Trên những nẻo đường EURO: Bóng tròn ư? Không, bóng sắt

09/06/2016 07:10 GMT+7 | Ký sự Euro

(lienminhbng.org) -  … đúng hơn nữa, bi sắt (petanque). Ở Provence và vùng Bờ biển Thiên Thanh này, đấy không chỉ là một trò chơi, mà còn hơn thế nữa đối với không ít người, đặc biệt là những ai ở tuổi từ trung niên trở lên: đấy là một niềm đam mê mang tính tập thể, một "art de vivre" (nghệ thuật sống), và cũng là niềm vui lớn lao đối với họ. Thậm chí, một ông già chơi bi sắt của Cannes còn bảo tôi rằng, chơi môn này chẳng khác gì "zen" (thiền).

Họ chơi một cách say mê trên những sân đấu rải sỏi nhỏ và đất trắng được kẻ thành từng ô ở một khoảng không gian khá lớn trước con đường chạy dọc bờ biển, với một bên không xa là Palais de Festivals, nơi hàng năm luôn tổ chức Liên hoan phim Cannes, với đại lộ Croisette nổi tiếng mà các ngôi sao lũ lượt bước trên thảm đỏ, khoe những nụ cười duyên dáng, những bộ váy thướt tha lấp ló đầy hấp dẫn, và bên kia là Tòa thị chính thành phố.

Mỗi khoảng sân là một nhóm các cụ, trong đó có cả các cụ bà, đang chơi say sưa với những quả bóng sắt nhỏ. Bụi tung lên một chút khi một viên bi sắt rơi xuống vị trí mà người ném nó đã tính toán trước sau một cú vung tay rất nhẹ, trong một tính toán sao cho mình có lợi thế hơn đối thủ đã "đi" trước. Những đôi mắt nhăn nheo dõi theo đường bóng. Vài tiếng trầm trồ vang lên. Cũng có những tiếng thở dài. Cứ thế, trận đấu diễn ra, có khi hàng tiếng đồng hồ.


Bằng một thứ tiếng Anh rất trúc trắc, Antoine, một ông già 72 tuổi sống ở ngoại ô Cannes, bảo rằng, ông chơi ở đây gần như hàng ngày, và chính việc tụ tập với một nhóm bạn già có cùng sở thích ấy đã giúp ông có niềm vui và nghị lực sống sau khi vợ ông qua đời cách đây mấy năm. Những ông bạn của Antoine hầu hết cũng là người ở đây. Họ hẹn nhau vào một giờ nhất định qua điện thoại và rồi lái xe tới.

Cái nhóm 6,7 ông già ấy đã chơi ở đây từ nhiều năm nay, và những nhóm khác chơi hàng ngày ở đây cũng thế. Có lúc một nhóm bỗng vắng đi một người. Một cụ ông đã qua đời từ mấy hôm trước. Nhóm ngừng chơi vài ngày để tiếc thương người quá cố, và rồi cuối cùng cũng vẫn hẹn nhau ở đây vào những ngày đẹp trời, chơi với nhau những ván bi đầy kịch tính, theo đúng kiểu của các cụ: một cuộc cạnh tranh hấp dẫn, nhưng rất từ từ, theo kiểu phim quay chậm, vì các cụ làm gì cũng rất từ tốn. Bi sắt không phải là môn thể thao cho những người vội vã, cay cú ăn thua, mà giống như là ta đang tập thể dục, nhẹ nhàng, thư thái và thanh thản.


Họ cứ chơi ở đấy trước những cặp mắt tò mò của khách du lịch đi dọc bờ biển, trước sự dõi theo của nhiều người ngồi trên ghế băng tại đó, và không quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh. Tôi đã ngồi trên một ghế băng và nhìn Antoine cùng các bạn ông chơi, và rồi tự hỏi rằng liệu khi bằng tuổi ông, tôi có thể sở hữu một niềm đam mê cháy bỏng như thế, với một môn thể thao nào đó, vừa như rèn luyện thân thể, vừa rèn trí óc, lại giúp ta không cô đơn mà có bạn có bè. Antoine nói rằng, chơi bi sắt dễ nghiện, và nghiện rồi thì không ai muốn cai nữa.

Số cụ già ở Cannes và rất nhiều thành phố khác ở vùng đất đẹp đẽ này chơi petanque ngày một nhiều, chính bởi họ tìm thấy trong đó sự thư thái tuổi già cần phải có. Cannes thậm chí có một sân chơi bi sắt lớn (Boulodrome) ở quận La Bocca, nơi đã từng diễn ra Festival quốc tế về bi sắt vào năm ngoái. Chỗ của Antoine thì không có các nhà vô địch hoặc các vận động viên thi đấu để lấy giải, chỉ có những ông già chơi vì niềm vui. Và ở vùng đất của niềm vui sống này, với ăn, mặc, chơi, tắm biển và đánh bạc, đừng nói với các cụ về bóng đá. Với họ, không gì thay thế được bi sắt.

Vào cái thời mà nước Pháp còn chưa bị khủng bố, thỉnh thoảng các ngôi sao điện ảnh trên đường đến Palais de Festival dự Liên hoan phim Cannes cũng rẽ qua xem các ông bà cụ chơi bi sắt, có khi tranh thủ làm vài ván. Ở Saint-Tropez cách đó mấy chục cây số, nơi mà Brigite Bardot từng làm nổ tung màn hình điện ảnh với cảnh quay ở đây cho phim "Và Chúa đã tạo ra đàn bà" và việc tắm ngực trần trong những năm 1960 thậm chí đã khiến Vatican tức giận, coi đó là một sự tha hóa về đạo đức, những ngôi sao như Vanessa Paradis, Diane Kruger hay Mick Jagger đã từng ném bi sắt cùng với các cụ già ở "Place des Lices", một bãi đất lớn dành riêng cho môn này. Ở Saint Paul de Vence, nơi mà chàng Christian Grey và nàng Ana Steele đến cho tuần trăng mật trong "50 Shades of Grey", bi sắt là một điều rất đặc biệt.


Quảng trường de Gaulle, tên gọi về mặt hành chính, được các cụ gọi nôm na là Quảng trường bi sắt. Bãi đất ấy nằm ở phía trước quán ăn-khách sạn nổi tiếng Colombe d’Or, nơi mà các nghệ sĩ nổi tiếng như Picasso, Matisse, Chagal hay Leger đã từng đến ăn. Báo Pháp từng đăng một tấm ảnh đen trắng hơn nửa thế kỉ về trước, về một trận đấu bi sắt giữa ca sĩ huyền thoại Yves Montand với các nghệ sĩ Lino Ventura và Bernard Blier. Ngay cả họa sĩ vĩ đại Picasso cũng không thoát khỏi nỗi đam mê lớn lao này. Những nơi mà ông đã đi qua, đã từng sống và sáng tác, từ Vaullaris, Antibes cho đến Juan Les Pins đều in dấu những trận bi sắt của ông. Ở Vaullaris, thủ đô của nghệ thuật gốm sứ, thậm chí có một bảo tàng petanque!

Đối với một niềm đam mê lớn lao và lâu đời như thế (ở vùng này, người ta chơi bi sắt còn trước cả bóng đá và La Ciotat, gần Marseille, là nơi ra đời môn này vào đầu thế kỉ 20), chẳng có gì ngạc nhiên khi bóng đá chỉ là thứ quan tâm của "bọn trẻ". EURO ư? Không, với Antoine và các bạn ông, chẳng có gì vui thú bằng bi sắt. "Bóng đá là môn thể thao gây đau tim. Nó không hợp với tôi", ông bảo. "Niềm vui lớn nhất của tôi không phải là "ballon" (trái bóng)  mà là "boule" (viên bi sắt)". 

Niềm đam mê bắt đầu từ một… cơn thấp khớp

Tất cả bắt đầu từ chứng thấp khớp của một người có tên Jule Hugues, người đã từng chơi bi trước đó. Đó là năm 1907, và Hugues, từng là nhà vô địch môn chơi bi ở Le Ciotat, một thành phố nhỏ gần Marseille và cũng chính là nơi mà anh em nhà Lumiere đã quay thước phim đầu tiên trên thế giới vào năm 1895.

Bị thấp khớp, Hugues không đi lại được nhiều, nên ông yêu cầu những người chơi với mình cũng không được di chuyển quá nhiều trong trận đấu, với "pé" (chân, theo thổ ngữ vùng này) phải "tanque" (dính liền). Thế là pétanque (bi sắt) đã ra đời theo cách đó, với trận đấu chính thức đầu tiên vào năm 1910. Cho tới giờ, đấy là một môn thể thao không chỉ của riêng nước Pháp mà đã được chơi ở hơn 80 nước khác nhau, trong đó có cả Việt Nam. Đã ra đời và hoạt động từ nhiều năm nay các câu lạc bộ bi sắt ở Paris, trong vườn Luxemburg, hay ở New York, trong Central Park, nhưng xứ Provence và vùng Bờ Biển Thiên Thanh này vẫn là miền đất hứa của bi sắt, với số lượng người chơi rất đông, từ Nice cho đến Marseille.

Mà thật kì lại, môn thể thao này luôn gắn với chữ "p", từ pétanque cho đến những thứ liên quan đến nó, như "petit place" (quảng trường nhỏ, ám chỉ khoảng đất trống để chơi bi sắt), "les platanes" (những nơi chơi môn này rất hay trồng các cây tiêu huyền, có tán trông như máy bay, được trồng nhất nhiều ở xứ này).


Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Cannes, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm