Trịnh Kim Chi: Tôi đã quên mình là Á hậu

15/03/2016 07:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Á hậu 1994 Trịnh Kim Chi là một trong số rất ít những người đẹp có cuộc sống bình lặng. Đoạt danh hiệu xong, chị trở lại với cuộc sống bình thường của một cô sinh viên Cao đẳng Sân khấu TP.HCM.

Rồi trở thành diễn viên, gắn kết với nghề diễn, lấy chồng, sinh con… Dù sống trong showbiz nhưng chưa bao giờ chị gắn tên mình với sự ồn ào mà cứ bình lặng thể hiện mình với những vai diễn.

Ở tuổi 45, lại mới sinh thêm con được mấy tháng, Trịnh Kim Chi vẫn xinh đẹp, thanh thoát. Vẻ an nhiên trên gương mặt dường như luôn gắn chặt với Trịnh Kim Chi kể từ khi chị xuất hiện trước công chúng với danh hiệu Á hậu ở tuổi đôi mươi cho đến lúc này, khi đã có sự nghiệp diễn xuất 26 năm, làm chủ 1 spa làm đẹp, 1 trường đào tạo diễn viên, 1 sân khấu riêng và được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Ôm đồm vì duyên nợ với sân khấu

* Năng lượng ở đâu để một người phụ nữ vốn có vẻ rất yên phận bên chồng con như chị có thể làm một lúc mấy việc, lại toàn việc phải đứng mũi chịu sào?

- Chỉ từ niềm đam mê, từ cái duyên với nghề thôi. Tôi như có duyên nợ với sân khấu, duyên nợ ấy tiếp thêm cho tôi sức mạnh, sự bền bỉ để làm những việc mà có khi chẳng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm hoặc sẽ làm được.


Trịnh Kim Chi vẫn mặn mà và trẻ hơn cái tuổi 45 của chị

Tôi cũng bị mang tiếng là ôm đồm dù tôi thực sự không muốn như vậy. Việc nọ cứ kéo theo việc kia, cơ hội đến mà không làm thì tiếc. Chẳng hạn tôi mở lớp dạy diễn xuất vì đang làm mô hình kịch cà phê rất cần diễn viên phục vụ cho riêng quán.

Diễn viên có sẵn lại không đáp ứng được điều này, nên tôi mở lớp. Học viên đến với tôi càng ngày càng đông lại nảy sinh vấn đề đầu ra. Thế là tôi lại mở thêm sân khấu. Rất may mọi việc đều thuận lợi cho đến lúc này.

* Trong lúc thị trường sân khấu đang thoái trào, những nghệ sĩ có sân khấu riêng còn phải lao vào làm giám khảo gameshow trên truyền hình để có thu nhập thêm duy trì sân khấu. Chị không sợ phải cáng đáng một gánh nặng mà người khác đang muốn trút?

- Tôi mở sân khấu ai cũng sốc đấy, mọi người hỏi tôi sao liều thế. Có người còn hỏi: “Chi à, em có bị điên không? Tại sao sung sướng không muốn lại cứ thích vất vả?”. Tôi thì, như đã nói, làm vì duyên đến thôi. Những vất vả ban đầu cũng đã qua, mọi việc đang tiến triển thuận lợi. Tôi nghĩ mình cũng may mắn.

* Cũng có dư luận chị mở sân khấu này là “đối đầu” với NSƯT Hồng Vân, chủ của sân khấu kịch Phú Nhuận - nơi chị đã làm việc nhiều năm nay.

- Chẳng có sự đối đầu nào cả. Chúng tôi cùng làm để cùng góp phần duy trì bộ môn kịch trong thời buổi kịch đang rơi vào khốn khó. Sân khấu của tôi cũng ở địa bàn khác với khu vực khán giả khác. Hơn nữa chị Hồng Vân chính là người đã giúp tôi rất nhiều, tham mưu cho tôi rất nhiều để tôi có thể mở được sân khấu của mình.

Hiện giờ tôi vẫn liên tục hỏi chị những việc tôi chưa biết, chị sẵn sàng chia sẻ và mách nước để công việc của tôi thuận lợi hơn. Sắp tới, khi sân khấu của tôi ổn định rồi, tôi sẽ lại sắp xếp thời gian để về diễn ở sân khấu chị Hồng Vân.


Trên sân khấu kịch

* Diễn kịch hàng đêm, đóng phim truyền hình, quản lý, dựng vở cho sân khấu mới, đứng lớp, quản lý spa… chị lấy thời gian đâu cho gia đình, con thứ hai của chị còn chưa đầy năm?

- Tôi phải phân chia thời gian cho công việc một cách nghiêm ngặt. Giờ nào việc ấy, việc gì vào guồng rồi thì cứ thế làm và hầu như không bao giờ “bớt xén” thời gian cho gia đình. Nói chung phải sắp xếp, thêm việc này thì bớt việc kia đi một chút thôi.

* Năm vừa rồi chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, báo chí thường đề cập đến việc chị là á hậu duy nhất được phong danh hiệu này. Còn với chị, cái danh á hậu còn tác động tới đời sống, công việc của chị không?

- Tôi đã quên mình từng là á hậu và có lẽ khán giả thời nay cũng chẳng biết về tôi với danh hiệu á hậu. Họ chỉ biết về tôi qua các vai diễn, gọi tôi bằng tên các nhân vật trong những bộ phim truyền hình, những vở kịch mà tôi đã đóng. Chuyện đó như một kỷ niệm vui thời trẻ thôi. Có danh hiệu rồi tôi cũng trở về với cuộc sống, học tập tiếp tục và ra trường thì làm nghề.

Truyền hình bóp chết sân khấu kịch

* Sống với sân khấu 26 năm, chứng kiến những đổi thay của ngành này, cảm nghĩ của chị ra sao?

- Mỗi thời điểm sân khấu thay đổi vì những nguyên nhân khác nhau. Lúc tôi mới vào nghề, khoảng năm 1990, cùng với các bạn bè của mình như Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Quyền Linh… chúng tôi cũng phải mấy năm làm việc trong điều kiện sân khấu èo uột. 5-6  năm sau, xu hướng xã hội hóa đã thay đổi điều ấy.

Sân khấu nở rộ, cho chúng tôi nhiều cơ hội. Rồi truyền hình phát triển như vũ bão, diễn viên tha hồ đóng phim truyền hình, nổi tiếng vì phim truyền hình. Và rồi sân khấu kịch đi xuống cũng vì truyền hình. Tôi thấy buồn nhưng việc của người nghệ sĩ có thể làm chỉ là cố gắng làm tốt việc của mình, rất khó đi ngược lại. Công việc của tôi vẫn duy trì được, thế là may mắn rồi.

* Chị cũng đóng phim truyền hình rất nhiều đấy thôi.

- Thật sự là đóng phim truyền hình là công việc nhẹ nhàng, mang lại thu nhập nhanh nhất. Chỉ cần đầu tư cho vai diễn, không phải lo lắng gì khác. Học thuộc kịch bản, quay mất không nhiều thời gian. Công sức phải bỏ ra cho một vai diễn trong một vở kịch lớn hơn nhiều, phải tập rất kỹ, đi theo nó suốt thời gian sáng đèn, thù lao thì rất thấp nếu so với đóng phim truyền hình.

Nhưng tôi và bao diễn viên khác đã mang nghiệp là cứ thế làm mà không so đo. Đóng phim nhưng tôi luôn sắp xếp để việc đóng phim không ảnh hưởng đến việc trên sân khấu.

Mặt khác, trong xu thế truyền hình rôm rả như hiện nay, gameshow, chương trình hài nở rộ trên tivi, diễn viên hài đổ xô đi làm MC, làm giám khảo… Tất cả các mảng miếng sân khấu đều được nghệ sĩ đưa hết lên truyền hình.

Với số tiền cát - sê được trả quá cao, diễn viên không có cách nào khác, họ phải đưa hết lên để thu hút và có thêm show. Đã như vậy thì khi trở lại sân khấu kịch, những mảng miếng của họ và bản thân họ sẽ trở nên nhàm. Nên nói chính xác là truyền hình đang giết chết sân khấu kịch.


Cùng gia đình

* Truyền hình còn giết thêm nhiều sân khấu khác, thiết nghĩ đó là xu hướng tự nhiên nếu không có sự điều tiết của các cấp quản lý văn hóa - nghệ thuật để duy trì các bộ môn nghệ thuật.

- Đúng thế. Tôi được biết mỗi năm ngành sân khấu của TP.HCM được nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng, số tiền không quá lớn nhưng nếu nó rơi vào tay các sân khấu tư nhân thì chúng tôi sẽ làm được không biết bao nhiêu việc. Cũng không trách được, 3 tỷ đó phải nuôi quân, biên chế, nội tiền lương không đã hết rồi.

Hơn nữa, truyền thông giờ cũng lạnh nhạt với sân khấu lắm. Tôi nhớ cách đây vài năm, chúng tôi làm một vở là phóng viên họ chờ đợi lắm, cứ hỏi suốt. Đến lúc diễn thử là họ săn đón, tự tìm đến xem rồi về viết bài phân tích, đánh giá rất sâu.

Còn bây giờ, sân khấu có kịch mới phải mời phóng viên theo kiểu nhờ cậy. Họ đi xem vì nể mình, nể quan hệ với diễn viên, chứ nhiều khi mời họ cũng không đi xem. Một vở kịch ra đời trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi thấy tủi thân lắm.

* Tôi nghĩ truyền thông thờ ơ cũng vì nhiều nguyên nhân khác mà phần nhiều nằm ở phía chủ quan của những người làm sân khấu.

- Đúng vậy. Nguồn kịch bản hiện nay không còn dồi dào nữa. Kịch bản lại chủ yếu chạy theo thị hiếu khán giả và đi theo hướng đơn giản hóa. Khán giả thì chỉ có nhu cầu giải trí chứ không muốn thưởng thức nghệ thuật thực thụ. Vì thế mà kịch chỉ đổ xô vào sân khấu dịp lễ Tết. Diễn viên thì nhạt dần…

Diễn viên trẻ chỉ muốn ăn xổi

* Các đạo diễn, nhà sản xuất phim truyền hình kêu ca nhiều về diễn viên, còn chị, ở góc độ của người quản lý sân khấu, giảng viên, chị thấy thế nào?

- Bước đường của các diễn viên trẻ đến với nghề hiện nay dễ dàng hơn trước rất nhiều. Có nhiều bạn không cần đi học, chỉ cần lên tivi chơi gameshow là sẽ nổi tiếng. Vì thế mà sự đa dạng, sâu sắc trong diễn xuất không có, sự tâm huyết với nghề cũng không nhiều.

Ở sân khấu của tôi, tôi mời các bạn diễn viên trẻ đến diễn, lúc đầu họ rất nhiệt tình. Nhưng khi nhận được show trên truyền hình là họ sẵn sàng bỏ sân khấu đi. Họ thực dụng tính toán nghiêng về bề nổi và thể hiện rõ tư tưởng ăn xổi đáp ứng thị hiệu. Họ tính một phim ra sẽ có được bao nhiêu khán giả so với diễn một vở kịch trên sân khấu.

Học viên của tôi đến học câu đầu tiên họ hỏi là: “Con học thế này đi đóng phim được không?”. Nghĩa là tư tưởng của họ vẫn luôn là đi đóng phim.

* Theo chị, nguyên nhân do đâu?

- Tôi nghĩ rằng nguyên nhân quan trọng nhất là giáo dục. Thầy cô giờ chỉ dạy diễn xuất chứ không giáo dục đạo đức nền tảng. Trong khi đó nghề này lại chứa đựng rất nhiều tham sân si. Nếu không có nền tảng giáo dục, đạo đức tốt thì rất dễ bị cuốn đi. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp cần phải được dành cho đúng thời lượng cần thiết trong việc dạy học và phải luôn được đề cao, nói đi nói lại với các diễn viên trẻ.

Tư tưởng ăn xổi còn khiến các bạn diễn viên trẻ cứ quay cuồng với công việc hiện tại mà không chịu học hỏi, trau dồi. Làm nghệ thuật là phải học suốt, nếu không sẽ cạn vốn rất nhanh và trở nên lạc hậu. Trong thời buổi mọi thứ đều phát triển rất nhanh như hiện nay, việc học càng quan trọng hơn.

* Cảm ơn chị. Chúc chị thành công với những việc đang làm.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm