Trong sách Nguyễn Quang Thiều, những đứa trẻ tập làm người tử tế

27/11/2021 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Giải B Giải thưởng Sách quốc gia cho tập truyện thiếu nhi Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của nhà văn Nguyễn Quang Thiều được soi khá kỹ. Ban tổ chức giải cho biết: “…quy trình chấm rất chặt chẽ. Tiểu ban sách thiếu nhi có 5 thành viên, sau khi chấm đều đề xuất giải thưởng cho cuốn sách của anh Nguyễn Quang Thiều cao hơn mức được trao giải thực tế” (đề xuất A, được B).

Nguyễn Quang Thiều: Người ngang qua cánh đồng hội họa

Nguyễn Quang Thiều: Người ngang qua cánh đồng hội họa

Duyên cớ đến với hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - hệt như một cuộc tình sét đánh. Chỉ một vệt màu vàng rực bừng lên bất chợt cũng đủ đánh thức tâm cảm của nhà thơ, cuốn đi theo những miên man trong thế giới của màu sắc. Kể từ ấy, Nguyễn Quang Thiều vẽ.

Sự chặt chẽ được BTC hé lộ “…Hội đồng chung khảo đã cẩn thận chuyển tác phẩm vào phía Nam cho 2 chuyên gia uy tín đọc và nhận xét, tiếp đó đưa đi phản biện kín và bỏ phiếu”.

Thật ra, trước khi đoạt giải Sách quốc gia, từ tháng 9 năm ngoái, tại Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, Chuyện của anh em nhà Mem và Kya đã nhận được số phiếu thuận nhiều nhất để tác giả của nó được trao giải cao nhất - Hiệp sĩ Dế Mèn - nhưng cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã từ chối nhận giải thưởng này, vì ông có tên trong Hội đồng giám khảo của giải và không muốn bị hiểu lầm, cho dù Quy chế của giải hoàn toàn không cấm việc giám khảo có tác phẩm được đề cử.

Vậy tập sách rất mỏng Chuyện của anh em nhà Mem và Kya có gì để cả 2 giải thưởng kể trên đều nhắm đến? Sau đây là bài viết của nhà văn Trần Quốc Toàn, cây bút quen thuộc trên mục “Văn hóa đọc” của Thể thao và Văn hóa:

Chú thích ảnh
Tập sách mỏng “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” được 2 giải thưởng lớn nhắm tới

1. Sách Chuyện của anh em nhà Mem và Kya là xâu chuỗi những “hạt” chuyện hay kể về những đứa trẻ tập làm người tử tế. Các em làm theo lời dạy của người nhà mình: “Trở thành người tử tế là lời cảm ơn sâu sắc nhất các cháu dành cho mọi người” (tr.56). Các em tập ngoan ngoãn, lịch thiệp chào hỏi nhau, từ tuổi vỡ trứng ngay trong nhà hộ sinh khi còn “nắm chặt lấy cái tã bọc” của nhau (tr.14). Tập khiêm nhường, không đua đòi, kèn cựa dù có người “…giỏi tiếng Anh hơn mình, ngượng quá đi mất” mà ngoan ngoãn ăn lời người trên: “…là người Việt Nam, trước hết cháu phải học tiếng Việt cho giỏi đã”. Tập bận đồ truyền thống để được khen: “Ôi cô bé Việt Nam này mặc áo dài xinh quá” (tr.52). Tập hào phóng chia sẻ niềm vui kèm theo “một tàu chở bí đỏ”, “vào dịp lễ Halloween năm 2019” (tr.39). Tập khéo tay hay làm, để có đèn ông sao, dán lấy, phất lấy, có quà quý hiếm tặng nhau, không lẫn vào hàng chợ rập khuôn (tr.22). Tập rũ bỏ nhút nhát, dũng cảm đối thoại với Nhà nước của mình, như Kya dự định viết thư cho Tổng thống Mỹ “…đề nghị ông ấy quyết định có rằm Trung thu cho trẻ em Mỹ” (tr.20); như Mem mạnh dạn đối thoại với dòng họ mình, tính viết thư “…gửi các cụ, các ông bà họ Nguyễn, ở làng Chùa, đề nghị thay đổi phong tục “phụ nữ không được vào họ mà chỉ có nam giới thôi”(tr.49)…

Các nhân vật của xâu chuỗi văn học này đều còn ở tuổi sơ sinh, cún con Kya sinh 2018 bên Mỹ, cu Mem 2019 ở làng Chùa, Việt Nam. Họ kể chuyện từ khi… chưa biết nói, lại còn “ủ mưu” viết một cuốn sách. Những điều này thật khác lạ, tức cười. Khác lạ (phi thường) tức cười (hài hước) đều là yếu tố cần thiết cho văn học thiếu nhi.

2. Tác giả Nguyễn Quang Thiều biết cách hô biến để những nhân vật thiếu nhi của mình có những hành vi “Thánh Gióng” trong thời bình như vừa nói trên kia. Nhưng ông cũng tích cực nhảy vào dòng cốt truyện để có thêm loại nhân vật phi hư cấu, là chính ông, tham gia đào sâu ý tưởng tôn vinh tuổi thơ.

Nhân vật người ông trong sách, luôn mong ước được trở về nhà mình:“…đặt chiếc va li xuống và mở ra…Một thế giới đồ chơi vô cùng hấp dẫn hiện ra trước mắt những đứa trẻ”. Muốn thế người ông “…dành cả ngày đi mua đồ chơi…lùng sục cả thành phố La Habana…” và không chờ được tới khi đã ở trong nhà mình, ngày giữa sân bay Nội Bài, ông đã “mở ngay chiếc thùng giấy lấy ra một chiếc ô tô vặn giây cót cho chiếc xe chạy trước mắt bố Thuật. Đôi mắt bố Thuật hút vào chiếc đồ chơi không rời”.

Lần khác, ngày giữa sân bay Cleveland Mỹ quốc, ông “rút trong ba lô một chiếc kèn harmonica nhỏ xíu màu lá mạ…đến trước Kya và đưa kèn lên thổi”. Nhân vật ông nội, ông ngoại Nguyễn Quang Thiều luôn hết mình vì con cháu mình. Vì những người ruột thịt ấy, trong những lần dỗ cháu nín khóc, ông không chỉ là nhạc công, vũ công, ông còn là một anh hề “…không thổi cây sáo một cách bình thường mà ông vừa thổi vừa nhủn nhảy…Kya phải bật cười vì cách thổi sáo của ông…”.

Trong mạch cảm hứng tôn vinh tuổi thơ, nhiều khi nhân vật người ông say mê tới mức tách khỏi dòng tự sự đặng mà trữ tình ngoại đề. Theo ông nếu chần chừ, lần lữa không quan tâm tới những đứa trẻ dù chỉ bằng các viên kẹo và các món đồ chơi, là đã “…giết chết niềm vui và sự chờ đợi của một đứa trẻ…đã cắt đi sợi dây kỳ diệu trong mối quan hệ…với những đứa trẻ của mình”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (trái) tại Giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa

3. Có lẽ, lối kết cấu để có 56 trang Chuyện của anh em nhà Mem và Kya là chưa từng có trong văn học thiếu nhi Việt Nam. Dù bắt đầu bằng chữ “chuyện” nhưng sách không chỉ có truyện nhiều kích cỡ, từ mươi mười lăm dòng tới vài ba trang, nhiều giọng điệu, bút ký, tản văn, chính luận… mà còncó 5 trang thơ.

Có bài Con về quê nội viết bên Cuba từ 1986 cái thời “Xe Vân Đình chẳng còn cửa kính/ Gió cuối Đông buốt lạnh với mưa phùn/ Xe đông thế mà như thiếu vắng/ Mẹ ôm con vào, gió quá con tôi”- cái thời nghèo còn chạy xe cũ cà tàng và giọng thơ cũng chưa mới. Có bài Đưa cháu về quê nội viết ngay tại làng Chùa trên đất Vân Đình kia năm 2019, khi “Những búp sen hồng thắp sáng ban mai” giúp 2 ông cháu cùng giác ngộ: “Nhận ra hoa nở cả trong bóng tối/ Nhận ra mây, bay trên những ưu phiền/ Nhận ra gió tự do không bao giờ khuất phục/ Nhận ra cuốn sách người - ngôn ngữ của lương tri”. Hay nhất là bài Ngày Kya ra đời viết trong ngày đầy tháng năm 2018 của nhân vật này, giúp người ông vững tin đưa ra “tuyên ngôn về sự sống”:

“Khi đôi mắt Kya mở ra/ Bầu trời ngập tràn ánh sáng/ Khi giọng Kya vang lên/ Trong các vòm cây chim hót/ Khi bàn tay Kya xòe ra/ Những cánh đồng hoa bừng nở/ Và khi Kya ngậm bầu vú mẹ/ Có những dòng sông ngủ quên trong đất/ Giờ thức dậy và tuôn chảy”.

Chính dòng sông thơ “tuyên ngôn” này, bằng câu hỏi kết bài, đã nối 3 thế hệ nhân vật trong sách này vào cùng một trách nhiệm: “Các người đang làm gì với thế gian này?”. Chính tuyên ngôn thơ, như một nét son đã ghi nhận, với những khai sáng và thúc đẩy: Những đứa bé xứng đáng được có quyền trẻ em trong tay. Và điều ấy cũng chính là cảm hứng khẳng định của Chuyện của anh em nhà Mem và Kya.

Nhưng chưa hết, bên thơ ca còn có hội họa. Còn các bức vẽ nối nhau thành một truyện tranh, với các vóc dáng, khuôn mặt, tóc tai…hiển hiện từ tính cách nhân vật, song hành với truyện chữ. Ông Nguyễn Quang Thiều và cháu nội Mem, cháu ngoại Kya, trong sắc màu của họa sĩ Kim Duẩn, lặng thinh nối các trang chữ. Với cách vẽ liên hoàn như thế có thể coi Kim Duẩn là đồng tác giả của sách này.

56 trang Chuyện của anh em nhà Mem và Kya được kết cấu theo kiểu tích hợp thể loại, một đóng góp đắc dụng cho việc phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam.

Xin trở lại câu chuyện sách của tác giả Nguyễn Quang Thiều bị trượt hạng A. Phải chăng là vì sách này thật hay khi nhìn từ góc văn học viết “về” thiếu nhi nhưng chưa thật hay nếu nhìn từ góc viết “cho” thiếu nhi. Hình như tác giả cũng nhìn nhận chuyện này như thế. Cho nên ông nêu trên trang mạng của mình: “…tôi đang viết cuốn sách thứ 2 về những đứa cháu của mình. Nội dung cuốn sách vẫn là những câu chuyện liên quan đến 2 đứa cháu nội và ngoại của tôi…Sau mỗi 1 năm, các cháu lại lớn lên và để lại những câu chuyện mà trước đó tôi không hình dung được. Cuốn sách thứ 2 tạm đặt tên là Vương quốc hạnh phúc ở đâu? Mem và Kya cùng một nhân vật thứ 3 vừa xuất hiện đi tìm vương quốc hạnh phúc của mình… Những đồ chơi như ô tô, máy bay, khủng long, sư tử, ngựa, gấu trúc, vịt trời...đã đưa 3 đứa trẻ rời ngôi nhà của chúng đi tìm vương quốc hạnh phúc…”.

Để các cháu mình cưỡi đồ chơi phi vào dòng truyện, phải chăng sách đang viết của tác giả Nguyễn Quang Thiều không còn phi hư cấu như Chuyện của anh em nhà Mem và Kya ông đã viết, để thật sự là tác phẩm viết cho thiếu nhi? Nguyễn Quang Thiều đã từng hư cấu rất thành công trong Bí mật hồ cá thần- sách đạt giải B cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1996 - 1997 của Nhà xuất bản Kim Đồng, bạn đọc thiếu nhi chờ đợi thành công mới của ông trong Vương quốc hạnh phúc ở đâu?

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm