SBC - làn sóng mãnh liệt trên màn ảnh

01/06/2016 06:20 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày nay nhắc về cụm từ săn bắt cướp nhiều người sẽ nhớ đến phim SBC (3 tập, sản xuất năm 1988) nhiều hơn, vì nó quá ấn tượng, nơi Thương Tín, Trọng Trinh, Lê Khanh, Hai Nhất, Hương Dung… đã tái hiện sống động những tình tiết từ đời thật.

Trong khi đó, các đội SBC của TP.HCM có hơn 15 năm tồn tại, đã tạo ra rất nhiều kỳ tích trong xã hội, nhưng không phải lúc nào và chuyện gì của SBC cũng được lên phim.

“Cái thời SBC là như thế. Lực lượng SBC bây giờ thì tản mát hết rồi. Có người chịu khổ không nổi bỏ về làm nghề khác. Có người hy sinh, như anh hùng Nhí chẳng hạn, để lại vợ và 3 đứa con… Nhiều lắm, đủ thứ chuyện trên đời" - anh Lê Tiến Dũng (nguyên đội trưởng SBC thời kỳ đầu, Chủ nhiệm CLB cascadeur Hội Điện ảnh TP.HCM) từng chia sẻ - "Nhưng truyền thống SBC thì vẫn còn.

Bởi vì họ là những chiến sĩ thầm lặng, rong ruổi trên con ngựa sắt, đi trên đường phố bắt cướp. Mà chỉ vì bắt cướp thôi, trong 3 giây, người ta có thể đổi từ sự sống sang cái chết. Người ta chấp nhận những chuyện đó không phải vì quyền lợi cá nhân, chỉ vì một tâm huyết là muốn đất nước yên bình, xã hội trật tự. Những người dân có thể đi ngoài đường mà không phải lo sợ bị giựt đồ này nọ, không bị trấn lột”.

Từ “viên đạn lạc” đến “lệnh truy nã”

Sau khi các đội SBC thành lập được một thời gian ngắn thì những việc họ làm đã đi vào sách báo, tạp chí, rồi lên phim ảnh, kịch nghệ. Bộ phim đầu tiên lấy hình tượng SBC có lẽ là Vụ án viên đạn lạc (ĐD: Lê Đức Tiến - Nguyễn Đỗ Ngọc, đen trắng, 100 phút), thuộc thể loại tâm lý xã hội và hình sự. Phim do Xưởng phim 2, thuộc Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1982.


Có lẽ "Vụ án viên đạn lạc" (năm 1982) là phim điện ảnh đầu tiên lấy hình tượng từ SBC

Phim này khi công chiếu đã tạo nên một làn sóng mãnh liệt từ giới hâm mộ, có lẽ do câu chuyện khá tân kì. Nó bắt đầu bằng những pha rượt đuổi nghẹt thở, tưởng phim sẽ đi vào con đường hành động thuần túy. Nhưng rồi, vụ án lại đi vào thế bế tắc thường thấy của phim hình sự, vì vụ án ẩn chứa quá nhiều phức tạp. Trong phim, Thương Tín vào vai trinh sát SBC giả giang hồ để xâm nhập nội bộ băng cướp và phá án vào phút cuối.

Một chi tiết phụ nhưng không kém phần quan trọng, đây có lẽ là phim đầu tiền sau 1975 có cảnh bán khỏa thân do Bích Liên đảm nhận, nhiều khán giả muốn mục kích vẻ đẹp của nữ diễn viên tài sắc này.

Phim Lệnh truy nã (ĐD: Lê Hoàng Hoa) cũng là một ví dụ sinh động cho việc lấy cảm hứng từ SBC. Phim này còn có sự tham gia đóng thế, cố vấn hành động của Lê Tiến Dũng và Hoàng Triều, đều xuất thân từ dân võ thuật chính hiệu.

Lê Tiến Dũng lúc ấy là đội trưởng SBC, đã đạt tam đẳng taekwondo, thuộc đội tuyển của TP.HCM. Với máu đam mê võ thuật, lại có biệt tài sử dụng xe phân khối điêu luyện, thuộc hàng hiếm ở Việt Nam bấy giờ.

Nhận thấy các bộ phim hành động của Việt Nam thời đó còn quá sơ khai, nhất là những màn đánh nhau thiếu sự chân thật và hấp dẫn nên Lê Tiến Dũng đã tình nguyện tham gia đóng phim cùng với hàng loạt hảo thủ thứ thiệt thời đó như võ sư Thu Vân, Hoàng Triều, Bạch Thùy Trang, Lê Công Thế, Lữ Đắc Long...

Mới đầu, khi thực hiện cảnh quay rượt đuổi với nhóm giang hồ, đạo diễn Lê Hoàng Hoa chỉ yêu cầu cảnh quay bình thường, nhưng Lê Tiến Dũng đã “làm tới bến”.

Sau phần đánh đá tanh bành trong một quán cà phê, anh chạy xe 67 bằng hai chân, trổ tài lạng lách, sau đó còn nằm ngửa người ra phía sau bắn tên cướp. Cảnh quay khi xuất hiện trên màn ảnh đã khiến khán giả xếp hàng rồng rắn đi xem. Giới đua xe ngầm thời đó còn kháo nhau đi xem, hầu hết đều bái phục pha rượt đuổi đầy nghẹt thở và hấp dẫn này của Lê Tiến Dũng với Hoàng Triều.

Tuy bằng cách tiếp cận khác, nhưng đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng cho thấy mình chịu sự chi phối cảm hứng từ các vụ phá án của SBC nên làm Lệnh truy nã 2 (phim nhựa màu, năm 1991). Thế nhưng, phim gần như “chuyển thể” chân thực từ các chuyện săn bắt cướp lại là SBC (KB: Hoàng Tích Chỉ, ĐD: Trần Phương, 3 tập, năm 1988), mà những năm gần đây vẫn còn chiếu trên truyền hình.


Bộ phim SBC (3 tập, năm 1988) của Trần Phương được xem là có tạo hình sống động về đội SBC. Sau này ra đĩa DVD, phim được viết tên là Săn bắt cướp (SBC), dù trong ruột phim vẫn như cũ

Đây là bộ phim hành động pha trộn tình cảm, nó nằm trong quan hệ phức tạp giữa tướng cướp Lý Đại Đường (Thương Tín thủ vai) với ni cô Băng Thanh (Lê Khanh) và trung úy Năm Hà (Trọng Trinh).

Hình ảnh Lý Đại Đường được các nhà làm phim nương theo tư liệu và giai thoại về tướng cướp Bạch Hải Đường ngoài đời thật. Phim để lại nhiều dấu sâu đậm trong lòng người xem, và cả các thế hệ hoạt động trong các đội SBC ngoài đời thường.

Cắt nghĩa về sự thành công của hình tượng SBC trên phim, Lữ Đắc Long (nguyên Phó chủ nhiệm CLB cascadeur Hội Điện ảnh TP.HCM) cho biết: “Dù là phim, nhưng do dựa vào những hình tượng thiện chiến, gan dạ, anh dũng, giỏi võ thuật, giỏi bắn súng, điều khiển xe ở đẳng cấp cao, nên tạo được sức hút.

Khi các SBC chịu vào đóng phim, họ cũng bằng lòng phiêu lưu, hành động giống như thật, nên khi gặp các đạo diễn giỏi như Lê Hoàng Hoa, tự nhiên phim sinh động, hấp dẫn”.

Các đội SBC sẽ trở lại, còn phim thì sao?

Cũng theo cascadeur Lữ Đắc Long: “Hiện nay nhiều đạo diễn và ê-kíp làm phim giỏi, họ lại được tiếp cận sự tân tiến của nước ngoài, thêm đội ngũ cascadeur chuyên nghiệp, yêu nghề, nên việc thực hiện những pha hành động giống như SBC ngoài đời không hề khó.

Nhưng đến nay để có các pha diễn ghi dấu ấn chân thực như các phim trước đây thì gần như chưa thấy. Một phần do lâu nay kiểu phim săn bắt cướp không được thực hiện nữa, rồi phim kĩ xảo nước ngoài tràn ngập ngoài rạp, khán giả quen với kĩ xảo cũng dễ xem thường những pha diễn chân thực”.

“Thật ra, trinh sát SBC không thể làm nên những cảnh quay hấp dẫn, mà còn phải nhờ vào góc nhìn của từng đạo diễn. Lê Hoàng Hoa là bậc thầy về phim hành động như thật nên mới có thể làm được những góc quay chân thực như thế.

Huyền thoại 'Săn bắt cướp' ở đâu trong các tác phẩm văn học?

Huyền thoại 'Săn bắt cướp' ở đâu trong các tác phẩm văn học?

Sau khi có yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc khẩn trương thành lập lực lượng săn bắt cướp (SBC), Công an TP.HCM đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an cho phép tái thành lập “thương hiệu” lừng lẫy một thời này.

Nếu như kịch bản SBC lọt vào tay các đạo diễn thích kĩ xảo ngày nay, họ sẽ tận dụng các góc quay kĩ xảo, nó có thể đẹp hoành tráng, đồ sộ, nhưng sẽ vô nghĩa đối với những người thích sự sống động giống như thật ở trong phim ảnh.

Ví dụ, những ai mê phim kĩ xảo dễ thích Lý Liên Kiệt, còn mê phim võ thuật thì thích Lý Tiểu Long hơn, bởi Lý Tiểu Long là một võ sư thực thụ, thời đó lại ưu chuộng những góc quay rất thật”.

Không có gì thay đổi vào phút cuối thì các đội SBC sẽ trở lại trên địa bàn TP.HCM, nếu họ cùng những mô hình như H88 ở Hải Phòng, 141 ở Hà Nội… tạo được nhiều chiến công, kỳ tích như trước đây, thì chắc chắn sách báo, tạp chí, phim ảnh, kịch nghệ… sẽ còn khai thác dài dài.

(Còn tiếp)

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm