Triển lãm hàng không Paris Air Show 2015: Những thành tựu hàng không gây kinh ngạc

21/06/2015 05:37 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Những chiếc máy bay bạn có thể đỗ trong gara xe hơi bình thường. Những chiếc vệ tinh có thể cất vừa trong ba lô... Đó là một số các thành tựu hàng không đã gây ấn tượng mạnh tại triển lãm hàng không Paris Air Show đang diễn ra ở Pháp.

Các thành tựu và ‎ý tưởng đứng đằng sau chúng có thể thay đổi mạnh cách chúng ta di chuyển, cách tiến hành các cuộc chiến tranh hoặc khám phá không gian. Dưới đây là 5 thành tựu nổi bật, gây chú ‎ý nhiều nhất trong triển lãm năm nay.

Máy bay nhét vừa gara bình thường

Bạn đã mệt mỏi với các vụ kẹt xe hoặc phải chờ quá lâu trên phà khi muốn đi ra một hòn đảo? Nay điều này có thể thay đổi nhờ những chiếc máy bay đủ nhỏ để nhét vừa các gara xe hơi thông thường.

Tại triển lãm Paris Air Show, công ty Metal Master của Ba Lan đã giới thiệu chiếc máy bay phản lực một động cơ, một chỗ ngồi, mang tên Flaris. Đây là một chiếc máy bay thử nghiệm, chỉ nặng vỏn vẹn 700kg, tức chưa tới một nửa trọng lượng một chiếc xe hơi bình thường. Máy bay có kích cỡ gần bằng một chiếc xe hơi, nhưng mức giá rất cao, lên tới 1,5 triệu euro (1,7 triệu USD) mỗi chiếc.

Máy bay Flaris tại triển lãm Paris Airs Show

Phi công thử nghiệm Maciej Peikert cho hay công ty kỳ vọng những chiếc Flaris sẽ đóng vai trò cầu nối cho các khu vực với cơ sở hạ tầng chưa phát triển, hoặc giữa các hòn đảo, các vùng núi. Khoang lái hiện chỉ đủ để một phi công ngồi ở bên trong. Chiếc máy bay cũng hoạt động ở độ cao hành trình thấp hơn nhiều so với các máy bay phản lực thương mại là hơn 10km. Nó chỉ cần một đường băng dài chừng 600 mét để cất cánh.

Nhiều công ty đang nghiên cứu các loại máy bay cỡ nhỏ tương tự, nhưng ít công ty cho ra sản phẩm như Metal Master. Ngoài doanh nghiệp ở Ba Lan này, một số công ty như Cessna và Eclipse ở Mỹ, Embraer của Brazil, cũng đã tung ra thị trường vài mẫu máy bay cỡ nhỏ.


Máy bay Vietnam Airlines gây ấn tượng với màn cất cánh gần như thẳng đứng lên trời

Vệ tinh bỏ trong ba lô

Với kích cỡ chỉ bằng 1/10 các vệ tinh bình thường, vệ tinh nano của Đại học Montpellier chỉ nặng chừng 1kg và có thể tới tay nhiều đối tượng khách hàng. Các vệ tinh nano, do sinh viên chế tạo này, có chi phí chỉ 340.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với các vệ tinh bình thường, vốn có giá vài trăm triệu USD.

Vệ tinh nano của Đại học Montpellier

Trung tâm không gian Montpellier và chương trình vệ tinh nano của trường hiện đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Van Allen để các sinh viên hợp tác với giới nghiên cứu và cho ra lò các loại vệ tinh nano khác nhau. Hiện các nhà khoa học đã phóng vệ tinh nano lên vũ trụ để theo dõi những khu vực như dãy Andes, nhằm hiểu rõ hơn về tình trạng Trái đất ấm lên.

"Xe điện" trên trời

Máy bay thải khá nhiều khí nhà kính vào bầu khí quyển. Nhưng Airbus đang định thay đổi điều này khi phát triển mẫu máy bay chạy hoàn toàn bằng điện và qua đó không thải ra chút khí có hại nào. Thay vì dùng dầu hoặc nước, chiếc máy bay E-Fan của công ty chỉ sử dụng các cục pin mà phi công có thể sạc đầy chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Boeing, đối thủ chính của Airbus, cũng đang nghiên cứu chế tạo các mẫu máy bay ngày một "xanh" hơn, thân thiện với môi trường hơn. Công ty đã hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để thiết kế một số mẫu máy bay chạy điện.

Trong khi đó, Airbus đã sản xuất vài chiếc E-Fan. Hiện các máy bay này mới chỉ được dùng để huấn luyện phi công. Công ty cũng có kế hoạch tung một chiếc E-Fan 2 chỗ ngồi ra thị trường vào năm 2007. Nhưng Airbus đã có các mục tiêu tham vọng hơn thế.

"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một chiếc máy bay dùng động cơ lai xăng - điện với 100 chỗ ngồi trong vòng 15 năm tới" - Giám đốc kỹ thuật Airbus là Jean Botti cho biết.


Máy bay E-Fan chạy hoàn toàn bằng điện của Airbus

Tái sử dụng tàu vũ trụ

Sau chuyến bay vào vũ trụ hồi tháng 2 năm nay, Tàu vũ trụ thử nghiệm tầm trung (IVX) đã xuất hiện tại triển lãm Paris Air Show để khoe thành tựu của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).

ESA đã phát triển IVX để có cái nhìn sâu hơn vào hoạt động chế tạo một loại tàu vũ trụ, với khả năng ra khỏi và trở lại bầu khí quyển một cách an toàn nhiều lần - qua đó giúp tiết kiệm chi phí thám hiểm vũ trụ. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm với nhiều công nghệ mới liên quan tới con tàu như việc lắp cánh tà và các động cơ đẩy để kiểm soát tốt hơn đường bay của tàu. Họ cũng thử nghiệm các vật liệu mới với khả năng chịu nhiệt cao, hình thành khi tàu trở lại bầu khí quyển.

Tàu vũ trụ IVX của ESA

Sau hành trình dài 100 phút hồi đầu năm nay, IVX đã từ từ hạ cánh qua một quãng đường dài 8.000 mét. Con tàu chui qua bầu khí quyển và đáp xuống an toàn tại Thái Bình Dương nhờ sự hỗ trợ của hệ thống dù đặc biệt.

NASA cũng đang thử nghiệm các loại tàu vũ trụ mới, với khả năng bung ra các lá chắn nhiệt khi cần thiết để bảo vệ và giảm tốc độ của con tàu, khi nó trở lại bầu khí quyển.

Lái máy bay như "nghịch" điện thoại thông minh

Một công ty Mỹ cho rằng phi công nên điều khiển các thiết bị trong khoang lái như họ đang dùng điện thoại thông minh, thông qua việc chạm và bấm vào màn hình cảm ứng, thay vì xoay vặn đủ loại núm như bình thường.

Mô phỏng khoang lái với bảng điều khiển cảm ứng của Esterline

Công ty Esterline đã trưng bày mẫu khoang lái toàn kính cảm ứng do họ nghiên cứu chế tạo và nói rằng khoang lái này có thể lắp trên các máy bay cường kích hạng nhẹ. Công ty tin rằng các màn hình sẽ giúp phi công theo dõi dữ liệu quan trọng tốt hơn. Việc hệ thống cho phép tinh chỉnh theo nhu cầu còn giúp phi công tăng khả năng tập trung lái và xử lý tình huống.

"Chỉ với một cú chạm nhẹ lên màn hình, bạn đã có thể thiết lập tuyến bay hay thay đổi tuyến bay để tránh khu vực nhiễu loạn không khí" - Phó Chủ tịch Esterline, ông Steven Luys, tuyên bố đầy tự hào về sản phẩm của công ty.

Trong khuôn khổ hội chợ Paris Air Show 2015, một chiếc Boeing 787-9 Dreamliner mang hình ảnh thương hiệu mới của hãng VietNam Airlines đã có màn trình diễn khả năng cất cánh gần như thẳng đứng lên trời, gây ấn tượng mạnh với dư luận và giới truyền thông.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm