Rồng - Tiên ở đình làng Việt đến Pháp

24/09/2012 07:30 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Truyền thuyết cha Rồng - mẹ Tiên sinh ra dân tộc Việt Nam đã tràn tỏa vào đời sống Việt hàng ngàn năm, đặc biệt trong kiến trúc và tín ngưỡng. Đây là một đề tài thú vị, thu hút cả người Á Đông và thế giới. Những ngày này, hình tượng Rồng - Tiên Việt Nam hiện hữu tại kinh đô ánh sáng Paris.

Nhân dịp Tuần lễ các nền văn hóa nước ngoài thường niên lần thứ 11 tổ chức tại Paris, Bộ VH,TT&DL cùng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) tổ chức triển lãm Hình tượng Rồng- Tiên trên chạm khắc đình làng Việt Nam (khai mạc ngày 21/9, kéo dài tới 23/10).

Lễ khai mạc triển lãm tại Paris cuối tuần qua

1. Phòng triển lãm của CCV treo kín 80 bức ảnh và áp-phích chụp các hình tượng Rồng - Tiên trên các đình làng Việt do các nhà nghiên cứu chọn lọc, sưu tầm. Một truyền thuyết về khởi nguồn nòi giống Lạc Hồng hiện hữu trước mắt công chúng Pháp, nơi xứ sở văn minh mà khán giả được coi là tinh sành nghệ thuật hàng đầu thế giới.

Kiều bào xa quê cũng có dịp quây quần mà cộng hưởng tự hào về dòng máu Việt, nơi chôn rau cắt rốn, lưu giữ ký ức và cội nguồn tiếng Mẹ. Đêm ca múa nhạc chủ đề Việt Nam - đất nước Rồng- Tiên do nhạc sĩ, NSƯT Quang Vinh chỉ đạo nghệ thuật diễn ra tưng bừng sau lễ khai mạc làm cho sự kiện trở nên hấp dẫn.

Đáng chú ý, ngay trong tuần văn hóa này, lại có Ngày hội châu Âu về ngôn ngữ tại Pháp với chủ đề Tìm hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam diễn ra từ 16h ngày 26 và 28/9 tại CCV. Tiêu điểm của ngày hội này là cuộc toạ đàm chuyên đề Rồng - Tiên khúc hoan ca. Diễn giả của tọa đàm là các họa (HS), nhà nghiên cứu của ĐHMT VN trong đó có HS -Nhà giáo nhân dân Lê Anh Vân, thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ... Về phía diễn giả Việt kiều, có ông Cấn Văn Kiệt, một nhà nghiên cứu lâu năm trong cộng đồng người VN tại Pháp. Ông và vợ - Caroline, một phụ nữ Việt lai Pháp, đã mở gallery Maison du Vietnam tại nhà ở quận trung tâm Paris mấy chục năm, chuyên bán và trưng bày sách báo, đồ thủ công mỹ nghệ cổ vật Việt Nam.

Hình tượng Rồng - Tiên trên kiến trúc đình làng Việt Nam

2. Rồng - con vật không có thật, được tạo hình từ đức tin, tưởng tượng của con người là biểu tượng thiêng liêng, quyền lực. Rồng đứng đầu tứ linh “Long - Ly  - Quy - Phượng”, vừa oai nghiêm lại vừa gần gũi. Đình làng - một thiết chế văn hóa biểu tượng của làng xã - là nơi hiện diện rồng trong các hình khối, họa tiết. Đình chỉ là nơi thờ thành hoàng làng, nhưng cũng là “nhà hát dân gian” nuôi dưỡng các thể loại diễn xướng dân gian, trò chơi, là điểm tụ họp của cánh đàn ông khi nông nhàn, của các bà các cô ngồi nghỉ, tán chuyện, của trai gái hẹn hò, của trẻ nhỏ nô đùa, lớp học, có khi đánh giấc trưa ngon lành.

Giai thoại, dấu ấn thời đại cùng tưởng tượng và mơ ước làm cho người nghệ sĩ xây tạo đình làng với hình tượng Rồng - Tiên đa dạng. Hiện nay, Trường ĐHMT VN - Viện Mỹ thuật đang thực hiện chương trình Nghiên cứu sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hoá đình, làng vùng châu thổ Bắc bộ VN. Đánh giá tổng thể về kiến trúc đình làng bao gồm cả không gian văn hóa của nó, để có hướng bảo tồn phù hợp, hiệu quả cũng là giữ gìn chốn hướng về con người và tâm hồn VN.

Với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, hình ảnh tiên là mảng phù điêu mang những hình ảnh lãng mạn và đẹp đẽ tựa như vệt sao băng trên bầu trời nghệ thuật Việt. Dù bị ảnh hưởng phong kiến phương Bắc ngàn năm “trọng nam khinh nữ”, Việt Nam vẫn có nền văn hóa riêng, tôn trọng phụ nữ. Chúng ta có đạo Mẫu, thờ các công chúa có công với nước, những nữ anh hùng. Người phụ nữ yếm thế, không được học, không được vinh danh, không có vai trò trong cộng đồng suốt nhiều thế kỷ, lại hóa thân vào hình ảnh tiên mang dáng dấp thôn nữ, yếm thắm váy đào vắt vẻo trên lưng rồng hân hoan múa hát.

Các nàng tiên phô bày sức sống trên lưng rồng với cơ thể thanh xuân đang hát múa là khát vọng về bình yên, tự do, hoan lạc. “Đồ án phong phú, đa dạng, đặc sắc này xuất hiện ngang nhiên giữa đình hẳn có liên quan đến huyền thoại Tiên Âu, Rồng Lạc - tổ của người Việt. Cách tạo hình tiên nữ trên đình làng giống hệt tiên nữ trong các tích trò rối nước, phục trang, tư thế và đạo, thần thái khuôn mặt, vạt áo dải khăn, ngón búp măng cong múa, cánh xoè ra từ những cánh tay đầy đặn” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế lý giải.

Rồng hùng vỹ oai phong, thì tiên yêu kiều lả lướt. Nhìn Tiên ở đình Diềm (Bắc Ninh) lại thấy hao hao giống khuôn mặt Phật bà Quan Âm, phảng phất tượng Mẫu (ở đình Cổ Mễ, Hữu Bồ) lại như dung nhan đào nương ca trù (đình Thổ Hà, đình Liên Hiệp), như thôn nữ (đình Hương Lộc).

Trưng bày các hình tượng Rồng - Tiên sưu tập từ các đình làng Bắc bộ Việt Nam tại thủ đô Cộng hòa Pháp, lại một ý tưởng hiện thực đẹp bất ngờ và đầy ý nghĩa trong xu thế thế giới hướng về phương Đông. Cuộc sống càng khó khăn, thử thách, con người càng cần tâm linh, chở che, cần nơi để hướng về...

Vi Li

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm