Trợ lý sản xuất chương trình THTT: 'Đôi khi, người nghèo cũng diễn rất giỏi'

26/01/2015 17:11 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - THTT sử dụng những nhân vật nghèo khổ, khuyết tật để lấy nước mắt khán giả, nhưng nhiều khi đó chính là sự thiếu tôn trọng với chính nhân vật. Đó là nhận định của anh Huỳnh Bá Long, người từng làm trợ lý và giám sát 3 chương trình THTT.

Từng là trợ lý sản xuất các chương trình THTT Ngôi nhà mơ ước Câu chuyện ước mơ, Giám sát sản xuất Bếp yêu thương - đều khai thác những câu chuyện tử tế, kém may mắn, nghị lực, truyền tải thông điệp nhân văn, Huỳnh Bá Long đã kết thúc công việc này cách đây 5 năm.

Từng hủy quay, tổn thất 10 triệu vì nhân vật lừa dối

* Các chương trình THTT  khai thác câu chuyện nhân văn được thực hiện như thế nào, thưa anh?

- Điều cơ bản nhất của THTT dạng này chính là nhân vật và câu chuyện. Nếu có nhân vật hay và câu chuyện hay là thành công. Vì thế bước tiền trạm rất quan trọng. Cụ thể, để làm một tập của chương trình như vậy có 3 bước: tiền trạm, quay chính thức và hậu kỳ. Trong đó, tiền trạm là tiếp xúc nhân vật, hoàn cảnh sống, phỏng vấn người dân, chính quyền địa phương, xác minh hoàn cảnh của nhân vật. Tôi từng đảm nhận vai trò này trong chương trình Ngôi nhà mơ ước. Về nguồn nhân vật, người tiền trạm có thể xuống địa phương và xin chính quyền giới thiệu, hoặc căn cứ theo thư của bạn đọc hay chính nhân vật, cuối cùng là dựa vào những bài báo có sẵn. Nhưng dù dựa vào nguồn nào, người làm chương trình không thể lơ là việc tự xác minh, kiểm chứng.


Anh Huỳnh Bá Long, hiện công tác tại NXB Trẻ

* Anh từng gặp tai nạn nghề nghiệp nào không?

- Đó là một kinh nghiệm khi làm Ngôi nhà mơ ước. Đôi khi, người nghèo “diễn” cũng rất giỏi. Họ đánh vào lòng trắc ẩn của chúng tôi. Có lần, tôi đi tiền trạm một gia đình có 2 cô bé gái rất xinh bị bệnh xương thủy tinh. Hai bé gái ngoan lắm, bà mẹ cũng dễ mến, ông chồng thì bị tật, dẫn đến di truyền cho con. Sau khi gặp gỡ, nói chuyện với họ, tôi quyết định thực hiện chương trình ngay.

Họ kể hoàn cảnh rất khổ, nhưng cố tình quên một điều, đó là họ đã xuất hiện trong một chương trình khác rồi và nhờ đó nhận được số tiền giúp đỡ lên đến cả trăm triệu. Đến hôm quay chính thức, tôi dẫn cả đoàn 20 người đến chuẩn bị máy móc, hàng xóm mới nói với trưởng đoàn rằng gia đình này diễn. Còn số tiền ủng hộ kia họ lấy đi chơi đề đóm hết rồi. Hai đứa trẻ vô tội đã bị bố mẹ lợi dụng.

Hôm đó, chúng tôi phải hủy quay chương trình. Tôi bị đồng nghiệp khiển trách. Cả ê-kíp coi đây là một tai nạn, làm mất thời gian, công sức và tổn thất khoảng 10 triệu đồng.

Nhà sản xuất muốn tránh bi lụy, nhưng nhà tài trợ thích khai thác nước mắt

* Làm thế nào để kiểm chứng một câu chuyện khi làm THTT?

- Vẫn phải dựa vào trực giác và thông tin từ nhân vật, hàng xóm và chính quyền địa phương. Đủ các nguồn tin nói trên thì có thể coi là chặt chẽ. Cần phải hiểu rằng, chúng tôi làm chương trình để thu lợi nhuận chứ không phải làm từ thiện, nên chúng tôi vẫn phải tính toán làm thế nào ít chi phí nhất.

* Nếu nhân vật cố tình lừa dối, người làm chương trình có hoàn toàn bị động và chịu thiệt không?

- Tôi nghĩ chỉ làm một chuyến đi về địa phương là giải quyết được vấn đề. Các chương trình THTT hiện nay gặp một khó khăn khác là mới đi vào sản xuất nên vấp váp là tất yếu. Chúng tôi cũng từng mất một năm đầu chật vật, quay với tiến độ chậm, về sau mới rút ngắn được thời gian khi công việc sản xuất đi vào hệ thống. Nếu vấp váp, một chương trình cần tìm giải pháp mới, gắn kết các bộ phận sản xuất và thậm chí thay đổi tiêu chí tuyển chọn nhân vật, không chỉ từ yếu tố khuyết tật, bệnh tật…

* Tôi để ý đến khái niệm “kích dục thương hại” để chỉ những cảnh đời nghèo khổ được truyền thông đưa lên để lấy nước mắt người xem. Anh nghĩ sao về cách làm này?

- Hồi làm chương trình, chúng tôi có tranh cãi nhiều lần về tiêu chí chọn nhân vật. Các chương trình của chúng tôi luôn có nhà tài trợ, tức là các nhãn hàng, họ chỉ muốn một thứ thôi, đó là rating cao. Người xem càng đông càng tốt, nên họ thích đánh vào lòng trắc ẩn. Điều này đôi khi đi ngược với tiêu chí sản xuất. Vì chúng tôi lại muốn cho nhân vật một đôi cánh để thoát nghèo chứ không muốn đi vào bi lụy để lấy nước mắt. Nhà tài trợ có lúc rất hiểu, nhưng có lúc lại không, nên đó là cuộc tranh cãi dai dẳng. Nhưng chúng tôi phải chiều nhà tài trợ.

Chúng ta có lỗi nếu thương hại người khuyết tật

* Nếu tránh các yếu tố khuyết tật, nghèo khổ thì chương trình về sự tử tế có mất đi sức hấp dẫn không?

- Tôi nghĩ là không. Những tấm gương vượt khó, vượt lên đói nghèo, bạo hành gia đình, vượt lên số phận… không thiếu, thậm chí rất nhiều, miễn là mình phải có ngôn ngữ truyền hình tốt. Nên biết rằng, người khuyết tật văn minh cũng không hề muốn bị gọi là khuyết tật, họ chỉ nhận mình không may mắn. Nên riêng mình gọi họ là khuyết tật đã là một hành vi phân biệt.

* Vậy anh nghĩ sao về các chương trình nếu tô đậm sự khuyết tật để lấy nước mắt khán giả?

- Tôi phản đối. Hãy đối xử công bằng với họ bằng cách xem họ như một người bình thường. Họ phải có cái gì đó đáng để ca ngợi hơn là khuyết tật thuần túy.

Chúng tôi từng làm chương trình về cậu bé Trần Tôn Trung Sơn, một nạn nhân chất độc da cam, chỉ có hai ngón tay hoạt động được mà giờ đã học Đại học Harvard ở Mỹ. Cậu bé có trình độ tư duy phải nói là khủng khiếp, một trí tuệ đỉnh cao, không đơn thuần “tàn tật mà học giỏi”. Sang Mỹ học, em được tôn trọng như một con người. Còn ở đây, em chỉ là một kẻ khuyết tật tội nghiệp.

* Vậy với một đứa trẻ như Sơn, em cần lòng thương hại hay cần một thái độ khác của xã hội?

- Tôi nghĩ Sơn không cần và nhiều bạn khác cũng không. Sơn hiểu được giá trị của mình, ba em là người có học nên luôn giáo dục em rằng phải đứng bằng đôi chân của mình, rằng người ta tôn trọng bộ óc của mình.

Nhưng một số ít bạn khuyết tật thì có, họ cho rằng mình có quyền được xã hội bảo bọc, nghĩa là “hãy lo cho tôi”. Họ rất dễ tự ái tổn thương, và có chút thù hận cuộc đời. Tâm lý đó phần nào là do chính xã hội tạo ra cho họ. Chúng ta cũng có lỗi.

TS Phạm Mạnh Hà - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: THTT đang lạm dụng “thương vay khóc mướn”

Hiện nay có nhiều chương trình THTT đánh vào tình yêu thương, lòng trắc ẩn của con người. Hầu hết các chương trình này đều làm clip về đời sống của các nhân vật. Có những chương trình làm rất tốt khiến khán giả cảm động, nhưng có những chương trình vì quá lạm dụng lại thành ra “thương vay khóc mướn”. Họ tạo nên những nhân vật với những cảnh đời éo le, nhiều khi khác xa với sự thật. Khi công chúng phát hiện ra sự thật thì đều thất vọng.

THTT cần những thủ pháp để chương trình hay hơn, tuy nhiên cần tuyệt đối tránh lợi dụng người khuyết tật, hay trình bày sự khổ sở của người khác nhằm làm khán giả cảm động. Ở phương Tây họ không cho phép làm thế vì họ coi đó là hành vi vô đạo đức.

Ngày càng có nhiều chương trình THTT từ thiện. Tôi nghĩ những con người gặp hoàn cảnh khó khăn đều cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, nên hỗ trợ họ về động lực, về tinh thần để họ khắc phục nghịch cảnh, tìm cách vươn lên trong cuộc sống, hơn là giúp đỡ họ về vật chất, điều đó chỉ làm hại họ thôi. Có thể lấy ví dụ trường hợp cậu bé Hào Anh. Nhờ truyền thông đưa tin, ai cũng cảm thương cậu bé bị bạo hành dã man. Từ đó đã huy động được một số tiền lớn từ xã hội trao cho cậu ấy. Nhưng vì không nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, kỹ năng quản lý cuộc sống, Hào Anh đã trở thành người hư hỏng. Và giờ đây truyền thông lại chĩa mũi dùi vào cậu ấy.

Tôi nghĩ các nhà sản xuất, hay thậm chí truyền thông khi thực hiện các chương trình phải cân nhắc tính mục đích và tính đạo đức để đưa ra cách làm phù hợp. Nếu làm quá, sẽ nhận lại sự phản ứng của dư luận. Các chương trình Truyền hình thực tế, đơn cử như American Idol, The Voice... về bản chất đều là những chương trình tốt, vì nó tạo điều kiện cho những người không được đào tạo bài bản có cơ hội thể hiện tài năng. Tuy nhiên một số chương trình khi nhập khẩu về Việt Nam, đặt mục đích thu hút quảng cáo lên hàng đầu, dẫn đến việc họ xây dựng những hình tượng nhân vật không đúng với bản chất vốn có khiến công chúng phản ứng.

Ngọc Diệp (ghi)

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm