Triển lãm ảnh của Robert Capa: Huyền thoại của D-Day

10/09/2020 05:48 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Những hình ảnh của phóng viên ảnh chiến trường Robert Capa (1913-1954) ghi lại cảnh lực lượng Mỹ đổ bộ vào Normandy trong ngày D-Day đã được trưng bày khắp thế giới trong 75 năm qua, như một biểu tượng đặc biệt.

VIDEO: Cựu binh 97 tuổi nhảy dù kỉ niệm 75 năm trận chiến D-Day

VIDEO: Cựu binh 97 tuổi nhảy dù kỉ niệm 75 năm trận chiến D-Day

Cách đây 75 năm, ngày D-Day (6/6) là một bước ngoặt của Thế chiến thứ 2 khi quân đồng minh (Anh, Mỹ và Canada) nhảy dù đổ bộ xuống bãi biển Normandy để giải phóng Pháp khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã.

Và hôm qua 9/9, những hình ảnh nổi tiếng của Công lại tiếp tục đến với công chúng qua triển lãm tại Giáo đường Do Thái mới Berlin, nơi tôn vinh cộng đồng người Do Thái tại Đức.

Tạo nên phong cách ảnh báo chí mới

11 bức ảnh đã bị mờ và mất nét mà Capa chụp ngoài khơi bờ biển Normandy vào D-Day ((ngày 6/6/1944, quân Anh, Mỹ và đồng minh đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp trong Thế chiến II) càng khẳng định Capa là nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng nhất.

Capa là nhiếp ảnh gia duy nhất lên bờ cùng quân đội Mỹ khi họ đổ bộ lên dải bờ biển ở Tây Bắc nước Pháp. Ông chụp ảnh những người lính từ phía sau khi họ xông vào “Omaha Beach” - cách gọi của quân đội Mỹ cho đoạn bãi biển do quân Đức chiếm đóng.

Chú thích ảnh
Capa (trái) và nhà văn Ernest Hemingway (phải) đi cùng quân đội Mỹ tới Pháp hồi tháng 7/1944

Sự nghiệp của Capa bắt đầu trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), khi ông chụp ảnh quân đội Cộng hòa chiến đấu với lực lượng của Tướng Francisco Franco, một đồng minh của Hitler.

Cùng với bạn gái của mình là Gerda Taro, Capa đã tạo nên phong cách mới của ảnh báo chí khi sử dụng máy ảnh nhỏ để chụp cận cảnh nhất có thể những hành động đang diễn ra. Capa đã có câu nói rất nổi tiếng: “Nếu hình ảnh của bạn không đẹp, tức là bạn chưa chụp cận cảnh ở mức cần thiết”.

Capa tên thật là Endre Friedmann. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Budapest (Hungary) vào năm 1913. Ông chuyển đến Berlin khi còn là một thanh niên và sau đó đến Paris để trốn khỏi Đức Quốc xã. Tại đây, ông bắt đầu sử dụng bí danh Robert Capa và bắt đầu đến Tây Ban Nha để làm việc.

Chú thích ảnh
Soldier in the Surf - bức ảnh D-Day nổi tiếng của Robert Capa

Năm 1939, Capa nhập cảnh vào Mỹ bằng thị thực du lịch và làm việc một cách tự do bằng việc sử dụng mối liên hệ giữa các nhà báo, nhiếp ảnh gia và nhà văn.

Capa không phải là nhiếp ảnh gia chiến trường duy nhất chụp hình ảnh về Thế chiến II, nhưng ông được coi là người đặc biệt can đảm và đầy tham vọng.

Trong cuốn hồi ký năm 1947 của mình, Slightly out of Focus (tạm dịch: Hơi mất tập trung), ông miêu tả về công việc của mình trong Thế chiến II. Theo đó, Capa muốn có những bức ảnh độc quyền và ông rất muốn có mặt trong cuộc đổ bộ của quân Đồng minh. Bất chấp quốc tịch Hungary của Capa (Hungary khi đó là đồng minh với Đức Quốc xã) quân đội Mỹ đã bổ sung ông vào nhóm nhỏ các phóng viên được phép có mặt trong D-Day.

Chú thích ảnh
Capa chụp ảnh lính dù Mỹ đổ bộ vào Đức hồi tháng 3/1945

Tham gia nhiệm vụ đặc biệt này, Capa - lúc đó 30 tuổi - không chỉ phải cố gắng bảo toàn được tính mạng của mình mà còn phải đáp ứng được thời hạn gửi hình ảnh về để đăng báo. Cụ thể, các cuộn phim phải được vận chuyển từ bờ biển Pháp qua eo biển Anh đến London để được xử lý.

Sau khi được sự đồng ý từ người có thẩm quyền trong quân đội, một chiếc máy bay ở trạng thái sẵn sàng sẽ chở các âm bản qua Đại Tây Dương đến văn phòng của Life, tạp chí nơi Capa làm việc ở New York. Nội dung được viết kèm theo hình ảnh. Trong khi đó, Capa vẫn ở lại với quân đội đồng minh.

Những bức ảnh D-Day của Capa không chỉ là các hình ảnh nổi tiếng nhất về Thế chiến II. Vào thời điểm đó, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố danh tiếng của ông với tư cách là một phóng viên ảnh chiến trường.

Chú thích ảnh
Bức ảnh Capa chụp tại Việt Nam hồi năm 1954

Capa chứng kiến Paris được giải phóng vào ngày 25/8/1944 từ một chiếc xe jeep quân sự. Vào tháng 3/1945, ông đã nhảy từ một chiếc máy bay cùng với lính dù Mỹ, chạm đất ngay sau chiến tuyến của kẻ thù gần thị trấn Wesel (Đức).

“Capa không chụp ảnh trận đánh chiếm Berlin, bởi có một câu chuyện khác mà ông muốn kể: giải phóng Leipzig” - Alex Kershaw, nhà báo đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách best-seller viết trong cuốn sách về Capa, xuất bản năm 2002.

Công việc sau D-Day

Sau D-Day, Capa tiếp tục cầm máy tới nhiều nơi. Ông đến cả Liên Xô, thời hậu chiến và chụp nhiều hình ảnh ở Moskva, Kiev, Tbilisi, Battumi cùng nhiều tàn tích của Stalingrad.

Chú thích ảnh
Các bức ảnh D-Day của Capa thường được trưng bày trong các cuộc triển lãm khắp thế giới

Mãi cho đến khi chiến tranh kết thúc vào mùa Hè năm 1945, Capa mới đến Berlin, nơi ông chụp những bức ảnh về thành phố được giải phóng và người dân của thành phố này. Ở đây, ông đã gặp và yêu ngôi sao Hollywood người Thụy Điển Ingrid Bergman. Tháng 12/1945, Capa theo Bergman tới Hollywood nhưng mối tình của họ kết thúc vào mùa Hè năm 1946 khi Capa tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1948, ông đã tới Israel trong thời kỳ thành lập, chụp nhiều hình ảnh và đưa vào cuốn Report on Israel của Irwin Shaw. Năm 1953, Capa làm việc cùng nhà biên kịch Truman Capote và đạo diễn John Huston ở Italy. Ở đây, Capa được giao chụp ảnh quá trình thực hiện bộ phim Beat the Devil.

Đầu những năm 1950, Capa đã đến Nhật Bản để tham gia một cuộc triển lãm liên quan đến hãng Magnum Photos mà ông thành lập hồi năm 1947. Thời gian này, tạp chí Life đề nghị ông đi công tác ở Đông Nam Á và đến Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ 1 (1946-1954). Mặc dù vài năm trước đó Capa đã tuyên bố rằng ông không còn muốn chụp ảnh chiến tranh nhưng rồi ông đã chấp nhận công việc.

Capa đi cùng một trung đoàn Pháp đóng tại tỉnh Thái Bình, cùng với hai nhà báo của tạp chí TimeLife là John Mecklin và Jim Lucas. Vào ngày 25/5/1954, trung đoàn đi qua một khu vực nguy hiểm và Capa quyết định rời khỏi chiếc xe jeep để chụp ảnh. Ông dẫm phải mìn gần đường và qua đời khi mới 40 tuổi.

Trước D-Day, Capa đã chụp ảnh chiến sự ở Bắc Phi và cuộc tiến công của Đồng minh ở Italy... Năm 1947, Tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower đã trao tặng Capa và 19 phóng viên khác Huân chương Tự do – sự tôn vinh những người đã nỗ lực hỗ trợ quân đội Mỹ trong Thế chiến II.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm