Triển lãm hơn 150 bức ảnh về 400 năm quan hệ Việt - Pháp

09/09/2013 18:37 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Quan hệ Việt – Pháp qua 4 thế kỷ là tên gọi cuộc triển lãm ảnh sẽ diễn ra trong thời gian từ 10/9 – 10/11 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 Đây là triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và Năm giao lưu chéo Việt - Pháp, Pháp -Việt 2013 - 2014.

Thông qua nội dung chủ đạo của chủ đề Cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh, triển lãm giới thiệu chân dung của những nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào nửa cuối thế kỉ 17, nổi bật là linh mục Alexandre Rhodes, người có đóng góp quan trọng trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ, hiện vẫn được sử dụng ở nước ta hiện nay.

Quan hệ Việt Nam - Pháp trong thế kỉ 18 được tái hiện dựa trên các hoạt động của Pierre Poivre, một nhà thông thái của Thế kỷ Ánh sáng ở châu Âu, tác giả cuốn “Những cuộc hành trình của nhà triết học” thể hiện niềm say mê đối với kĩ thuật canh tác lúa nước đã đạt đến trình độ cao của nông dân Việt Nam ở Đàng Trong.



Bà Veronique Dolffus (giữa) - đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp - trong lần thăm Việt Nam và bàn kế hoạch tổ chức Triển lãm  Quan hệ Việt Nam - Pháp qua bốn thế kỷ.

Đến cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, khi châu Âu chiếm ưu thế về mặt kinh tế trên phạm vi toàn cầu nhờ quá trình công nghiệp hóa, thế giới tiến vào thời kì thuộc địa với những mối quan hệ khác biệt so với giai đoạn trước mà nổi trội là sự đô hộ, bất bình đẳng, áp bức và bóc lột. Xét một cách khách quan, sự giao lưu Việt - Pháp trong thời kì này đã ít nhiều góp phần tạo nên những thành tựu đáng khích lệ với những gương mặt tiêu biểu như Auguste Pavie trong lĩnh vực khoa học - kĩ thuật; Alexandre Yersin và Albert Calmett trong lĩnh vực y tế; hay Victor Tardieu và Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ trong lĩnh vực nghệ thuật….

Tuy nhiên, chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là nguyên nhân tất yếu dẫn đến các phong trào đấu tranh chống áp bức bất công mà đỉnh cao là cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam. Một lượng lớn pa nô tại triển lãm được sử dụng để tái hiện giai đoạn đầy biến động này.

150 tấm ảnh tại triển lãm được in thành 14 pa nô thuộc 19 chủ đề phản ánh quan hệ hợp tác Việt - Pháp trong các lĩnh vực văn hoá, thương mại, giáo dục, khoa học kĩ thuật…. Số ảnh này được được khai thác từ các phông lưu trữ của Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp, Thư viện quốc gia Pháp, Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp, Lưu trữ Viện Pasteur, Hội Thừa sai Paris, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và các bộ sưu tập cá nhân.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm