07/02/2018 11:50 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – Sáng ngày 7/2, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa đưa vào hệ thống trưng bày một bức tranh đặc biệt của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ về “Sông Hàn” Đà Nẵng. Đây là bức tranh đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái mà Bảo tàng có được sau nhiều năm tìm tòi.
Bức tranh “Sông Hàn” được họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng tác vào năm 1984, bằng chất liệu sơn dầu trên ván carton gai với kích thước 60 x 80cm, lấy hòa sắc trắng làm chủ đạo.
Bức tranh được Nhà điêu khắc Phạm Hồng sưu tầm vào năm 1985 nhân một triển lãm của họa sĩ Bùi Xuân Phái tại Đà Nẵng. Sau quá trình tìm hiểu và trao đổi, cùng với những tình cảm của những người làm nghệ thuật, Nhà điêu khắc Phạm Hồng đã quyết định chuyển nhượng lại bức tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với giá 700 triệu đồng.
Nói về cơ duyên có được bức tranh “Sông Hàn”, Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi đã biết Nhà điêu khắc Phạm Hồng có bức tranh này từ lâu, nhưng vì điều kiện kinh tế cũng như cơ sở vật chất nên chúng tôi không thể xúc tiến sớm hơn. Khi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng vào năm 2014, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề chuyển nhượng bức tranh, nhưng mãi đến khi Nhà điêu khắc Phạm Hồng đến dự khánh thành Bảo tàng vào năm 2016, thấy được quy mô hoành tráng của Bảo tàng và có thể trưng bày, giữ gìn được bức tranh quý giá nên ông mới dần quyết định chuyển nhượng cho chúng tôi. Để có được bức tranh treo ở đây ngày hôm nay, có thể nói ông Huỳnh Hùng (GĐ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng –PV) đã bỏ ra rất nhiều tâm sức và sự kiên quyết để tìm mọi cách xin kinh phí mua bằng được bức tranh này”.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng bày tỏ: “Có thể chúng ta mỗi người có một nhận thức và cảm thụ về thẩm mỹ khác nhau. Nhưng hội đồng thẩm mỹ do Cục trưởng Cục Mỹ thuật Việt Nam - Vi Kiến Thành và các thành viên trong hội đồng với cái tâm rất khách quan, rất vô tư đã cho rằng may mắn lắm Đà Nẵng mới sở hữu được bức tranh này. Nếu chúng ta không tập trung, vận động và thuyết phục cũng như bằng tình cảm trao đổi với người sở hữu thì sẽ có một Nhà sưu tập khác họ sẽ mua bức tranh này với giá có thể cao hơn rất nhiều. Chúng tôi cho rằng, đây là điều đặc biệt quý giá của ngành văn hóa mà nếu bỏ qua sẽ không thể tìm lại được lần thứ 2”.
Điểm nhấn đặc biệt của bức tranh chính là sự thanh bình, yên ả của dòng sông Hàn thơ mộng. Không gian trong tranh đưa người xem về với thuở còn nguyên sơ của một dòng sông êm đềm trôi giữa lòng thành phố chỉ vừa thoát ra từ hai cuộc chiến tàn khốc và đang đi vào công cuộc xây dựng với non, nước, mây, trời và những con thuyền nhỏ mang hình dáng đặc trưng của xứ Quảng, bồng bền giữa mây nước tinh khôi trong cái nắng hưng hửng của một buổi sáng một ngày cuối Hạ đầu Thu. Ánh sáng lấp lánh trong veo như pha lê của dòng sông đọng lại trên những vệt nước ở vạt đất ven bờ của lòng sông khi thủy triều rút xuống.
Bức tranh chính thức được chuyển lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào tháng 12/2017.
Cùng với bức tranh “Sông Hàn”, Bảo tàng Đà Nẵng còn giới thiệu đến công chúng 3 tác phẩm của Họa sĩ – Nhà điêu khắc Lê Công Thành gồm: Tác phẩm hội họa “Đà Nẵng” sáng tác năm 1999, được ra đời trong nền tảng của một tư duy khao khát sáng tạo, của cảm xúc của tình yêu say đắm người về người Mẹ, về thành phố quê hương. Cả không gian rộng lớn của Đà Nẵng như nằm trọn trong lòng tác giả.
Tác phẩm điêu khắc “Thiếu nữ” và “Người Mẹ” được sáng tác năm 2007 nói về người phụ nữ trong lòng Lê Công Thành là bạn tri kỷ, là mẹ, là sự tích tụ của tất cả cái đẹp của tạo hóa, trí tuệ của con người, thậm chí là huyền bí, là nguồn năng lượng không bao giờ cạn để sáng tạo. Tượng đá cẩm thạch trắng “Thiếu nữ” và “Người Mẹ” là hai trong hàng trăm tác phẩm điêu khắc về đề tài phụ nữ của Lê Công Thành.
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất