Ngắm mỹ nhân trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn

27/02/2018 08:59 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cuối tuần trước, ngày 21/2, buổi ra mắt sách Hơi thở nhẹ và triển lãm cùng tên của Bùi Tiến Tuấn đã diễn ra tại Hội An. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 8 của hoạ sĩ có danh tiếng “người góp công canh tân tranh lụa Việt Nam”.

Sách Hơi thở nhẹ (NXB Mỹ thuật, 2018) gồm nhiều bài viết và những tác phẩm tiêu biểu kể từ 10 năm cầm cọ chuyên nghiệp (2007 - 2017) của Bùi Tiến Tuấn. Anh là người thực hành nhiều chất liệu, nhưng thành công nhất là tranh lụa.

Từ những người đẹp trong tranh lụa xưa

Không phải tình cờ mà bề mặt kết cấu của làn tơ lụa mịn mỏng phản chiếu ánh sáng từ các góc độ lại được chọn để tái hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Đông phương. Phải nhìn nhận rằng, đã có một “con đường tơ lụa” trong suốt lịch sử hội họa mà những người đẹp qua nhiều thời đại đã luân phiên hiện sinh và biến ảo trên dòng tơ óng ánh đó.

Chú thích ảnh
Hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn

Người ta nhớ tới những mỹ nữ cao quý trong tranh lụa của Cố Khải Chi đời Tấn, của Chu Phương đời Đường, của Cừu Anh và Đường Dần đời Minh, của Phí Đan Húc đời Thanh... và đặc biệt thể tranh bijinga (mỹ nhân họa) thường vẽ trên lụa trong lịch sử hội họa Nhật Bản.

Và tất nhiên, phải kể tới hội họa xứ Đông Dương trong hai thập niên trước 1945 tràn ngập hình ảnh phụ nữ trong tranh lụa vào thời hoàng kim của nó, với những danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Phạm Đăng Trí và Lê Văn Đệ... Họ tất yếu chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nhật Bản họa (Nihonga) và tân bản họa (shinhanga) qua tác phẩm của các họa sĩ hiện đại thuộc trường phái Kyoto, từ đó họ mới có thể tạo ra được phong cách bản địa riêng qua hai thể loại quốc họa là tranh lụa và tranh sơn mài (với Nguyễn Gia Trí).

Sự ra đời của những phụ nữ hiện đại hay tân mỹ nhân trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn không phải rằng không có gạch nối với Japonism, từ bijinga hoặc ukyo-e, với lối tạo hình và cách điệu táo bạo, những bố cục bất ngờ từ bất kỳ góc độ nào, và việc xử lý màu sắc và không gian trống trong tranh một cách tài tình, kết hợp với họa tiết trang trí tao nhã, hòa điệu với nhân vật.

Nhưng trước tiên, điều đáng chú ý ở đây, dòng lụa mà họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chọn để tái hiện vẻ đẹp thời của hiện đại đã có tuổi từ thế kỷ 15-16, trong lòng xứ Quảng, thuộc trung tâm Trà Kiệu xưa, đó là tơ lụa của làng Mã Châu trứ danh ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Qua bao đời, dòng lụa ấy vẫn còn lưu giữ được cách dệt lụa cổ của Chămpa, mà một thời qua thương cảng quốc tế Hội An đã từng có con đường tơ lụa Duy Xuyên trên biển đi ra ngoài thế giới.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn sách “Hơi thở nhẹ” của Bùi Tiến Tuấn

Tân mỹ nhân

Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ - mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật.

Giờ nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài, chốn phồn hoa đô thị hào nhoáng và cám dỗ. “Tấm thân lụa đào” giờ đã biến hình theo thời đại của kinh tế toàn cầu, như thể nàng đã qua những salon thẩm mỹ, những gương mặt hóa trang và thời trang đúng mốt là một thiết yếu đáng kể trong tranh.

Rồi các nàng tung tẩy trong những “không gian cabaret” màu hồng, tiếng nhạc quay cuồng ảo giác như những nàng ca kỹ chân dài hớ hênh của Toulouse-Lautrec miêu tả trong hộp đêm Moulin Rouge. Có khi chỉ thấy hai bờ mông cong cong bồng bềnh và cặp chân dài đeo vớ ren như thể tung lên theo vũ điệu Cancan che hết mặt hoa.

Những mỹ nhân ấy xuất hiện trong mọi tư thế, trong trạng thái phi trọng lực, có khi đảo lộn, bồng bềnh mọi chiều hướng, có khi làm chủ và vẫy vùng trong những không gian thăm thẳm của màu ngọc thạch lựu, ngọc lam, ngọc mắt mèo... .

Những quý cô này cũng là ẩn dụ về những nàng hồ điệp vô tư, lẳng lơ như nàng Carmen - trái hẳn với ẩn dụ về những uyên ương chung thủy hay những liệt nữ xưa nay thường được miêu tả và tái hiện không như một người thực, mà như một sản phẩm kiến tạo lý tưởng của nam giới, dựa trên thành kiến phụ quyền về giới tính.

Và như vậy, trên dòng lụa bản địa, trên những tấm lụa còn vàng óng màu tơ tằm, những nàng nhộng của Bùi Tiến Tuấn đã hóa thân thành những cánh bướm bay lượn tự tại trong khu vườn của cõi thế gian đẹp mà ảo này.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn: Sợi chỉ đỏ dằn vặt

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn: Sợi chỉ đỏ dằn vặt

Vào lúc 18h ngày 3/10 tại phòng tranh Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, quận 1, TP.HCM) sẽ khai mạc triển lãm Sợi chỉ đỏ của Bùi Tiến Tuấn, với 20 tranh giấy dó vừa được vẽ trong thời gian gần đây.

Hà Vũ Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm