14/09/2014 16:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Là người cùng tham dự chuyến du đấu của đội U13 SLNA tại Nhật Bản vào cuối tháng 8 vừa qua, HLV Nguyễn Hữu Thắng (SLNA) đã có những cảm nhận riêng, những ấn tượng mạnh về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Nhật Bản mà không phải quốc gia nào cũng làm được.
Cũng theo HLV Hữu Thắng, bóng đá Nhật Bản có nhiều phương pháp hay mà bóng đá Việt Nam có thể áp dụng luôn vào trong việc đào tạo hiện nay. Đó cũng là nội dung trao đổi giữa HLV Hữu Thắng với phóng viên Thể thao & Văn hóa.
* Trong chuyến du đấu ở Nhật Bản cùng đội U13 SLNA do Yamaha tổ chức vào tháng 8 vừa qua, sau khi quan sát J-League và công tác đào tạo trẻ của bóng đá Nhật Bản, ông có nhận xét gì?
- Tôi không ngần ngại khẳng định rằng Nhật Bản là nền bóng đá phát triển đứng đấu châu Á. Hay nói cách khác họ làm bóng đá (nhất là công tác đào tạo trẻ) rất chuyên nghiệp, giống các nền bóng đá tiên tiến của châu Âu. Đó là người ta chú trọng đến việc đào tạo tư duy bóng đá cho các cầu thủ trẻ, tiến hành dạy cho cách em chơi bóng bằng đầu, sau đó mới tính đến chuyện dạy các em các yếu tố khác như nền tảng thể lực, sức mạnh cơ bắp…
Đặc biệt hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của họ nhận được sự quan tâm không chỉ của LĐBĐ, của CLB mà mở rộng ra toàn xã hội. Từ gia đình, bố mẹ các cầu thủ đều rất chăm chút cho việc tập luyện của các con em họ. Mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, xã hội và CLB (trung tâm đào tạo) luôn khăng khít. Tôi từng chứng kiến sau mỗi buổi tập các HLV đào tạo trẻ luôn có những nhận xét về buổi tập của học trò cho các bậc phụ huynh đến sân theo dõi trực tiếp. Chính những đánh giá như thế khiến cho các em có được sự quan tâm chỉ bảo nhiều hơn ở những buổi tập sau.
* Vậy điều gì khiến ông ấn tượng nhất trong chuyến du đấu vừa qua. Và theo ông công tác đào tạo trẻ Việt Nam sẽ học hỏi được gì?
- Chúng ta nên học tập nhiều ở công tác đào tạo trẻ của Nhật Bản, vì họ rất khoa học và chuyên nghiệp. Ngay cả một chi tiết nhỏ mà tôi sẽ kể cho thấy cách làm của Nhật Bản đáng để Việt Nam học tập ngay.
Đó là việc đào tạo cầu thủ trẻ của Nhật Bản vẫn phân loại đào tạo các lứa tuổi U9, U11, U13, U15.
Và để khích lệ động viên các cầu thủ nhí, LĐBĐ Nhật Bản đã đưa ra chính sách, vào mỗi tuần sẽ có một vài cầu thủ nổi tiếng của J-League về luyện tập chung cùng các em. Đây không phải cách làm để lấy thương hiệu mà các cầu thủ nổi tiếng từ giải chuyên nghiệp xuống tập luyện đàng hoàng. Nhờ thế sẽ khích lệ được tinh thần, niềm đam mê chơi bóng của các em nhỏ thông qua hình ảnh các thần tượng, những cầu thủ mà các em đã được theo dõi trên sân. Đây là sự truyền tải trực tiếp hiệu quả nhất cho các em ở những buổi tập. Trong khi đó, tôi thấy ở Việt Nam, chưa một CLB nào, một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nào làm được như thế, kể cả ở SLNA.
Và nếu muốn làm tôi nghĩ phải có sự quan tâm chỉ đạo từ trên xuống, đó là sự chỉ đạo từ VFF, từ các CLB có chính sách chỉ đạo cho các cầu thủ chuyên nghiệp đến tập với các em. Có thể năm sau tôi sẽ áp dụng với SLNA.
* Thể trạng cầu thủ Việt Nam với Nhật Bản ở lứa tuổi năng khiếu không khác nhau nhiều, nhưng khi bước sang thi đấu chuyên nghiệp thì cầu thủ Nhật Bản lại phát triển mạnh so với cầu thủ Việt Nam. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
- Tôi dám khẳng định rằng thể trạng của cầu thủ chuyên nghiệp Nhật Bản hiện nay không nhỏ nữa mà họ đã ngang ngửa các nước châu Âu. Đây là một quá trình thay đổi gen mà người Nhật đã làm trong nhiều thập kỷ qua. Vì thế rất nhiều cầu thủ của Nhật Bản có thể sang thi đấu cho các CLB ở châu Âu.
Tôi cho rằng hiện nay không thể so sánh thể trạng của cầu thủ Việt Nam với cầu thủ Nhật Bản vì cần phải thay đổi thêm một vài thế hệ nữa thì chúng ta mới theo kịp thể trạng cầu thủ Nhật Bản bây giờ. Để được điều đó thì phải là nhiệm vụ của toàn xã hội.
* Đội tuyển U19 Việt Nam đã thi đấu ấn tượng tại giải vô địch U19 ĐNÁ. Liệu đây có phải tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam?
- Trước hết tôi không muốn đánh đồng đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay là sản phẩm do công tác đào tạo trẻ của Việt Nam, vì họ không phải được đào tạo chăm bón từ các thầy Việt Nam, mà những cầu thủ này là sản phẩm đào tạo theo mô hình hợp tác tiên tiến của châu Âu giữa CLB Arsenal và HA.GL. Và rất mừng khi những cầu thủ này thi đấu rất thành công trong thời gian vừa qua. Tôi tiếc rằng đến thời điểm hiện nay chỉ duy nhất có một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như thế ở Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Đại Nghĩa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất