27/12/2017 19:40 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Đã có 45 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng 21 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản” vào ngày 8/1/2018 tới.
Trong đó, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) có 3 luật sư, gồm: Nguyễn Huy Thiệp, Phan Trung Hoài, Đào Hữu Đăng.
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc PVC) có 9 luật sư: Bùi Kiếm Long, Lê Duy Thắng, Nguyễn Quốc Hùng, Lê Văn Thiệp, Nguyễn Văn Quynh, Trần Hồng Phúc, Ngô Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Huyền Trang, Lê Thị Bích Chi.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) mời luật sư Lê Đình Ứng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN) mời luật sư Đỗ Ngọc Quang tham gia bào chữa tại phiên tòa.
Tham dự phiên tòa có hai nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), 6 giám định viên và 60 người tham gia tố tụng là những người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng xét xử gồm 5 người: hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa phiên tòa. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn bố trí thêm một thẩm phán dự khuyết, hai hội thẩm nhân dân dự khuyết tham dự phiên tòa.
Ba kiểm sát viên: Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (Kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (Kiểm sát viên cao cấp) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn bố trí hai kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.
Trong số 22 bị cáo ra trước vành móng ngựa tại vụ án này, có 12 bị cáo bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", 8 bị cáo bị truy tố về tội "tham ô tài sản". Hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội: “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”.
Bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan công tố xác định: Bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Kim Anh (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất