hầu như hóa phố phường theo nhịp sống hiện đại. Một trong những đoạn dấu tích hiếm hoi sót lại của tường bao kinh thành Thăng Long là tuyến đường Bưởi, mà dấu tích của nó chỉ là cốt nền cao từ 2 đến 5m so với con đường chạy dọc sông Tô Lịch.
Ý tưởng “kè” tuyến đường Bưởi suốt chiều dài 2km đã được đưa ra. Bằng chất liệu truyền thống, bền vững: gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên kết hợp trồng hoa, đặt vạt nước... nhóm KTS này sẽ tạo nên một hệ thống “tường thành” mới được tổ hợp từ nhiều đoạn kè, độ dốc khác nhau (kè dốc đứng, vát thoải, kè giật thành nhiều cấp trồng hoa, cỏ, kè thác nước...) xếp chồng nếp, uốn lượn trên toàn tuyến. Những tấm kè phân khúc 10-20m, cao 2-5m, xếp lệch 0,7- 1,5m, hình nan quạt, xen kẽ thang đi bộ liên kết không gian phía trên và phía dưới đường Bưởi với sông Tô Lịch, hợp thành một chỉnh thể hữu cơ. Để gây ấn tượng thị giác về ban đêm, giữa những khe lệch này, ánh sáng được thiết kế chiếu song song với chiều chuyển động... Tác phẩm trở thành một bản “giao hưởng” kè, thống nhất của những đối lập: cứng - mềm, tĩnh - động, sáng - tối, rắn - lỏng... nhằm đem lại sự thân thiện, thú vị cho người cảm thụ và thuận lợi với người tham gia giao thông. Ngoài ra, các tác giả còn tạo ra những vạt nước tạo dáng tươi mát, sinh động giữa cỏ và hoa. Đồ án “Cung đường hòa bình”, với ý nghĩa “ đánh thức dậy hồi ức về một đoạn tường bao thành Thăng Long xưa”, cuối cùng đã chinh phục được đa số phiếu bình chọn của HĐGK Giải.
4. Và cuối cùng là giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội
Có thể nói đây là một giải khá đặc biệt. Giải này được xét trao cho các các hoạt động, việc làm hoặc những đề xuất góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị của Hà Nội được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh.
Năm ngoái, hạng mục này, giải đã trao cho đại diện UBND thành phố Hà Nội về việc đã chuyển khu đất bên trái Nhà hát Lớn, cạnh khách sạn 5 sao Hilton Opera, thành vườn hoa 19/8.
Năm nay, không chỉ có các đề xuất bao gồm các quyết định hay việc làm của chính quyền như việc: Xóa rác tường Hà Nội (xóa quảng cáo rao vặt trái phép) hay “Chương trình cải tạo, làm sạch các hồ Hà Nội”, trong đó có dự án làm sạch nước hồ Gươm bằng công nghệ mới của Đức (giữ an toàn cho rùa hồ Gươm và môi trường sinh thái), mà còn có các đề cử rất đời thường như: Bà cụ bỏ tiền nuôi chim trời hàng chục năm, giữ cho một góc Hà Nội lúc nào cũng ríu rít tiếng chim. Việc làm của bà cụ ở ngã tư đường phố Tô Hiến Thành - Bà Triệu gần đây thôi mà báo chí đã nêu lên, cũng làm xôn xao công chúng về một hành vi đẹp, thầm lặng và đầy bất ngờ. Một đề cử mà chúng tôi rất tâm đắc nữa là đề cử nhóm các tác giả và chuyên gia bằng tâm huyết và trí tuệ của mình đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được bộ hồ sơ đề cử, để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Như chúng ta đã biết là 7 - 8 năm trước khi Hoàng thành được phát lộ, với trình độ chuyên môn cao trong khai quật, xử lý hiện vật và công tác nghiên cứu sau khai quật; với trách nhiệm lớn trước di sản của cha ông; và với sự gắn bó sâu sắc với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học mà tiêu biểu là GS Phan Huy Lê, PGS Tống Trung Tín... đã khẳng định được giá trị của khu di chỉ là thuộc trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa, là di tích kéo dài 13 thế kỷ... Chính nhờ việc sớm làm rõ những giá trị “ngoại hạng” đó, cùng với sự quan tâm sâu sát của các nhà quản lý di sản cũng như của các cơ quan hữu quan mà di chỉ đã được khai quật, gìn giữ trong điều kiện tốt nhất, sau đó được sớm công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và được xây dựng hồ sơ đề cử danh hiệu di sản thế giới.
Việc lập hồ sơ, đề cử di sản thế giới của Hoàng thành Thăng Long cũng là một thắng lợi rất lớn của các nhà khoa học, quản lý và ngoại giao. Di sản Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận vì đã đáp ứng được tới 3 trong 6 tiêu chí khác nhau mà UNESCO đưa ra. Trước hết là tính lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ của di sản. Là di sản thể hiện được sự tiếp nối giữa các nền văn hóa khác nhau và các nền văn hóa đó thể hiện sự giao thoa giữa các văn hóa tiêu biểu trong tiểu khu vực và khu vực. Thứ 2, các tầng văn hóa, các chứng tích cho thấy sự phát triển liên tục của văn minh châu Á, của người Việt ở lưu vực sông Hồng từ thế kỷ thứ 7 đến ngày nay, thể hiện sự tồn tại liên tục một trung tâm quyền lực của nhiều triều đại. Thứ 3 là các di vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ, các công trình kiến trúc còn lại là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện sự sáng tạo của con người.
Việc bảo vệ hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long cũng diễn ra với nhiều kịch tính và qua đó đã thể hiện được sự vào cuộc hết sức nhanh chóng, quyết liệt của các nhà khoa học cũng như các cơ quan hữu quan, để bộ hồ sơ nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO. Cụ thể, trước kiến nghị của ICOMOS - cơ quan tư vấn về di sản cho Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO - là hồ sơ Hoàng thành Thăng Long cần được nghiên cứu tiếp và cần làm rõ thêm một số vấn đề nữa về biện pháp bảo vệ.Với lý do như thế, họ kiến nghị rằng, trong kì họp lần này, họ xếp hồ sơ của chúng ở hạng D (Defer – hoãn lại ), có nghĩa là phải làm lại hồ sơ để xem xét.
Sau đó, các nhà khoa học của chúng ta nghiên cứu lại và thấy rằng, giữa thẩm định của chuyên gia UNESCO với lại hồ sơ của chúng ta có những điểm mà họ chưa rõ về di sản của chúng ta đề cử. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc thể hiện quyết tâm bảo vệ cái di sản Hoàng thành. Và chúng ta đã làm được điều đó. Các nhà khoa học đã tập hợp lại và chứng minh những điểm mà ICOMOS nêu ra bằng một hồ sơ giải trình hết sức dầy dặn và chi tiết. Và đấy là tài liệu mang tính công cụ để đoàn Việt Nam tại phiên họp của UNESCO báo cáo, giải thích, giải trình để họ hiểu rõ hơn. Cuối cùng thì hội đồng đã đồng thuận và thông qua quyết định công nhận di sản với một tỉ lệ đồng thuận cao...
Từ sự phân tích trên, HĐGK Giải Bùi Xuân Phái đã nhất trí chấp thuận với Đề cử này vì đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí (3) của Quy chế Giải thưởng: “Là các hoạt động, việc làm hoặc những đề xuất góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị của Hà Nội được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh”.
KẾT QUẢ Giải “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” năm 2010
1. Giải thưởng Lớn – Vì Tình yêu Hà Nội: Nhà văn Tô Hoài. 2. Giải Tác phẩm- Vì Tình yêu Hà Nội: Hợp xướng Trống đồng mang tên “Ngàn năm Thăng Long – Nổi trống Lạc Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. 3. Giải Ý tưởng – Vì Tình yêu Hà Nội: Đồ án Cung đường Hòa bình có ý nghĩa “đánh thức” một đoạn tường bao Thành Thăng Long xưa của nhóm KTS Hoàng Thúc Hào. 4. Giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội: Nhóm các tác giả và chuyên gia đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được bộ hồ sơ đề cử, để Khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội 5. Tặng thưởng cho Bức tranh thêu khổ lớn mang tên Cội xưa, thể hiện cố đô Hoa Lư trong sự gắn bó với Thăng Long, ngay trước thời điểm ban bố “Thiên đô chiếu” của vua Lý Thái Tổ. Tác giả là họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài cùng các nghệ nhân làng thêu Văn Lâm (Ninh Bình). Tranh có kích thước tới 170,5m2, huy động trên 60.000 ngày công lao động của hơn 100 nghệ nhân tay nghề cao của ngành thêu cổ truyền.
Chứng kiến cách Real Madrid nhảy múa trước Osasuna, không ai nghĩ đây là CLB đang vướng vào một cuộc khủng hoảng mini. Và người hùng của họ là Vinicius Jr với một hat-trick.
Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa chính thức chấp thuận đề nghị của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc đổi sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024.
Các CĐV Hải Phòng một lần nữa để lại hình ảnh không đẹp khi ăn mừng trận hòa 2-2 với Hà Nội FC bằng pháo sáng trên khán đài và rải tiền âm phủ xuống đường piste sân Hàng Đẫy.
CLB CAHN không thể bảo vệ được ngôi đầu bảng ở trận đấu sớm nhất vòng 7 V-League 2024/25 khi đã thu trong hoàn cảnh nhiều ngôi sao nhạt nhoà. HAGL sẵn sàng nằm sân để bảo vệ chiến thắng.
Tối 9/11, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Công Phượng đã không để lại nhiều dấu ấn trong ngày trở lại sân Thống Nhất, nhưng Trường Tươi Bình Phước vẫn ra về với 3 điểm nhờ pha lập công duy nhất của Lê Thanh Bình.
HLV A.Polking tiếc nuối khi các cầu thủ CAHN bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn, đồng thời thú nhận cảm thấy xấu hổ nếu đội bóng của mình giành chiến thắng như cách của đối thủ.
Tin tức về một cuộc tranh cãi giữa Jude Bellingham và Vinicius Jr sau trận thua của Real Madrid trước AC Milan đang gây xôn xao dư luận. Theo nguồn tin mới đây, nguyên nhân chính của sự việc này là việc phân chia trách nhiệm thực hiện quả phạt đền.
Trải qua 3 vòng thi kịch tính trong trận chung kết, Quán quân Sinh viên Thế hệ mới 2024 chính thức gọi tên ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội với dự án “SignBySign”.
XSDL 10/11: Xổ số Đà Lạt được phát hành bởi công ty xổ số kiến thiết Đà Lạt quay thưởng vào lúc 16h10 ngày Chủ Nhật hàng tuần. Trực tiếp kết quả XSMN cập nhật nhanh nhất trên lienminhbng.org.
XSKG 10/11: Xổ số Kiên Giang được phát hành bởi công ty xổ số kiến thiết Kiên Giang quay thưởng vào lúc 16h10 ngày Chủ Nhật hàng tuần. Trực tiếp kết quả XSMN cập nhật nhanh nhất trên lienminhbng.org.
XSTG 10/11 : Xổ số Tiền Giang được phát hành bởi công ty xổ số kiến thiết Tiền Giang quay thưởng vào lúc 16h10 ngày Chủ Nhật hàng tuần. Trực tiếp kết quả XSMN được cập nhật nhanh nhất trên lienminhbng.org.
Chiều nay, Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã lần lượt dừng bước ở tứ kết giải billards World Cup carom 3 băng Seoul 2024. Như vậy, Việt Nam đã không còn đại diện nào ở giải đấu năm nay.